Mảnh vườn tháng Chạp

Minh họa: HUỲNH DŨNG NHÂN

Thời tiết năm nay thật lạ. Đến gần cuối Chạp mà vẫn cứ mưa phùn, gió bấc căm căm, nhiều ngày liền không thấy mặt trời. Không chỉ những cụ ông, cụ bà tuổi cao sức yếu thèm chút hơi ấm tự nhiên mà cỏ cây cũng ủ ê vì thiếu ánh nắng. Mảnh vườn của gia đình tôi vừa thiếu nắng vừa thiếu bàn tay của mẹ nên cũng kém xanh.

Còn nhớ, mỗi năm cứ đến sau cái ngày “ông tha mà bà không tha” 23 tháng 10 âm lịch, khi những cơn mưa dầm và bão lũ qua đi, trời bắt đầu trở nắng, chỉ còn những cơn mưa nhẹ hạt, mẹ lại ra vườn cặm cụi xới đất, bón vào đó mấy lớp phân chuồng đã được ủ tơi.

Chờ vài hôm cho đất và phân hòa quyện vào nhau, khi những cơn gió bấc thôi không làm tình làm tội cái lưng khom khom vốn hay trở chứng của người già, mẹ lại ra vườn đánh luống, chia từng ô nhỏ để trồng rau theo từng loại. Luống cạnh bờ rào mẹ trồng dưa leo, khoai mài, đậu cô ve… có khả năng bò lên giàn. Những luống vuông vuông bên trong trồng xà lách, tần ô, cải, ngò… mẹ cắc củm để dành giống từ mùa trước.

Mẹ cũng dành hẳn một luống ở chính diện nhà, phía trước sân để trồng hoa vạn thọ. Những hạt giống được gieo xong, mẹ cẩn thận phủ lên trên một lớp rơm mỏng hoặc tàu lá chuối khô để giữ độ ẩm cho đất và cũng để chống nắng, chống mưa, lại ngăn bọn gà hay bới đất tìm mồi. Chỉ vài ngày sau, mảnh vườn của mẹ đã lún phún xanh những chồi non.

Mẹ kiếm mớ lưới cũ giăng lên để che mắt bọn gà tinh quái; dùng những cành tre, nhánh cây bắt giàn cho dưa leo, đậu cô ve… Đêm đêm mẹ thường ra vườn để tìm bắt ốc sên, bắt sâu - sát thủ chuyên ăn rau non. Trừ những hôm trời mưa, ngày hai bữa sáng chiều mẹ đều đặn tưới nước cho những luống rau.

Rồi mảnh vườn cũng lên xanh; đậu cô ve, dưa leo… bắt đầu cho trái nụ. Khi tháng Chạp đến, mảnh vườn của mẹ lúc nào cũng xanh ngát. Mẹ trồng rau cốt để có thực phẩm sạch cho cả nhà ăn trong dịp tết và cho bà con lối xóm nếu họ cần. Khi nào thừa mẹ mới đem ra chợ bán, đổi về những thứ cần thiết như cân đường cát, mớ cá biển… không thể tự tay mẹ làm.

Đến tết Thợ may 12 tháng Chạp, vạn thọ cũng bắt đầu bung nụ. Trước đó, lúc thân cây vừa lên vài ba cặp lá, mẹ ngắt chồi ngọn để từ đó đâm ra các nhánh con, khi nở bông xoay tròn đều đặn.

Cũng có những năm trời trở lạnh, mẹ phải dùng nước ấm để tưới cho hoa kịp nở trúng tết, nhưng hầu như năm nào hoa cũng nở theo ý của mẹ. Mặc dù hoa tết có nhiều loại, trong đó mai của miền Nam và đào của miền Bắc là biểu tượng không thể thiếu nhưng với tôi, thích nhất vẫn là vạn thọ, bởi nó đã đi sâu vào hồn tôi từ lúc còn thơ mỗi khi tết đến xuân về. Loài hoa ngàn năm tuổi này chính là biểu tượng, là hồn quê của miền Trung trong ngày tết cổ truyền của dân tộc và sẽ trường tồn theo thời gian.

Rồi đến tết Táo quân 23 tháng Chạp, mẹ không quên tự tay dện cốm để tiễn ngài về trời. Cốm mẹ làm từ nếp sau khi rang và xay mịn rồi trộn lẫn với đường và gừng mang hương vị đặc biệt của miền quê. Mẹ cũng không quên lựa mấy ký gạo ngon đem đến nhà dì Tám có lò bánh tráng ở xóm trên nhờ dì tráng cho vài ràng bánh tết. Bánh tráng mẹ đặt gồm hai loại, bánh dày khổ rộng như cái mâm, dùng để nướng, còn bánh mỏng dùng để nhúng.

Ba ngày tết con cháu đi chơi về lúc nào cũng có bánh tráng để cuốn với thịt heo rộng mắm và rau sống có sẵn ngoài vườn. Và cuối cùng mẹ không quên rọc lá chuối chát ở đầu hè để chuẩn bị gói bánh tét, bánh chưng; chờ nắng lên để hong mớ đu đủ, củ kiệu làm dưa món… Khi chúng tôi - những đứa con của mẹ đi làm ăn xa dắt díu nhau về bên mẹ thì tết đã đến bên thềm. Những cây vạn thọ vàng ươm từ ngoài vườn đã được đưa vào bên trong nhà, đặt trước bàn thờ tổ tiên nở hoa sáng rực.

Tết này mẹ tôi đã đi xa. Mảnh vườn xưa giờ đây chỉ còn là khu vườn cổ tích đầy hương thơm, sắc màu, gợi lên trong tôi bao điều. Với tôi, tết không đến từ đâu xa mà bắt đầu từ mảnh vườn của mẹ.

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292597/manh-vuon-thang-chap.html