Mark Zuckerberg 'rút ruột' 2 nhân tài của Apple, quyết xây đội ngũ AI tinh hoa
Meta Platforms vừa tuyển dụng hai nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) chủ chốt từng làm việc tại Apple, không lâu sau khi chiêu mộ sếp cũ của họ từ chính nhà sản xuất iPhone.
Meta Platforms đã tuyển dụng Mark Lee và Tom Gunter cho Superintelligence Labs - bộ phận mới tập trung xây dựng "siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người", theo các nguồn tin của trang Bloomberg am hiểu vấn đề.
Mark Lee đã bắt đầu làm việc tại Meta Platforms sau khi rời Apple vài ngày trước. Tom Gunter sẽ bắt đầu công việc tại Superintelligence Labs trong thời gian tới, các nguồn tin của Bloomberg yêu cầu giấu tên do các thương vụ tuyển dụng này chưa được công bố chính thức.
Đây là một phần trong cuộc chạy đua săn lùng nhân tài AI đang diễn ra khắp ngành công nghệ với Meta Platforms tỏ ra quyết liệt nhất. Công ty mẹ của Facebook và Instagram đặc biệt tích cực trong các hoạt động tuyển dụng các nhà nghiên cứu AI kỳ cựu.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, coi AI là ưu tiên hàng đầu của công ty, chi mạnh tay cho nhân tài và trung tâm dữ liệu nhằm theo kịp các đối thủ như OpenAI, Google.
Theo Bloomberg, Tom Gunter đã rời Apple vào tháng trước và cả anh lẫn Mark Lee đều từng gắn bó chặt chẽ với kỹ sư xuất sắc Ruoming Pang - trưởng nhóm mô hình ngôn ngữ lớn của Apple, người vừa được Meta tuyển dụng bằng gói lương thưởng hơn 200 triệu USD.
Gói đãi ngộ này tương đương các vụ tuyển dụng lớn khác của Meta Platforms cho Superintelligence Labs, theo các nguồn tin của Bloomberg.

Ruoming Pang, cựu quản lý nhóm mô hình AI tại Apple, gia nhập bộ phận Superintelligence Labs của Meta Platforms với gói đãi ngộ hơn 200 triệu USD - Ảnh: Internet
Tháng trước, Meta Platforms đã chi 14,3 tỉ USD để mua 49% cổ phần của Scale AI, công ty khởi nghiệp gán nhãn dữ liệu nổi tiếng do doanh nhân Alexandr Wang (28 tuổi) đồng sáng lập. Alexandr Wang đã gia nhập Meta Platforms với vai trò Giám đốc AI tại Meta Platforms như một phần của thỏa thuận này và cùng Nat Friedman (cựu giám đốc điều hành GitHub) dẫn dắt bộ phận Superintelligence Labs.
Mark Lee được biết đến là nhân sự đầu tiên mà Ruoming Pang tuyển về Apple. Còn Tom Gunter (kỹ sư xuất sắc tại Apple) là một trong những nhân viên cấp cao nhất trong đội ngũ của Ruoming Pang.
Sau khi rời Apple, Tom Gunter gia nhập một công ty AI khác trước khi tiếp tục rời đi vài ngày gần đây để gia nhập Meta Platforms.
Người phát ngôn của Meta Platforms từ chối bình luận, trong khi Apple không phản hồi câu hỏi từ Bloomberg.
Sự xáo trộn đang tiếp diễn tại Apple
Những vụ săn nhân tài AI mới nhất của Meta Platforms cho thấy sự xáo trộn đang tiếp diễn tại Apple Foundation Models (AFM), đơn vị phát triển công nghệ nền tảng cho AI tạo sinh. Các lãnh đạo AI hàng đầu của Apple đang cân nhắc sử dụng mô hình bên ngoài để hỗ trợ trợ lý giọng nói Siri và những tính năng thuộc nền tảng Apple Intelligence, khiến tương lai của AFM trở nên bấp bênh.
AFM hiện do Daphne Luong, Phó giám đốc nghiên cứu dưới quyền Phó chủ tịch cấp cao mảng AI John Giannandrea, điều hành. Họ đang cùng Mike Rockwell và Craig Federighi (hai lãnh đạo phần mềm hiện phụ trách Siri) xem xét lại chiến lược. Một trong những phương án được cân nhắc là sử dụng ChatGPT của OpenAI hoặc Claude của Anthropic làm nền tảng cho Apple Intelligence từ năm sau.
Để hiện thực hóa các tính năng của Siri đã hứa từ lâu, chẳng hạn truy cập dữ liệu cá nhân để xử lý yêu cầu, Apple đang phát triển song song hai phiên bản: Một sử dụng mô hình AI nội bộ và một dùng công nghệ bên thứ ba. Trước khi phiên bản Siri mới ra mắt vào mùa xuân năm sau, Apple sẽ phải quyết định chọn nền tảng nào.
Apple tăng lương cho một số kỹ sư AI nhưng không thể so với đề nghị của Meta
Meta Platforms đã tận dụng sự bất ổn này bằng những lời mời làm việc hấp dẫn. Trong nhiều trường hợp, gã khổng lồ mạng xã hội Mỹ đưa ra mức đãi ngộ cao gấp nhiều lần mức Apple trả cho kỹ sư AFM. Để ngăn làn sóng nhân sự rời đi, Apple đã bắt đầu tăng lương cho một số kỹ sư AI trong nhóm (khoảng 100 người) để giữ chân họ.
Tuy nhiên, các mức lương được tăng này vẫn không thể so với đề nghị của Meta Platforms. Ví dụ, Tom Gunter đang gia nhập “câu lạc bộ” các chuyên gia AI được nhận gói lương thưởng nhiều năm trị giá hơn 100 triệu USD tại Meta Platforms.
Từ góc độ thuần túy về số liệu, đội ngũ Superintelligence Labs của Meta đang sở hữu mức đãi ngộ thuộc hàng cao nhất giới doanh nghiệp, thậm chí còn hơn cả vị trí giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn số tiền này được gắn với các mục tiêu hiệu suất và chỉ được giải ngân trong nhiều năm gắn bó, nghĩa là những nhân tài AI mới sẽ không nhận được toàn bộ số tiền nếu rời Meta Platforms sớm hoặc nếu cổ phiếu công ty tăng trưởng không tốt.
Gói đãi ngộ cho các thành viên Superintelligence Labs gồm lương cơ bản, tiền thưởng khi ký hợp đồng và cổ phiếu công ty, trong đó cổ phiếu là phần có giá trị lớn nhất. Lương và tiền thưởng khi gia nhập Meta Platforms thường là các khoản thanh toán đáng kể. Trong trường hợp ứng viên phải từ bỏ lượng lớn cổ phần tại công ty khởi nghiệp đang làm để gia nhập Meta Platforms, tiền thưởng khi ký hợp đồng có thể cao hơn để bù đắp cho khoản bị mất đó.
Về phần thưởng cổ phiếu, Meta Platforms có xu hướng ghi trong hợp đồng rằng các khoản thanh toán được gắn với các chỉ số cụ thể như cổ phiếu công ty tăng ít nhất tỷ lệ phần trăm nhất định trong một năm nào đó, theo Bloomberg. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên mới đồng ý ký hợp đồng với công ty mẹ Facebook dài hơn cả lịch trình 4 năm - khoảng thời gian phổ biến để được nhận đầy đủ phần thưởng cổ phiếu.
“Xây dựng đội ngũ tinh hoa và tài năng nhất trong ngành AI”
Một số chuyên gia AI hàng đầu hiện được bố trí bàn làm việc ngay gần Mark Zuckerberg tại trụ sở Meta Platforms ở thành phố Menlo Park (bang California, Mỹ) để thuận tiện hợp tác.
“Tôi đang tập trung xây dựng đội ngũ tinh hoa và tài năng nhất trong ngành AI”, Mark Zuckerberg viết trên Threads.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Mark Zuckerberg đã tuyển dụng thành công hơn 10 nhà nghiên cứu AI kỳ cựu từ OpenAI, cùng các kỹ sư và chuyên gia hàng đầu từ Anthropic, Google, Apple và các công ty khởi nghiệp khác.

Mark Zuckerberg đặt tham vọng với AI khi không tiếc tiền chiêu mộ nhân tài từ các đối thủ - Ảnh: Internet
Đầu tuần này, Mark Zuckerberg đăng trên mạng xã hội Threads rằng Meta Platforms sẽ “đầu tư hàng trăm tỉ USD vào hạ tầng tính toán để xây dựng siêu trí tuệ”. Đây là một dạng AI tiên tiến có thể thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn con người.
Trung tâm dữ liệu đầu tiên có công suất đa gigawatt của Meta Platforms, mang tên Prometheus, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2026. Một trung tâm dữ liệu khác của công ty mang tên Hyperion sẽ có khả năng mở rộng lên tới 5 gigawatt những năm tới.
“Chúng tôi cũng đang xây dựng thêm nhiều cụm siêu máy tính Titan khác. Chỉ riêng một cụm trong số đó đã chiếm diện tích đáng kể tương đương với một phần của quận Manhattan”, tỷ phú 40 tuổi người Mỹ tiết lộ.
Manhattan là quận có mật độ dân số đông nhất và là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của thành phố New York (Mỹ), thậm chí được coi là một trong những trung tâm tài chính và văn hóa hàng đầu thế giới.
Mark Zuckerberg trích dẫn một bản tin từ trang SemiAnalysis, trong đó đề cập rằng Meta Platforms đang trên đà trở thành phòng thí nghiệm AI đầu tiên đưa vào vận hành siêu cụm máy tính có công suất hơn 1 gigawatt.
Ông nhấn mạnh rằng sức mạnh cốt lõi từ mảng kinh doanh quảng cáo của Meta Platforms là cơ sở vững chắc để công ty thực hiện các khoản đầu tư khổng lồ, giữa lúc các nhà đầu tư đang lo ngại về việc chi tiêu lớn liệu có đem lại hiệu quả.
“Chúng tôi có nguồn vốn từ hoạt động kinh doanh để làm điều này”, Giám đốc điều hành Meta Platforms tuyên bố.