Mark Zuckerberg không muốn dính dáng đến chính trị

Zuckerberg ở tuổi 20 đầy lý tưởng hoài bão, mơ về một thế giới bình đẳng. Nhưng khi bước sang tuổi 40, ông 'vỡ mộng', nhận ra chính trường dần trở thành gánh nặng cho Meta.

Vào những năm 20 tuổi, Zuckerberg là một người đầy lý tưởng, sẵn sàng lao vào các cuộc tranh luận về những vấn đề như nhập cư, công bằng xã hội, bất bình đẳng và dân chủ.

Ông không ngần ngại viết những bài xã luận trên các tờ báo lớn, thành lập các quỹ từ thiện và thuê hàng trăm nhân viên để thực hiện những mục tiêu chính trị bằng khối tài sản khổng lồ.

Nhưng sau nhiều năm va chạm với chính trị và đối mặt với chỉ trích từ cả 2 đảng phái, Zuckerberg đã bắt đầu mất niềm tin với vấn đề này.

CEO Meta tránh khỏi cuộc chiến chính trị

Theo chia sẻ từ bạn bè, đồng nghiệp và các cố vấn, Zuckerberg đang dần rút lui khỏi chính trường, sau nhiều năm có trải nghiệm không mấy tốt đẹp ở Washington.

Ông và các lãnh đạo của Meta nhận ra rằng cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều không có thiện cảm với giới công nghệ. Do đó, tiếp tục dính dáng đến các hoạt động chính trị sẽ chỉ khiến công ty bị giám sát chặt chẽ hơn.

Gần đây nhất, tại hội nghị Allen và Company ở Sun Valley, Idaho - hay còn gọi là "trại hè của các tỷ phú" - Zuckerberg đã phàn nàn về những hậu quả tiêu cực mà Meta gặp phải khi tham gia các hoạt động từ thiện có yếu tố chính trị.

Nói với New York Times, những người thân cận với Zuckerberg cho biết ông ngày càng chán nản với việc chính trị hóa các hoạt động từ thiện. CEO Meta đã giảm số lượng chương trình tại Chan Zuckerberg Initiative (C.Z.I), tổ chức từ thiện do ông và vợ Priscilla Chan sáng lập. Cha đẻ Facebook không muốn C.Z.I bị nhìn nhận như một tổ chức thiên tả.

 CEO Mark Zuckerberg làm chứng trước phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào tháng 10/2019. Ảnh: New York Times.

CEO Mark Zuckerberg làm chứng trước phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào tháng 10/2019. Ảnh: New York Times.

Ông quyết định ngừng hỗ trợ những chương trình có thể bị coi là mang tính đảng phái. Thậm chí, ông còn làm giảm bớt tinh thần hoạt động chính trị của nhân viên tại Meta. Nguồn tin thân cận cho biết ông cũng đã nói chuyện với cựu Tổng thống Donald Trump qua điện thoại, nhằm hàn gắn mối quan hệ căng thẳng từ lâu giữa 2 người.

Zuckerberg đã công khai thừa nhận rằng ông từng sai lầm trong cách tiếp cận chính trị. Tại một sự kiện podcast trực tiếp ở San Francisco, vị tỷ phú nói: "Về câu chuyện chính trị, tôi nghĩ mình không hiểu biết đủ sâu và có lẽ đã nhận diện sai vấn đề”.

Tháng trước, Zuckerberg bày tỏ hối tiếc về một số hoạt động chính trị trong bức thư gửi đến Quốc hội Mỹ. Ông đề cập đến việc chính quyền Tổng thống Biden năm 2021 đã gây áp lực buộc Meta phải kiểm duyệt nhiều nội dung về Covid-19.

Zuckerberg cũng cho biết ông sẽ không đóng góp vào cơ sở hạ tầng bầu cử như đã làm trong năm 2020. Vì những khoản đóng góp này đã khiến vị CEO trông có vẻ không "trung lập".

Sự thay đổi của Zuckerberg chưa nhận được nhiều sự chú ý như các ông trùm công nghệ khác như Elon Musk, người công khai ủng hộ phe bảo thủ và cựu Tổng thống Donald Trump.

Nhưng quan điểm của Zuckerberg cũng phản ánh một sự chuyển dịch lớn trong lòng Thung lũng Silicon. Các CEO ngày càng cảm thấy mệt mỏi với những vấn đề xã hội gây tranh cãi và lựa chọn rút lui khỏi chúng, New York Times nhận định.

"Zuckerberg và đồng nghiệp đang cân nhắc những rủi ro khi can dự vào chính trị và quyết định rằng giữ thế trung lập sẽ an toàn hơn cho đến khi cuộc bầu cử này kết thúc”, Nu Wexler, cố vấn chính trị tại Four Corners Public Affairs và là cựu nhân viên Facebook, nhận xét.

Từ tham vọng lớn lao đến rút lui trong âm thầm

Theo nhiều người thân cận, Zuckerberg của hiện tại đã chuyển hướng tư tưởng sang chủ nghĩa tự do cổ điển (libertarianism). Tư tưởng này bao gồm việc chống lại các quy định hạn chế doanh nghiệp, ủng hộ thị trường tự do và toàn cầu hóa, nhưng chỉ chấp nhận cải cách công bằng xã hội nếu nó không đi quá xa.

Bên cạnh đó, Zuckerberg và vợ Priscilla Chan cũng tỏ ra bức xúc trước sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái tại các trường đại học, bao gồm cả Harvard, nơi 2 vợ chồng từng theo học.

Sự thay đổi này đánh dấu bước ngoặt lớn cho một người từng là gương mặt đại diện của những chiến dịch vận động chính trị lớn. Năm 2013, Zuckerberg đã giúp thành lập và trở thành người đứng đầu tổ chức Fwd.US, với mục tiêu tạo ra con đường trở thành công dân cho những người nhập cư không có giấy tờ tại Mỹ.

2 năm sau đó, ông cùng vợ lập ra Chan Zuckerberg Initiative, nhằm giải quyết các vấn đề lớn như hợp pháp hóa ma túy và giảm tỉ lệ tù nhân.

Năm 2015, Zuckerberg và Chan viết một bức thư gửi con gái mới sinh, mơ về một thế giới bình đẳng. Đó là nơi họ có thể "loại bỏ đói nghèo và nạn đói”, "cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho tất cả người dân" và "nuôi dưỡng mối quan hệ hòa bình, hiểu biết giữa các quốc gia”. Cha đẻ Facebook thậm chí còn thuê David Plouffe, cựu cố vấn cấp cao của Obama, để điều hành công việc này.

 Mark Zuckerberg tại văn phòng của Facebook ở Palo Alto, California, vào năm 2005. Ảnh: New York Times.

Mark Zuckerberg tại văn phòng của Facebook ở Palo Alto, California, vào năm 2005. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, những năm tiếp theo, Facebook đối mặt với hàng loạt cáo buộc rằng người Nga đã lợi dụng nền tảng này để gây chia rẽ cử tri. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chỉ trích Facebook và Instagram vì hoặc cho phép quá nhiều, hoặc kiểm duyệt quá ít các nội dung chính trị.

Năm 2019, Zuckerberg bắt đầu tỏ ra hoang mang trước sự thay đổi chính trị của đất nước. Những lời chỉ trích khiến ông cảm thấy những nỗ lực tại C.Z.I không còn hiệu quả. Những bất đồng nội bộ tại tổ chức cũng khiến ông và vợ ngày càng mệt mỏi.

Sau vụ George Floyd, một nhân viên tại C.Z.I đã yêu cầu Zuckerberg từ chức khỏi Facebook hoặc từ chức tại tổ chức này vì quan điểm không muốn kiểm duyệt các phát ngôn của Tổng thống Trump lúc bấy giờ.

Cuối cùng, Zuckerberg và Chan đã quyết định dừng hoàn toàn hoạt động chính trị của tổ chức này vào năm 2021.

Muốn khôi phục lại hình ảnh Facebook cũ

Tuy nhiên, sự chỉ trích chưa dừng lại ở đó. Sau cuộc bầu cử năm 2020, Zuckerberg và Chan đã quyên góp 400 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận nhằm đảm bảo an toàn tại các địa điểm bầu cử trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch.

Tuy nhiên, hành động này đã bị các chính trị gia Cộng hòa chỉ trích là thiên vị cho các khu vực có tỷ lệ cử tri Dân chủ cao. Những khoản đóng góp này thậm chí còn bị gắn mác "Zuckerbucks" trong các cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa.

Trong nội bộ Meta, Zuckerberg và đội ngũ lãnh đạo đã kiểm soát chặt chẽ các vấn đề chính trị. Cuối năm 2022, Meta áp dụng chính sách nội bộ mới ngăn chặn nhân viên thảo luận về các vấn đề như phá thai, phong trào công lý chủng tộc và chiến tranh. Chính sách này được Andrew Bosworth, Giám đốc Công nghệ của Meta, thúc đẩy và nhận được sự ủng hộ từ Zuckerberg.

 Sự thay đổi ngoại hình gần đây của Mark Zuckerberg đã thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng. Ảnh: Yonhap/EPA.

Sự thay đổi ngoại hình gần đây của Mark Zuckerberg đã thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng. Ảnh: Yonhap/EPA.

Thay vì công khai đối đầu với Washington, Zuckerberg đang âm thầm hàn gắn mối quan hệ với các chính trị gia. Sau khi bị chỉ trích về khoản đóng góp 400 triệu USD vào cuộc bầu cử năm 2020, Zuckerberg đã thuê Brian Baker, một chiến lược gia Cộng hòa, để cải thiện hình ảnh của mình trong mắt các phương tiện truyền thông và chính trị gia cánh hữu.

Song, Zuckerberg không ảo tưởng việc giảm bớt tham gia vào các vấn đề chính trị sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cá nhân hay của công ty. Nhưng ông tin rằng Meta có thể khôi phục hình ảnh của mình dần dần.

Trong podcast, ông thừa nhận: "Tôi nghĩ rằng sẽ mất thêm khoảng 10 năm nữa trước khi chúng tôi có thể hoàn toàn vượt qua chu kỳ này và đưa thương hiệu trở lại vị trí như trước đó”.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/mark-zuckerberg-khong-muon-dinh-dang-den-chinh-tri-post1499987.html