Mãnh tướng bí ẩn được Lưu Bị thăng cấp trước khi qua đời, không ngờ cứu vãn 20 năm diệt vong của Thục Hán

Trước khi qua đời, Lưu Bị đã bí mật thăng cấp cho một mãnh tướng. Thật không ngờ người này sau đó lập đại công giúp Thục Hán thoát được họa diệt vong trong 20 năm. Người này là ai?

Trong số 3 vị quân chủ thời Tam Quốc, Lưu Bị là người có hành trình lập nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất. Cuộc tranh hùng của Lưu Bị ban đầu không gặp thuận lợi khi ông nhiều lần thất bại, phải đi nương nhờ dưới trướng của nhiều chư hầu đương thời như Công Tôn Toản, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu và Lưu Biểu.

Đặc biệt, trong thời gian nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh Châu, sự nghiệp của Lưu Bị bắt đầu có chuyển biến khi ông được Gia Cát Lượng theo phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ.

Theo đường lối này, Lưu Bị chiếm được một phần Kinh Châu và gần trọn Ích Châu để làm cơ sở dựng nghiệp. Thế nhưng, chiến lược Long Trung đối sách có nguy cơ đổ vỡ vì liên minh với Tôn Quyền bị rạn nứt. Cụ thể, Tôn Quyền đánh chiếm phần Kinh Châu và giết chết Quan Vũ, khiến Lưu Bị nổi giận cất đại quân đánh báo thù và định giành lại vùng đất này.

Sau khi hay tin Tào Phi (con trai Tào Tháo) phế truất Hán Hiến Đế để lập ra nhà Ngụy, đến tháng 5/221, Lưu Bị tạm gác việc đánh Đông Ngô và làm lễ lên ngôi hoàng đế của nhà Thục Hán. Sau khi xưng đế, Lưu Bị đích thân thống lĩnh đại quân tiến đánh Đông Ngô.

Lưu Bị lên ngôi hoàng đế của nhà Thục Hán vào năm 221.

Lưu Bị lên ngôi hoàng đế của nhà Thục Hán vào năm 221.

Tuy nhiên, thất bại nặng nề ở Di Lăng đã khiến Lưu Bị suy sụp, lâm bệnh nặng rồi qua đời ở thành Bạch Đế vào năm 223. Cơ nghiệp mà cả đời ông gây dựng được truyền lại cho con trai cả là Lưu Thiện và giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng phò tá.

Đặc biệt, trước khi qua đời, Lưu Bị đã có một số tính toán để giữ vững cơ nghiệp của nhà Thục Hán. Trong số đó, vị hoàng đế này đã bí mật thăng chức cho một mãnh tướng. Người này chính là Vương Bình (? – 248), một vị tướng từng phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.

Mãnh tướng được thăng tiến vượt cấp ở Thục Hán

Lưu Bị thăng cấp cho Vương Bình trước khi ông qua đời.

Lưu Bị thăng cấp cho Vương Bình trước khi ông qua đời.

Vương Bình, tự Tử Quân, là người huyện Đãng Cư, quận Ba Tây. Ngay từ khi còn trẻ, Vương Bình đã đi theo Đỗ Hoạch. Ông cùng với Đỗ Hoạch, Phác Hồ đến Lạc Dương và được Tào Tháo thu nhận. Đến năm 215, khi Tào Tháo đi đánh Trương Lỗ ở Hán Trung, Vương Bình cùng Đỗ Hoạch và Phác Hồ đi theo.

Năm 219, khi Lưu Bị mang quân ra đánh Hán Trung, Vương Bình đã bỏ Tào Tháo sang hàng Lưu Bị và được bổ nhiệm làm tướng nha môn, Bì tướng quân. Sau đó, phía Lưu Bị giết được Hạ Hầu Uyên, chiếm được Hán Trung, khiến Tào Tháo đành phải lui quân. Vương Bình là người am hiểu địa hình ở Hán Trung. Điều này cũng được Lưu Bị đánh giá cao và ông đã phong cho Vương Bình chức Bì tướng quân.

Trước khi đầu quân cho Lưu Bị, Vương Bình từng phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.

Trước khi đầu quân cho Lưu Bị, Vương Bình từng phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.

Lưu Bị có nhãn quan nhìn người rất nhạy bén. Việc ông thăng chức cho Vương Bình chỉ sau một thời gian ngắn đầu quân là có lý do. Quả nhiên, kể từ khi phục vụ nhà Thục Hán, Vương Bình trở thành một viên tướng tâm phúc, lập được nhiều công lao cho vương triều này.

Sau khi Lưu Bị qua đời được vài năm, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Hậu chủ Lưu Thiện, tích cực xây dựng Thục Hán quốc phú, binh cường.

Đến năm 228, Gia Cát Lượng bắt đầu thực hiện chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất để đánh Tào Ngụy. Trong trận Nhai Đình, Gia Cát Lượng sai Mã Tắc làm chánh tướng, đồng thời chọn Vương Bình làm phó tướng vì ông biết rõ đây là một mãnh tướng được Lưu Bị thăng chức, năng lực rất đáng tin cậy. Thật may Gia Cát Lượng phái Vương Bình tới vùng đất trọng yếu là Nhai Đình, nếu không hậu quả sẽ thảm khốc.

Lưu Bị trước khi qua đời cũng căn dặn Gia Cát Lượng không thể trọng dụng Mã Tắc vì tình cảm cá nhân. Bởi theo Lưu Bị, Mã Tắc không phải là người giỏi giang, thay vào đó chỉ là kẻ ngang ngạnh cố chấp, khoác lác, ngạo mạn, tự cho mình là đúng. Đáng tiếc, Gia Cát Lượng lại phớt lờ di ngôn của Lưu Bị về Mã Tắc.

Quả nhiên, trong chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất, Mã Tắc ngang ngược cố chấp, bỏ qua lời khuyên can từ cấp dưới, trong đó có Vương Bình, nên sơ sảy để mất Nhai Đình, một vùng đất chiến lược của Thục Hán.

Mã Tắc không nghe theo lời can ngăn của Vương Bình dẫn tới Nhai Đình thất thủ.

Mã Tắc không nghe theo lời can ngăn của Vương Bình dẫn tới Nhai Đình thất thủ.

Sau khi thấy Mã Tắc đại bại, Vương Bình đã cố gắng thống lĩnh cánh quân dồn sức chiến đấu, cố thủ không rút. Do Trương Cáp (tướng của Tào Ngụy) nghi quân Thục có phục binh nên không dám tiến đánh. Nhân cơ hội này, Vương Bình bèn chỉnh đốn đội ngũ, thu thập tàn quân của Mã Tắc bỏ chạy rồi bình tĩnh rút lui về nước.

Hai thất bại lớn của Quan Vũ và Lưu Bị đã khiến phần lớn quân tinh nhuệ của Thục Hán bị tiêu diệt. Do đó, nhiều binh lính mà Gia Cát Lượng chỉ huy trong chiến dịch Bắc phạt là lính mới. Một khi toàn bộ quân Thục bị tiêu diệt trong trận Nhai Đình, đây sẽ là một đòn chí mạng với đại nghiệp của Thục Hán. Chính Vương Bình là người đã tập hợp tàn quân bại trận, ngăn chặn kết cục đại bại hoàn toàn, cứu được nhuệ khí của binh lính.

Vì thất thủ Nhai đình nên Thục Hán mất đi cơ hội chiến thắng, đồng thời khiến tất cả các tính toán khác của Gia Cát Lượng trong chiến dịch này đều không thể thực hiện được.

Mã Tắc, Trương Hưu, Lý Thịnh bị xử tội chết, còn Hoàng Tập bị thu binh quyền. Trong số các tướng lĩnh tham gia trận chiến ở Nhai Đình, duy chỉ có Vương Bình được ban thưởng. Ông được thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và được sắc phong Đình hầu. Đây được coi là sự thăng tiến đặc biệt vượt cấp so với các võ tướng đương thời. Tuy nhiên, toàn quân đều cho là xứng đáng.

Sau trận Nhai Đình, Vương Bình được trọng dụng. Ông trở thành trụ cột, viên tướng tâm phúc của quân Thục trong các trận chiến tiếp theo. Cụ thể, năm 231, Vương Bình theo Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ tư. Gia Cát Lượng bao vây Kỳ Sơn và lệnh cho Vương Bình phụ trách vòng vây ở phía Nam. Trong khi đó, Tư Mã Ý của Tào Ngụy lệnh cho Trương Cáp tấn công Vương Bình. Tuy nhiên, Vương Bình chỉ thủ không xuất chiến khiến quân Trương Cáp tấn công mà không thu được kết quả gì.

Ngoài Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng sớm nhìn thấy tài năng của Vương Bình.

Ngoài Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng sớm nhìn thấy tài năng của Vương Bình.

Theo Tam Quốc diễn nghĩa, trước khi qua đời, Gia Cát Lượng đã chỉ định Vương Bình cùng Liêu Hóa, Mã Đại, Trương Dực và Trương Ngực là các trung thần của Thục Hán cần phải giữ lại và trọng dụng.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời năm 234, Vương Bình được phong làm Hậu điển tướng quân, An Hán tướng quân, phò trợ Xa kị tướng quân Ngô Đài trấn thủ Hán Trung, đồng thời kiêm chức Thái thú Hán Trung.

Vương Bình lập đại công mang lại hòa bình 20 năm cho Thục Hán

Vương Bình lập đại công đẩy lui đại quân của Tào Sảng năm 244,

Vương Bình lập đại công đẩy lui đại quân của Tào Sảng năm 244,

Đến năm 244, Tào Phương (hoàng đế thứ ba của Tào Ngụy) lệnh cho Tào Sảng dẫn quân đánh Thục Hán. Tào Sảng đã mang theo 100.000 quân cùng Hạ Hầu Huyền từ Lạc Khẩu để kéo vào Hán Trung. Trong khi đó, quân Thục ở Hán Trung lại chỉ có chưa tới 30.000 người.

Lúc bấy giờ, các tướng của Thục Hán muốn cố thủ ở Hán Thành và Lạc Thành, để chờ viện binh từ Ích Châu. Tuy nhiên, chính Vương Bình là người đứng lên phản đối. Mãnh tướng này cho rằng nếu chỉ cố thủ để quân Ngụy chiếm mất cửa ải thì Hán Trung rất nguy. Thay vào đó, quân Thục nên trấn giữ Hưng Thế, chặn ngay lối vào của quân địch, đồng thời chờ viện binh đến đánh.

Ban đầu, mọi người nghe ý kiến của Vương Bình còn tỏ ra ngờ vực, chỉ riêng có Hộ quân Lưu Mẫn là tán thành và mang quân ra trấn thủ Hưng Thế. Trong khi đó, Vương Bình mang quân tới tiếp ứng. Khi Tào Sảng tiến đến Hưng Thế thì bị quân Thục cản không sao đánh được. Cùng lúc đó, quân Ngụy không đủ lương thảo cung ứng, trâu, bò, dê, ngựa bị chết hàng loạt. Viện binh quân Thục từ Ích Châu bất ngờ kéo tới tấn công. Kết quả, Tào Sảng không chống nổi nên đành phải rút lui.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính nước đi đúng đắn này của Vương Bình đã thành công kéo dài "tuổi thọ" của Thục Hán thêm 20 năm nữa. Ngược lại, nếu không làm theo cách của Vương Bình, rất có thể Thục Hán đã bị diệt vong từ lâu.

Rõ ràng, việc Lưu Bị trọng dụng và phong chức cho Vương Bình năm xưa cho thấy khả năng nhận biết và sử dụng nhân tài của ông thực sự xuất chúng. Nhiều lần lập đại công giúp đẩy lui quân Tào Ngụy, Vương Bình quả thực là viên tướng tâm phúc của triều đình Thục Hán.

Theo Phụ nữ số

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/manh-tuong-bi-an-duoc-luu-bi-thang-cap-truoc-khi-qua-doi-khong-ngo-cuu-van-20-nam-diet-vong-cua-thuc-han/20240318101600649