Mất an toàn lao động nghiêm trọng

Vụ nổ lò hơi ngày 5-8 vừa qua tại Công ty TNHH LC Buffalo (Bình Phước) khiến hai người tử vong, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mất an toàn lao động.

Trước đó, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) làm 6 người chết và 5 người bị thương, nguyên nhân xuất phát từ việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động của doanh nghiệp. Riêng ở tỉnh Đồng Nai, tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng đột biến, với 195 vụ, 30 người chết, hơn 200 người bị thương. Qua phân tích ban đầu các vụ tai nạn gây tử vong, 52% lỗi do người sử dụng lao động như thiếu biện pháp, quy trình làm việc, máy móc thiết bị chưa bảo đảm an toàn; 20% do lỗi người lao động vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn...

 Hiện trường vụ nổ lò hơi ngày 5-8 tại Công ty TNHH LC Buffalo (Bình Phước). Ảnh: TTXVN

Hiện trường vụ nổ lò hơi ngày 5-8 tại Công ty TNHH LC Buffalo (Bình Phước). Ảnh: TTXVN

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đằng sau các vụ việc này là những câu hỏi đặt ra về công tác quản lý, kiểm soát nguy cơ rủi ro cũng như bảo đảm an toàn lao động.

Thực tế cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về bảo đảm an toàn lao động cơ bản đồng bộ, lỗ hổng chủ yếu đến từ khâu thực thi. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua việc đầu tư cải thiện môi trường làm việc, chưa coi trọng công tác huấn luyện an toàn lao động hoặc có tổ chức nhưng mang tính hình thức, không đầy đủ nội dung và thời gian quy định, không sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, biện pháp cụ thể làm việc an toàn . Điều đáng lo ngại nữa là một bộ phận người lao động chủ quan, ý thức kém, thường xuyên vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình lao động.

Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra đã được đẩy mạnh, thế nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận việc làm này có lúc chưa thường xuyên, chưa thực sự triệt để dẫn đến các vi phạm về an toàn lao động chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Phòng, chống tai nạn lao động-đừng để “mất người” mới lo “bảo hộ”! Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn và giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là việc cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để ngăn ngừa tai nạn lao động. Điều quan trọng mang tính chất nền tảng xuất phát từ nhận thức, hành động của người lao động và người sử dụng lao động. Tự trang bị kiến thức bảo vệ bản thân, đấu tranh cho quyền được bảo đảm an toàn là điều người lao động cần đặt lên hàng đầu trong quá trình làm việc. Ở phía người sử dụng lao động, công tác bảo đảm an toàn phải được đặt song hành với sự phát triển bền vững của tổ chức, doanh nghiệp cùng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh.

ĐÀO HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mat-an-toan-lao-dong-nghiem-trong-788508