Mạo danh bệnh viện móc túi người dân: Thủ đoạn cũ, nhiều nạn nhân mới

Gần đây, hàng loạt vụ giả mạo bệnh viện, tổ chức y tế đứng ra kêu gọi từ thiện, hỗ trợ bệnh nhân hay mời gọi tham gia các khóa học miễn phí đang trở thành vấn nạn nhức nhối.

Không chỉ khiến nhiều người dân rơi vào bẫy lừa đảo, bị mất tiền, mà nghiêm trọng hơn, những hành vi này còn làm tổn hại đến uy tín của các cơ sở y tế và lòng tin của cộng đồng.

Chị H.T.T (41 tuổi, dân tộc Tày) chia sẻ với nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản trung ương sau khi bị đối tượng lừa đảo 5 triệu đồng.

Chị H.T.T (41 tuổi, dân tộc Tày) chia sẻ với nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản trung ương sau khi bị đối tượng lừa đảo 5 triệu đồng.

Bệnh viện “ảo”, mất tiền thật

Chị Nguyễn Thị Hoa ở Hà Nội không giấu được bức xúc khi kể lại việc mình trở thành nạn nhân của chiêu trò giả mạo kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội.

Khi xem Facebook, chị bắt gặp một trang có tên và logo giống hệt trang chính thức của Bệnh viện Bạch Mai, đăng tải thông tin về trường hợp bệnh nhi Ngọc An đang cần gấp tiền phẫu thuật. Không chần chừ, chị chuyển khoản 1 triệu đồng vào tài khoản cá nhân có tên Nguyễn Lê Tấn Trọng với mong muốn góp phần giúp đỡ bệnh nhi.

“Tôi thực sự tin tưởng vì trang này có đầy đủ hình ảnh bác sĩ, bài viết đầy cảm động. Chỉ đến khi đọc được cảnh báo từ chính Bệnh viện Bạch Mai rằng có đối tượng mạo danh kêu gọi từ thiện, tôi mới nhận ra mình đã bị lừa, cảm giác rất thất vọng, không chỉ vì mất tiền mà vì lòng tốt bị đặt nhầm chỗ”, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Không dừng lại ở các hoạt động giả danh kêu gọi từ thiện, nhiều trang Facebook mạo danh Bộ Y tế cũng xuất hiện trên mạng xã hội với nội dung mời gọi tham gia các khóa đào tạo tâm lý miễn phí dành cho phụ huynh và trẻ em. Những trang này sử dụng tên gọi như “Khóa đào tạo tâm lý trẻ em”, “Khóa đào tạo tâm lý trẻ em Bộ Y tế”, kèm theo logo, hình ảnh bác sĩ từ Bệnh viện Nhi trung ương để tạo sự tin tưởng. Các trang này thường yêu cầu người tham gia cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thậm chí cả tài khoản ngân hàng để “xác thực danh tính”.

Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đã phát thông báo chính thức khẳng định đây là hành vi giả mạo. Bệnh viện Nhi trung ương cũng lên tiếng và cho biết, nhiều hình ảnh nhân viên y tế tại Khoa Tâm thần của bệnh viện đã bị các đối tượng sử dụng trái phép.

Cùng với không gian mạng, các đối tượng lừa đảo còn trực tiếp tiếp cận người bệnh và người nhà họ tại các bệnh viện lớn. Câu chuyện của chị H.T.T (41 tuổi, dân tộc Tày) là một ví dụ đau lòng. Sau khi cùng con gái đến Hà Nội khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, chị đã bị một phụ nữ tiếp cận và hứa giúp làm thủ tục nhập viện nhanh chóng. Tin tưởng, chị T. đã đưa cho người phụ nữ này 5 triệu đồng - cũng là toàn bộ số tiền chị mang theo để khám chữa bệnh. Sau đó, đối tượng lặng lẽ biến mất không để lại dấu vết…

Theo lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản trung ương, mặc dù chiến dịch chống “cò mồi” đã được bệnh viện triển khai mạnh mẽ, song tình trạng lừa đảo vẫn xảy ra, nhất là vào buổi sáng sớm, khoảng từ 4h45 đến 5h30 tại các cổng của bệnh viện trên phố Tràng Thi, Hai Bà Trưng và các ngã tư lân cận. Các đối tượng thường cải trang thành tài xế công nghệ, nhân viên y tế hoặc người quen của bác sĩ để dụ dỗ bệnh nhân đến các cơ sở y tế tư nhân kém chất lượng nhằm trục lợi.

Nâng cao cảnh giác

Anh Lê Phước Hòa, chuyên gia an ninh mạng, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo (chongluadao.vn) nhận định, các đối tượng lừa đảo hiện nay hoạt động rất tinh vi, có tổ chức chặt chẽ. Chúng thường sử dụng hình ảnh thực tế từ các hoàn cảnh khó khăn để tạo sự đồng cảm, từ đó dẫn dụ người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

“Người dân cần tỉnh táo, không nên tin mù quáng vào các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là những bài viết gây xúc động mạnh. Hãy luôn kiểm tra nguồn phát thông tin, xác thực qua các trang có dấu xác minh (tick xanh) và gọi trực tiếp đến bệnh viện hoặc tổ chức nếu có nghi ngờ”, chuyên gia Lê Phước Hòa khuyến cáo.

Bên cạnh đó, chuyên gia an ninh mạng Lê Phước Hòa cũng kêu gọi các nền tảng mạng xã hội như Facebook phải có trách nhiệm hơn trong việc rà soát, kiểm duyệt nội dung giả mạo và gỡ bỏ nhanh chóng các trang vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý các hành vi lợi dụng lòng trắc ẩn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng lừa đảo, nhiều bệnh viện đã chủ động thực hiện loạt biện pháp phòng ngừa. Bệnh viện Phụ sản trung ương bố trí các bàn hướng dẫn, có nhân viên y tế túc trực tại cổng ra vào. Hệ thống loa của bệnh viện cũng thường xuyên phát cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo.

Ngoài ra, bệnh viện còn tích cực phối hợp với công an phường để kiểm soát, xử lý các đối tượng chèo kéo, giả danh y, bác sĩ. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân chỉ nên tham khảo thông tin từ các kênh chính thống như website, fanpage có xác thực. Trong mọi trường hợp, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện giao dịch tài chính khi chưa kiểm tra kỹ.

Giả mạo bệnh viện để lừa đảo không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn "đánh cắp" lòng tin và lòng tốt trong cộng đồng. Khi lòng trắc ẩn bị lợi dụng, hậu quả không chỉ dừng lại ở thiệt hại tài chính, mà còn làm xói mòn niềm tin vào các tổ chức y tế và hoạt động từ thiện chân chính. Để không bị rơi vào các bẫy lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, chia sẻ thông tin cảnh báo và chủ động tố giác các hành vi đáng ngờ.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mao-danh-benh-vien-moc-tui-nguoi-dan-thu-doan-cu-nhieu-nan-nhan-moi-708238.html