Mãnh tướng giỏi chạy trốn nhất của Tào Tháo, Tư Mã Ý không dám động tới, Trương Phi, Triệu Vân không thể làm gì
Mãnh tướng này dày dạn kinh nghiệm chiến trận đến nỗi Trương Phi, Triệu Vân đều không thể làm gì, Tư Mã Ý cả đời túc trí đa mưu cũng không dám động tới. Đó là ai?
Trong những năm cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, cuộc đấu trí giữa ba tập đoàn mạnh nhất với ba vị quân chủ đứng đầu lần lượt là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền diễn ra rất kịch tính. Tuy nhiên, bên cạnh những nước cờ chính trị, các võ tướng được coi là đội quân tiên phong không thể thiếu trong các trận chiến giữa ba nước Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Lưu Bị nổi tiếng có "Ngũ hổ tướng" gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Trong khi đó, Tào Tháo cũng có rất nhiều nhân tài dưới trướng, nổi bật là "Ngũ tử lương tướng".
Theo Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ chỉ rõ "Ngũ tử lương tướng" chính là 5 vị tướng tâm phúc của Tào Ngụy và họ đều không nằm trong nội tộc của họ Tào và Hạ Hầu. Năm người này bao gồm Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng.
Trong số này, có một vị tướng rất giỏi chạy trốn trên chiến trường đến nỗi ngay cả hai võ tướng dũng mãnh và thiện chiến như Trương Phi, Triệu Vân cũng không làm gì được. Người này chính là Trương Cáp.
Mãnh tướng "qua mặt" Trương Phi, Triệu Vân có bản lĩnh gì?
Trương Cáp (? – 231), thường được viết thành Trương Hợp, tự là Tuấn Nghệ, là một vị tướng nổi tiếng của nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc. Trương Cáp bắt đầu tham gia chiến trận khi 16 tuổi vào thời gian có khởi nghĩa Khăn Vàng. Sau khi khởi nghĩa này tan rã, ông trở thành thuộc hạ của Hàn Phức, Ký Châu mục cuối thời Đông Hán. Sau khi Hàn Phức bại trận, Trương Cáp dẫn binh quy hàng Viên Thiệu.
Đến năm 200, Tào Tháo đánh nhau với Viện Thiệu ở Quan Độ. Trương Cáp nhiều lần khuyên Viên Thiệu nhưng không được. Kết quả, Tào Tháo tiêu diệt được phần lớn quân số của Viên Thiệu, thuận lợi tiến đánh các thế lực còn lại chống đối ở miền bắc, tạo điều kiện để xây dựng nên nhà Tào Ngụy sau đó.
Theo Hậu Hán thư, Viên Thiệu phái Cao Lãm cùng Trương Cáp dẫn quân đánh lén trại của Tào Tháo, nhưng thất bại. Hai võ tướng này đã quyết định đầu hàng Tào Tháo. Trương Cáp được phong làm Thiên tướng quân, tước Đô Đình Hầu.
Kể từ khi đi theo Tào Tháo, Trương Cáp tham gia vào nhiều trận đánh lớn nhỏ và từng lập được không ít chiến công như lấy được huyện Nghiệp, đánh Liễu Thành, dẹp Quản Thừa, phá được bọn Trần Lan – Mai Thành, phá Mã Siêu – Hàn Toại ở Vị Nam... Nhờ lập được nhiều chiến công, Trương Cáp được xếp vào hàng 5 danh tướng của Tào Ngụy.
Theo Tam Quốc chí, Trương Cáp được nhận định là người có võ nghệ cao, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, khéo léo trong việc bày binh bố trận, giỏi lợi dụng địa thế... Tuy nhiên, võ tướng này lại rất giỏi trong việc chạy trốn. Mặc dù thua trận nhưng Trương Cáp hầu như lần nào cũng chạy thoát. Do đó, có thể coi Trương Cáp là võ tướng chạy trốn giỏi nhất trong Tam Quốc.
Võ tướng của Tào Tháo giỏi chạy trốn trên chiến trường
Theo ghi chép trong lịch sử, Trương Cáp tuy rất mạnh về võ nghệ, nhưng võ tướng này lại thường không phát huy hết sức mạnh của mình trong các trận chiến và luôn bỏ chạy trước.
Chẳng hạn, trong trận Quan Độ, Viên Thiệu cử Trương Cáp dẫn quân tấn công trại của Tào Tháo. Đây là một nhiệm vụ quân sự hết sức bình thường, nhưng điều Viên Thiệu không ngờ rằng Trương Cáp lại lựa chọn đầu hàng khi không thể hạ được trại địch.
Năm Kiến An thứ 5 (tức năm 200), do không cam lòng với thất bại trước Tào Tháo nên Viên Thiệu lại chuẩn bị công Tào. Một năm sau, hai bên giao chiến ở phía Bắc. Đôi bên giằng co dài ngày. Nhưng nhờ có mưu kế của Trình Dục nên Tào Tháo đả bại được Viên Thiệu.
Trong thời gian này, Lưu Bị ở Nhữ Nam cũng tiến hành liên kết với một số lực lượng để đánh úp Hứa Xương. Tào Tháo nhanh chóng nhận ra ý đồ của Lưu Bị nên dẫn đại quân xuống Nhữ Nam. Hai bên gặp nhau tại Nhưỡng Sơn.
Tuy nhiên, sau cùng quân Lưu Bị không còn đường lui nên phải tháo chạy đến Kinh Châu xin nương nhờ Lưu Biểu. Trong trận chiến này, sở dĩ Lưu Bị có thể tháo chạy thành công là nhờ có Triệu Vân luôn đi trước bảo vệ.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Triệu Vân bị 3 mãnh tướng của Tào Tháo là Hứa Chử, Vu Cấm và Lý Điển bao vây, nhưng lại chẳng chút nao núng và đột phá được vòng vây.
Trong khi đó, Lưu Bị chạy được một đoạn thì gặp phải Cao Lãm và Trương Cáp dẫn quân truy kích. Một tướng vì cứu Lưu Bị mà bị Cao Lãm giết chết. Đúng lúc này, Triệu Vân đến kịp và đã đánh bại Cao Lãm chỉ trong vòng chưa đầy 3 hiệp, đồng thời đánh lui Trương Cáp chỉ sau 30 hiệp.
Trong trận Trường Bản năm 208, Triệu Vân cũng đánh lui Trương Cáp khi đột kích phá vòng vây của đại quân Tào để cứu A Đẩu (con trai của Lưu Bị).
Rõ ràng cả hai lần giao chiến với Triệu Vân, Trương Cáp vẫn tìm được đường thoát thân giữa chiến trường hỗn loạn.
Năm 215, sau khi đánh bại Trương Lỗ, chiếm cứ Hán Trung, Tào Tháo để Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp trấn giữ. Mãnh tướng Trương Cáp cùng từng giao tranh với Trương Phi khi mang quân tiến xuống phía nam để vào Ba Tây. Hai bên cầm cự lâu ngày bất phân thắng bại. Cuối cùng, Trương Phi mang theo hơn một vạn quân ra đường khác để chặn đánh Trương Cáp. Kết quả, Trương Cáp bị Trương Phi đánh bại nên phải bỏ ngựa để dẫn tàn quân men theo đường nhỏ dốc trốn thoát về Nam Trịnh.
Trong trận Hán Trung (217 – 219), sau khi Hạ Hầu Uyên bị Hoàng Trung đánh bại và giết chết, Trương Cáp vội tìm đường lui về Dương Bình.
Xét trên những trận đấu tiêu biểu trên, rõ ràng có thể thấy rằng Trương Cáp chưa thực sự cố gắng hết sức trên chiến trường nhưng lại giàu kinh nghiệm chiến đấu, nắm rõ địa bàn trận địa nên luôn có cách tháo chạy sau khi trận chiến rơi vào tình thế bất lợi. Vì Trương Cáp giỏi chạy thoát thân nên dù Trương Phi và Triệu Vân có mạnh hơn vẫn không thể làm gì được võ tướng này.
Trương Cáp phục vụ 3 đời Tào gia. Đến thời Tào Phi, con trai của Tào Tháo lên ngôi, Trương Cáp còn được phong làm Tả tướng quân, tước Đô Hương Hầu, sau là Mạo Hầu. sau khi Tào Phi mất, Tào Duệ lên ngôi, Trương Cáp được phong làm Hữu tướng quân. Lúc bấy giờ, ông là người giữ quyền lực quan trọng nhất trong triều, chỉ sau Tư Mã Ý và tham mưu Hạ Hầu Mậu.
Địa vị của Trương Cáp khi đó có thể nói là rất lớn. Đáng tiếc, cả đời chinh chiến nhiều trận lớn nhỏ, nhưng cuối cùng mãnh tướng này lại phải chịu một kết cục bi thảm.
Kết cục bi thảm của Trương Cáp
Khi Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt đánh Tào Ngụy, Trương Cáp được giao trọng trách cùng với Tư Mã Ý thống lĩnh đại quân nghênh chiến. Theo đó, năm 231, Gia Cát Lượng lại ra Kỳ Sơn. Triều đình Tào Ngụy chiếu mệnh cho Trương Cáp đốc xuất chư tướng ở phía Tây để tới Lược Dương. Khi quân của thừa tướng Thục Hán quay về giữ Kỳ Sơn, Trương Cáp đuổi theo tới Mộc Môn và hai bên giao chiến. Trong trận chiến này, Trương Cáp bị loạn tên bắn trúng vào đầu gối và chết. Ông được ban thụy hiệu là Tráng hầu.
Theo ghi chép trong Ngụy lược, quân của Gia Cát Lượng lui về, Tư Mã Ý lại sai Trương Cáp đuổi theo. Lúc bấy giờ, vị tướng này lên tiếng, quân pháp dạy rằng vây thành tất phải mở lối thoát cho giặc, quân địch chạy chớ nên đuổi theo. Trương Cáp là lão tướng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nên không đuổi theo quân Thục. Đáng tiếc Tư Mã Ý không nghe. Trương Cáp bất đắc dĩ đành phải tiến binh vì Tư Mã Ý là cấp trên trực tiếp. Do quân Thục bố trí mai phục ở trên núi cao, cung nỏ bắn loạn xạ nên Trương Cáp bị trúng tên.
Nhiều ý kiến cho rằng Trương Cáp cả đời khôn ngoan trên chiến trường, biến tiến thoái đúng lúc, nhưng cuối đời lại rơi vào sai lầm nghiêm trọng là trúng kế của Tư Mã Ý.
Hóa ra Tư Mã Ý không thể làm gì một đại tướng như Trương Cáp nên đã cố ý mượn tay quân Thục để hại ông. Sở dĩ Tư Mã Ý làm như vậy vì Trương Cáp là đại tướng phục vụ từ thời Tào Tháo, có địa vị cao trong quân Ngụy và được triều đình Tào Ngụy vô cùng tin tưởng. Sự tồn tại của ông đương nhiên là một mối đe dọa lớn với Tư Mã Ý. Chỉ khi trừ khử được Trương Cáp, việc chỉ huy quân đội và từng bước thâu tóm quyền lực sau này của Tư Mã Ý mới dần thuận lợi.
Cái kết của Trương Cáp lúc cuối đời quả thực là bi thảm.
- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: Tiền phong/CCTV.