Mặt bằng kinh doanh 'ngóng' khách thuê

Thị trường mặt bằng bán lẻ, kinh doanh cho thuê tại nhiều khu vực, đặc biệt là các thành phố, đô thị đang chứng kiến tình trạng cung vượt cầu ngày càng rõ rệt.

Nhiều mặt bằng kinh doanh, bán lẻ vẫn chưa tìm được khách thuê. Trong ảnh: Một thông báo cho thuê nhà trên đường Phạm Văn Thuận (thành phố Biên Hòa).

Nhiều mặt bằng kinh doanh, bán lẻ vẫn chưa tìm được khách thuê. Trong ảnh: Một thông báo cho thuê nhà trên đường Phạm Văn Thuận (thành phố Biên Hòa).

Tại thành phố Biên Hòa, hàng loạt biển hiệu “cho thuê mặt bằng”, “sang quán trả mặt bằng”… xuất hiện trên các tuyến đường lớn, từ những vị trí đắc địa cho đến các khu vực ngõ hẻm. Tuy nhiên, số lượng khách hàng thực tế lại khá khiêm tốn.

Giá cao - rào cản lớn cho người thuê

Tình trạng trả mặt bằng diễn ra tại nhiều tuyến đường đắc địa tại thành phố Biên Hòa như: Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc… Đặc biệt là các hàng quán ăn uống, thời trang…, tình trạng trả mặt bằng, sang quán liên tục “đến và đi”. Đây cũng là phân khúc kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Câu chuyện về làn sóng trả mặt bằng đang gây áp lực cho cả người thuê lẫn chủ mặt bằng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sự “mâu thuẫn” giữa kỳ vọng của chủ mặt bằng và nhu cầu thực tế của thị trường. Nhiều chủ sở hữu vẫn giữ mức giá thuê cao dựa trên tiềm năng hoặc chi phí đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, các điều kiện cho thuê thường đi kèm khá nhiều ràng buộc khắt khe như: thời gian thuê dài hạn, số tiền đặt cọc lớn, hoặc các quy định về sửa chữa, cải tạo mặt bằng. Việc tìm được mặt bằng ưng ý gặp nhiều khó khăn do giá vẫn còn khá cao, nhất là đối với những mặt bằng ở vị trí đắc địa, nằm trong khu mua sắm sầm uất.

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Min Group (thành phố Biên Hòa) cho hay, trong những tháng đầu năm 2025, thị trường mặt bằng tại Đồng Nai nói chung và Biên Hòa nói riêng cung vẫn nhiều hơn cầu. Mặc dù giá cả đã có những xê dịch phù hợp với thị trường nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng tài chính và nhu cầu của khách thuê.

“Cụ thể như tại cung đường Võ Thị Sáu hiện tại giá mà chủ mặt bằng cho thuê dao động từ 30-40 triệu đồng/tháng đối với mặt bằng khoảng 80-100m2, cọc từ 3-6 tháng, thậm chí 1 năm, hợp đồng từ 3 năm trở lên. Còn trên đường Đồng Khởi từ 25-40 triệu đồng/tháng kèm các điều khoản ràng buộc khác. Theo tôi, giá cho thuê còn khá cao so với nhu cầu thị trường” - chị Thu Tâm đánh giá.

Khảo sát trên các sàn online, biển hiệu, môi giới tại thành phố Biên Hòa, hiện các mặt bằng cho thuê dao động ở mức 25-50 triệu đồng/mặt bằng từ 80-100m2 đang là những phân khúc được nhiều người tham khảo, tìm hiểu. Tuy nhiên số lượng người thuê thực sự vẫn chưa nhiều dù đầu năm thường được xem là giai đoạn nhiều người kinh doanh tìm thuê mặt bằng mới.

Tại nhiều chợ ở thành phố Biên Hòa, nhiều tiểu thương các ngành hàng như: quần áo, vải, giày dép, mỹ phẩm đã đóng cửa sạp hoặc chuyển hướng sang kinh doanh online, kinh doanh tại nhà… Trong khi đó, tại các trung tâm thương mại ở thành phố Biên Hòa, nhiều mặt bằng, ki-ốt cho thuê vẫn đang “ngóng” khách thuê.

Anh Thanh Tùng, chủ một cửa hàng giày dép online tại phường Bửu Long (thành phố Biên Hòa) chia sẻ, từ trước Tết đến nay anh có ý định tìm kiếm một mặt bằng phù hợp để mở rộng việc kinh doanh. Bởi giày dép là mặt hàng mà nhiều khách hàng muốn có một địa điểm “offline” để trực tiếp đến thử cho phù hợp với sở thích, kích cỡ của mình. Song đã gần 3 tháng nay, anh Tùng vẫn chưa tìm được địa điểm mặt bằng phù hợp.

“Giá thuê ở những vị trí trung tâm thì quá cao, từ vài chục triệu đồng/tháng trở lên, trong khi mặt bằng ở các khu vực khác thì lại quá xa, bất tiện cho khách hàng muốn ghé đến mua sắm, trải nghiệm. Ngoài ra, một số chủ nhà còn yêu cầu đặt cọc đến 3-6 tháng tiền thuê, điều này gây áp lực lớn đến dòng tiền của những người kinh doanh nhỏ như chúng tôi” - anh Tùng nói.

Những khó khăn của tình hình kinh tế, sức tiêu thụ giảm đã khiến sức mua của nhiều cửa hàng kinh doanh trực tiếp ở thành phố Biên Hòa bị sụt giảm, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử và các nền tảng bán hàng trực tuyến đã tạo ra cuộc chuyển dịch lớn trong phương thức kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã chuyển hướng sang online để tiết kiệm chi phí mặt bằng, chi phí thuê nhân viên, điện nước, khấu hao vật tư... Kinh doanh online còn giúp giảm thiểu rủi ro và linh hoạt hơn trong việc tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi, không giới hạn không gian và thời gian.

Tình hình kinh tế chưa ổn định cũng khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, phải thu hẹp quy mô kinh doanh, cắt giảm chi phí, trong đó chi phí thuê mặt bằng là một khoản khá lớn.

Cần những giải pháp linh hoạt hơn để thu hút khách thuê

Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào hơn cầu, người thuê đang trở thành những người có nhiều cơ hội để “đàm phán” hơn trên thị trường mặt bằng. Khách thuê có nhiều lựa chọn hơn, có quyền so sánh giá cả, vị trí và các điều kiện thuê khác nhau. Mặc dù mức giá còn cao, song nếu tìm được tiếng nói chung thì đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp và cá nhân tìm kiếm được những mặt bằng ưng ý với mức giá hợp lý hơn.

Thông báo cho thuê mặt bằng trên đường Phan Trung (thành phố Biên Hòa).

Thông báo cho thuê mặt bằng trên đường Phan Trung (thành phố Biên Hòa).

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm chia sẻ thêm, hiện nay thị trường cần có những giải pháp cụ thể, trong đó chủ yếu là chủ mặt bằng, chủ nhà phải linh hoạt giảm tiền cọc, giảm giá thành, điều kiện hợp đồng. Khi đó, cung và cầu sẽ cân đối hơn, phù hợp với những người muốn khởi nghiệp để ổn định doanh thu của mình.

Chị H.T, chủ một chuỗi cửa hàng cà phê tại thành phố Biên Hòa chia sẻ, sau Tết Nguyên đán 2025, chuỗi cửa hàng của chị đã phải đóng cửa một chi nhánh trên đường Nguyễn Ái Quốc vì kinh tế còn nhiều khó khăn. Chị đang tìm kiếm một mặt bằng khác nhỏ hơn và đang thương lượng với chủ mặt bằng hạ các điều kiện về thời hạn hợp đồng, tiền cọc ban đầu... để có thể dành khoản đó để khởi sự kinh doanh một mô hình quán mới phù hợp. “Tôi kinh doanh theo chuỗi hệ thống nên việc thương lượng “chốt” được mặt bằng phù hợp rất quan trọng. Giá cả, điều kiện phù hợp thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới gắn bó và có kế hoạch lâu dài, mang lại lợi ích cho cả hai bên người thuê lẫn chủ mặt bằng. Đặc biệt trong thời điểm kinh tế có nhiều biến động thì bài toán “mặt bằng” phải dễ thở hơn để cân bằng thị trường” - chị H.T. chia sẻ.

Hải Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/mat-bang-kinh-doanh-ngongkhach-thue-f402466/