Mặt bằng bán lẻ ế ẩm, giá chào thuê vẫn cao ngất

Hàng loạt mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội treo biển cho thuê, giảm giá cho thuê, thậm chí phải đóng cửa vì không có khách, doanh thu sụt giảm do tác động của Covid-19, thế nhưng, giá chào thuê vẫn cao ngất.

Ảnh Internet

Theo báo cáo cập nhật tình hình thị trường quý III/2020 của CBRE công bố sáng nay 7/10, mặc dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng hoạt động kinh doanh bán lẻ vẫn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hành vi người tiêu dùng, thiếu hụt vốn và duy trì chuỗi cung ứng.

Số lượng người ghé thăm các trung tâm thương mại mua sắm hàng hóa đã bắt đầu gia tăng trở lại, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước Covid-19. Trong đó, nhờ việc các thương hiệu nước ngoài lớn tiếp tục mở thêm các cửa hàng mới trong dịch bệnh như Uniqlo, MLB…, đã phần nào hỗ trợ cho việc khách hàng đến trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng tỷ lệ trống vẫn đang gia tăng ở nhiều trung tâm thương mại.

Ở khu vực trung tâm, mặc dù có lợi thế về vị trí và nguồn cung hạn chế, nhưng tỷ lệ trống vẫn tăng 10,33 điểm phần trăm so với quý trước và 9,71 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III/2020 vừa qua, lên tới 11,05%.

Đây là quý đầu tiên trong 8 năm trở lại đây các trung tâm thương mại tại khu Trung tâm có tỷ lệ trống cao như vậy. Ngoài ra, đáng lưu ý giá thuê tầng trệt gần như không giảm, vẫn đang leo ở mức 98,62 USD/m2/tháng, tương đương với gần 2,3 triệu đồng/m2/tháng.

Đối với khu vực ngoài khu trung tâm, tỷ lệ trống vẫn duy trì ở mức cao và có xu hướng gia tăng, đạt 11,15%, cao hơn 1,37 điểm phần trăm theo quý và 2,93% điểm phần trăm theo năm. Giá thuê tầng trệt và tầng một một số khu vực ngoài trung tâm đạt trung bình 24,53 USD/m2/tháng, tương đương mức 570.000 đồng/m2/tháng.

Vì hầu hết khách thuê đang gặp phải những thách thức và với mức giá chào thuê cao có thể xem là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ trống trong thời gian gần đây.

Trước đây, nhiều người cố gắng thuê mặt bằng đẹp với kỳ vọng kinh doanh tốt nhưng thực tế thị trường khó khăn, dịch bệnh khiến lượng khách sụt giảm, kinh doanh sa sút. Một số khác dù đang kinh doanh tốt nhưng giá mặt bằng không ngừng tăng cũng buộc họ phải thay đổi chiến lược tìm các thị trường có chi phí mặt bằng thấp hơn.

Đại diện một chủ quán kinh doanh chuỗi lẩu hải sản đến từ Hongkong cho biết, sức mua kém khiến các cửa hàng kinh doanh ế ẩm và nhiều nhà đầu tư không dám thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn. Thêm nữa, dịch COVID-19 đang khiến cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi.

Bản thân chuỗi cửa hàng này cũng đã và đang tính tiếp việc rút lại một số cửa hàng do khả năng khai thác quá kém, trong khi chi phí vận hành lớn, đồng thời chỉ duy trì một số cửa hàng vẫn có hiệu quả kinh doanh cao do nằm trong các trung tâm thương mại lớn có lượng người đến đông như Aeon hay Lotte.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, trong thời gian tới, nguồn cung bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm khi có khoảng 54.000 m2 diện tích bán lẻ đi vào hoạt động và sau năm 2020 sẽ có tổng cộng 300.000 m2 của các dự án mới.

Mặc dù mặt bằng bán lẻ còn nhiều tiềm năng nhờ vào nhu cầu từ dân số trẻ và thu nhập tăng, tuy nhiên, các chủ nhà mặt bằng bán lẻ hơn bao giờ hết cần phải cung cấp sự linh hoạt về chính sách ưu đãi dành cho các đơn vị thuê để thu hút sự quay trở lại.

Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các dự án vẫn có tỷ lệ mặt bằng cho thuê cao là thuộc về những doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tốt cho khách hàng thuê. Chẳng hạn như chương trình 300 tỷ đồng hỗ trợ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại của Vincom Retail hay chương trình giảm giá 20 – 40% giá thuê từng đối tượng của Hưng Thịnh Retail.

Linh Chi

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/mat-bang-ban-le-e-am-gia-chao-thue-van-cao-ngat-252053.html