Mảnh thủy tinh cứa khắp mặt bé trai sau cú ngã trượt chân
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 2 tuổi bị nhiều tổn thương vùng mặt do các mảnh thủy tinh cứa.
Bệnh nhi là Trần Phúc L, 2 tuổi (ở Đồng Du, Bình Lục, Hà Nam) nhập viện trong tình trạng hoảng sợ, đau đớn, băng bó khắp mặt. Bác sĩ mở băng ra thăm khám thì thấy có nhiều vết thương rất dài ở vùng trán và vùng má vẫn còn rỉ máu.
Theo gia đình bệnh nhi, khi trèo lên bộ ghế trường kỷ, bé với tay nghịch bình thủy tinh đựng nước trên bàn rồi bị trượt chân ngã kéo bình thủy tinh rơi theo, vỡ thành nhiều mảnh dưới nền đất. Bé bị ngã úp mặt vào những mảnh vỡ thủy tinh, gây ra nhiều vết thương trên da vùng mặt. Sau khi tai nạn xảy ra, bé lập tức được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu vết thương rồi chuyển ngay lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật khâu vết thương phần mềm vùng mặt cho bệnh nhi. Theo đó, kíp mổ đã tiến hành làm sạch vết thương, đặc biệt kiểm tra kỹ tránh trường hợp sót dị vật, nhất là dị vật mảnh thủy tinh trong vết thương, rồi khâu đóng vết thương.
BSNT. Nguyễn Thị Huệ - Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bé cho biết: "Việc loại bỏ dị vật như các mảnh thủy tinh ra khỏi vết thương là vô cùng quan trọng, bởi nếu chúng nằm trong vết thương sẽ làm vết thương bị nhiễm trùng và không liền được. Đối với vết thương hở, đặc biệt vết thương bẩn có nguy cơ bị uốn ván, cần phải tiêm phòng uốn ván để tránh nguy cơ tử vong cao do mắc uốn ván.
Nhiều người thường lầm tưởng chỉ có giẫm phải đinh sắt, kim loại... mới bị uốn ván, nhưng thực tế, những vết thương hở đặc biệt những vết thương bẩn chứa dị vật, bụi bẩn cũng có thể gây bệnh này".
Bác sĩ Huệ khuyến cáo nếu gặp rủi ro tương tự, đối với vết thương chảy máu nhiều, trước tiên người nhà cần nhanh chóng dùng băng, gạc ép vết thương để cầm máu; đối với vết thương nông, không hoặc ít chảy máu, người nhà cần làm sạch vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, băng vết thương lại. Ngay sau đó cần đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, đúng cách.
Bác sĩ lưu ý người bị nạn cũng như người nhà không nên tự lấy nhíp, kim khâu hoặc một số dụng cụ để lấy dị vật vì không đảm bảo vô trùng.
Bên cạnh đó, khi chăm sóc trẻ tại gia đình, người nhà trẻ cần cẩn trọng quan sát con, không để những vật dụng dễ vỡ, nguy hiểm như bình thủy tinh, phích nước nóng… trong tầm với của trẻ, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.