Mất an toàn tại công trình xây dựng: Giám sát lỏng lẻo, chế tài chưa nghiêm

Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tại nạn lao động liên quan đến các công trình xây dựng. Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần phải có chế tài mạnh với đơn vị thi công và cơ quan giám sát.

Công nhân làm việc tại đường Vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm. Ảnh: Thanh Hải

Tiêu cực trong thẩm định?

Trong vòng chưa đầy một tháng, trên địa trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra tai nạn lao động tại các công trình xây dựng. Trong đó, thương tâm nhất vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào tối 30/7 làm 4 người tử vong. Sau đó chưa đầy 5 ngày, tức ngày 3/8, ở quận Tây Hồ, chiếc xe rùa (loại xe đẩy 1 bánh lăn dùng vận chuyển vật liệu xây dựng) rơi từ tầng 5 của tòa nhà 2A Văn Cao đang sửa chữa trúng vào một người đang đi đường. Theo thông tin từ Sở LĐ - TB&XH Hà Nội, tai nạn xảy ra tại những công trình xây dựng chủ yếu là do mất an toàn khi thi công trên cao (công nhân rơi từ trên cao xuống - PV), chiếm 50% số lượng thương vong; còn lại là do thiết bị thi công gây ra như hàn hơi, hàn điện, điện công trường, bình hàn, khí nén, vật liệu rơi...

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho rằng, nguyên nhân mất an toàn lao động là do không tuân thủ quy trình trong thiết kế thi công theo quy định của Nhà nước, hoặc các đơn vị thi công chỉ làm đối phó. Bên cạnh đó là cơ chế xin – cho trong việc cấp phép xây dựng nên nhiều công trình không bảo đảm an toàn khi thi công.

Chế tài chưa đủ răn đe

Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai thi công. Nhưng Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, người sử dụng lao động phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. “Mức quy định này chưa đủ răn đe đối với những đơn vị nhà thầu thi công, vì 30 tháng tiền lương chỉ tương ứng với trên 100 triệu đồng. Nếu quy định phải bồi thường từ 2 – 3 tỷ đồng/vụ việc, tôi cho rằng, đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm hơn đối với việc đảm bảo an toàn lao động” – luật sư Hoàng Văn Đạo phân tích.

Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, ngoài việc nâng cao chế tài xử phạt đối với đơn vị thi công công trình, cũng cần phải xử lý mạnh tay hơn đối với những cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động xây dựng. “Luật Xây dựng cũng đã phân quyền cho Sở Xây dựng và UBND hành chính cấp quận, huyện ở các tỉnh, TP. Vì vậy, để xảy ra những sự việc trên, rõ ràng UBND cấp quận, huyện cũng phải chịu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước trên địa bàn hành chính của mình, theo phân cấp” – KTS Trần Huy Ánh nhận định.

Thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thủ đô, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình xây dựng, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 237 trường hợp vi phạm. Trong đó, những vi phạm xảy ra do xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường...

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mat-an-toan-tai-cong-trinh-xay-dung-giam-sat-long-leo-che-tai-chua-nghiem-393668.html