Mất 35.000 USD tạo ra bản sao mèo cưng quá cố

Chú mèo Anh lông ngắn có tên Tỏi (Garlic) ra đời vào ngày 21/7 tại Bắc Kinh, đã mở đầu cho dịch vụ nhân bản mèo của công ty Sinoegene.

Tỏi (Garlic), con mèo Anh lông ngắn mà Huang Yu nuôi đã chết. Ông không thể làm điều gì khác ngoài việc mang xác của nó đi chôn tại một công viên ở gần nhà.

Vài giờ sau, trong khi vẫn còn đau lòng vì cái chết của “người bạn”, doanh nhân 22 tuổi chợt nhớ lại một bài báo mà ông từng đọc về nhân bản chó ở Trung Quốc. Trong đầu ông nảy ra suy nghĩ, liệu rằng cách này có giúp mang Tỏi trở lại.

“Trong trái tim tôi, không gì có thể thay thế Tỏi”, Huang nói. “Tỏi không có con, vì vậy tôi chỉ có thể chọn cách nhân bản nó”.

Ý nghĩ này đã đưa ông đến với Sinogene, một công ty nhân bản thú cưng thương mại có trụ sở tại Bắc Kinh. Khoảng 35.000 USD và 7 tháng sau đó, Sinogene đã tạo ra chú mèo nhân bản đầu tiên của quốc gia này.

Chen Benchi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Sinogene đang cân Tỏi mới để kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Nytimes.

Chen Benchi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Sinogene đang cân Tỏi mới để kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Nytimes.

Sự kiện Tỏi ra đời cũng cho nhiều công ty Trung Quốc thấy được nhân bản thú cưng có thể trở thành một loại hình kinh doanh khả thi. Các chuyên gia cho biết việc nhân bản chó và mèo chưa thực sự phát triển tại Mỹ hay nhiều nước khác. Tuy nhiên, sự yêu thích thú cưng tại Trung Quốc có thể khiến thị trường thay đổi.

Theo Gouminwang, nhà tư vấn tại Bắc Kinh, quy mô của thị trường thú cưng nội địa Trung Quốc dự kiến đạt khoảng 28,2 tỷ USD trong năm nay, tăng gần 15% so với năm 2018. Quốc gia này hiện có khoảng 55 triệu con chó và 44 triệu con mèo được nuôi, trong đó nhu cầu về mèo đang tăng mạnh.

Nhân bản thú cưng hiện không bị hạn chế tại Trung Quốc. Năm 2018, Barbra Streisand đã trở thành một trong những người nổi tiếng đầu tiên sở hữu 2 chú chó nhân bản. Loài mèo cũng từng được nhân bản trong nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, Tỏi là con mèo đầu tiên được nhân bản bởi Trung Quốc. Điều đó giúp nước này củng cố vị thế so với các cường quốc khác như Mỹ, Anh và Hàn Quốc.

Mi Jidong, Giám đốc điều hành của Sinogene, cho biết công ty đã bắt đầu nhân bản vật nuôi vào năm 2015 sau khi thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng 1.000 người và nhận thấy tiềm năng. Công ty đã nhân bảo hơn 40 con chó bao gồm các giống như Schnauzers, Pomeranians và Malteses. Chi phí cho mỗi con khoảng 53.000 USD. Chúng được phục vụ cho mục đích nuôi thú cưng hoặc nghiên cứu y tế.

Chi phí nhân bản chó lớn hơn mèo vì nó có độ phức tạp cao hơn. Ông Mi cũng cho biết hiện có hơn 100 người đã lưu trữ các mẫu DNA vật nuôi của họ để có thể tạo ra bản sao trong tương lai.

Ông Mi Jidong, Giám đốc điều hành của Sinogene. Ảnh: Nytimes.

Ông Mi Jidong, Giám đốc điều hành của Sinogene. Ảnh: Nytimes.

Nỗ lực kéo dài nhiều năm của Sinogene trong việc nhân bản mèo đến từ việc loài vật này đang ngày càng trở nên phổ biến và được yêu thích tại Trung Quốc.

Lĩnh vực di truyền học tại Trung Quốc đang được đầu tư và phát triển nhanh chóng. Kể từ khi các nhà khoa học Trung Quốc nhân bản một con dê vào năm 2000, họ đã thành công trong việc tạo ra loài linh trưởng nhân bản đầu tiên trên thế giới, chỉnh sửa gen của loài khỉ. Thậm chí, năm ngoái, một nhà khoa học của Trung Quốc đã tuyên bố có thể tạo ra trẻ em biến đổi gen.

Nhân bản thú cưng hiện vẫn chưa được kiểm soát và gây ra nhiều tranh cãi khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, rào cản ở Trung Quốc rất thấp và cũng không có luật quy định hành động này.

“Nó đáp ứng nhu cầu tình cảm và gia tăng sự hạnh phúc cho chủ sở hữu”, Wang Chuduan, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc chia sẻ.

Ngoài chó và mèo, Sinogene cho biết công ty có tham vọng lớn hơn. Công ty này đang nhân bản một con ngựa. Mi cũng cho biết mục tiêu lớn tiếp theo của ông là nhân bản các loài động vật đang bị đe dọa như gấu trúc, hổ Hoa Nam.

“Tôi tin rằng việc này tương đối khó khăn và chúng tôi sẽ cần thêm nhiều thời gian”, ông Mi nói.

Tuy nhiên, hành động này cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng việc nhân bản thú cưng là không hiệu quả và vô nhân đạo. Không thể biết được điều gì sẽ xảy ra với động vật sau khi nhân bản hoặc tác động khi gen của chúng trộn lẫn với nhóm gen khác trong tự nhiên. Ngoài ra, những ý kiến khác cho rằng số tiền dùng để nhân bản động vật có thể được sử dụng để chăm sóc cho thú cưng mới.

Để nhân bản Tỏi, các nhà khoa học đã cấy tế bào da từ con mèo gốc của Huang vào trứng của nhiều con mèo khác. Sau đó, 40 phôi nhân bản đã được cấy vào 4 con mèo mẹ thay thế. Chen Benchi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Sinogene cho biết điều này đã tạo ra 3 lần mang thai, 2 trường hợp trong số đó sảy thai.

So với bản gốc, Tỏi mới bị thiếu chùm lông màu xám ở cằm. Ảnh: Nytimes.

So với bản gốc, Tỏi mới bị thiếu chùm lông màu xám ở cằm. Ảnh: Nytimes.

Tỏi mới được sinh ra vào ngày 21/7. Các nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc chưa kiểm tra tình trạng sức khỏe của nó. Tỏi phiên bản “photocopy” là một con mèo có màu lông xám và trắng. Hiện tại, nó đã có thể chạy nhảy và chơi với quả bóng. Dự kiến, Tỏi mới sẽ ở lại phòng thí nghiệm thêm một tháng nữa để các nhà nghiên cứu quan sát trước khi gửi về cho ông Huang.

Trong buổi gặp đầu tiên với Tỏi mới vào tháng 8, ông Huang phát hiện ra rằng nhân bản vô tính không tạo ra chính xác một bản sao thú cưng cũ của mình. Bản sao này bị thiếu một mảng lông màu đen ở dưới cằm so với Tỏi gốc. Sinogene nói rằng nhân bản vô tính có thể tạo ra một số khác biệt nhỏ về màu lông hoặc màu mắt, nhưng DNA của chúng vẫn hoàn toàn trùng khớp.

“Nếu nói rằng không thất vọng thì đó là nói dối. Tuy nhiên, tôi cũng sẵn lòng chấp nhận rằng vẫn sẽ có những hạn chế đối với công nghệ”, ông Huang nói.

Trong một cuộc họp báo vào tháng trước khi công bố Tỏi nhân bản, ông Mi cho biết công ty đang cân nhắc việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để cấy ghép ký ức của thú cưng vào bản sao.

“Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai”, ông Mi nói.

Đức Hải
Theo Nytimes

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mat-35000-usd-tao-ra-ban-sao-meo-cung-qua-co-post987078.html