Mặt bằng lãi suất vẫn đang 'ủng hộ' chứng khoán
Việc VN Index được kéo tăng lên gần mốc 1.250 điểm, đã giúp nhiều nhà đầu tư (NĐT) mạnh tay sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, những phiên điều chỉnh gần đây khiến nhiều NĐT lo lắng và đẩy mạnh bán tháo.
Lạc quan nhưng vẫn thận trọng
Báo cáo phân tích chiến lược đầu tư tháng 8 với chủ đề “Thị trường giá lên đã quay lại” vừa được một CTCK công bố, đã phác họa lên bức tranh với gam màu sáng của TTCK. Trong bản báo cáo của mình, CTCK này cho rằng rủi ro ngắn hạn tạm thời được đẩy lùi, NĐT có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Cơ sở để CTCK này đưa ra dự đoán lạc quan với TTCK dựa trên kỳ vọng về nền kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm 2023, khi chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ sẽ giúp niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cải thiện. Trong kịch bản cơ sở, dự phóng tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023 đạt 5,6%, cao hơn mức tăng trưởng của nửa đầu năm và tăng trưởng cả năm 2023 ước đạt 4,7%.
Nền kinh tế có thể tăng tốc trở lại vào năm 2024 nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ “thẩm thấu” vào nền kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) dần phục hồi nhờ lãi suất giảm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cải thiện giúp lĩnh vực xuất khẩu lấy lại sức sống.
Với cùng nhận định lạc quan, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, đưa ra dẫn chứng cho rằng VN Index đã tăng hơn 20% tính từ đầu năm đến nay, một phần do NĐT đã rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào TTCK, khi các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến thời điểm đáo hạn.
Sự phục hồi của VN Index do giá CP ngân hàng và BĐS tăng gần 30% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, bởi tỷ trọng lớn của 2 ngành này trong chỉ số VN Index. Cụ thể, ngân hàng hiện chiếm 35%, BĐS chiếm 18%. Do vậy, tăng trưởng giá CP của 2 ngành này đã đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng của VN Index tính từ đầu năm đến nay.
Theo ông Michael Kokalari, sự cải thiện tâm lý thị trường đối với giá CP nhà băng đến từ việc NĐT bớt lo ngại về chất lượng tài sản, và kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm nay do lãi suất thấp. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm nay, giảm 150 điểm cơ bản xuống còn 4,5% (đối với lãi suất tái cấp vốn).
Lãi suất thấp đã cải thiện tâm lý của NĐT đối với thị trường BĐS, khi các hoạt động giao dịch đang có dấu hiệu bắt đầu phục hồi trở lại, một phần do lãi suất vay mua nhà đã giảm hơn 50 điểm cơ bản tại nhiều ngân hàng trong tháng qua.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất vay mua nhà sẽ tiếp tục giảm thêm 50-100 điểm cơ bản trong 6-12 tháng tới. Lãi suất giảm sẽ tác động tích cực đối với CP BĐS và cả những công ty hưởng lợi từ hoạt động phát triển BĐS như xây dựng, thép” - chuyên gia của VinaCapital dự báo.
Nên ưu tiên đầu tư dài hạn
Tuy nhiên, diễn biến tiêu cực của thị trường trong những phiên giao dịch gần đây đã tạo nên trạng thái tâm lý lo lắng, thậm chí có phần hoảng loạn của nhiều NĐT. Đơn cử, 2 phiên giao dịch ngày 9 và 10-8, lệnh bán tháo xuất hiện dày đặc trên bảng điện, khiến thị trường bị nhấn chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, trong phiên lao dốc này, khối ngoại cũng đua nhau bán ròng, thay vì đẩy mạnh gom hàng "bắt đáy” như thường lệ.
Việc VN Index điều chỉnh mạnh khá phù hợp với nhận định trước đó của Maybank Investment Bank (MSVN). Cụ thể, CTCK này cho rằng VN Index tăng 9,2% vào tháng 7, mức tăng tốt nhất trong 6 tháng qua, đã nâng định giá của chỉ số hơn 50% và trở lại mức P/E trung bình 3 năm là 15x, từ mức thấp nhất trong thập niên là 10x vào cuối năm ngoái.
Điều này chủ yếu do tâm lý NĐT được cải thiện hơn là các yếu tố cơ bản. Do đó, rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn rất lớn. Với dự báo thận trọng trên, MSVN khuyến nghị NĐT nên giao dịch các vị thế ngắn hạn, hoặc chờ điều chỉnh để tích lũy thêm CP cho đầu tư dài hạn.
Với cùng nhận định thận trọng, các chuyên gia CTCK Bảo Việt (BVSC), cho rằng tháng 8 là thời điểm thị trường tương đối thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mới. Đồng thời tiềm ẩn một số rủi ro, như mặt bằng định giá nhóm phi tài chính tăng cao, nhiều CP có nguy cơ bị loại khỏi danh sách margin sau báo cáo soát xét bán niên, hay biến động đồng USD trên thị trường thế giới. Bởi diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá VNĐ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, những phiên sụt giảm trong tuần vừa qua, theo BVSC cũng chỉ là điều chỉnh ngắn hạn. Về dài hạn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, chắc chắn sẽ được cải thiện trong nửa sau 2023 và 2024 nhờ mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Từ đó đưa mức định giá trở lại mức hấp dẫn hơn. Về trung hạn, VN Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300-1.350 điểm.
Trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì và các cơ chế chính sách tiếp tục được ban hành, CTCK BSC (BSC) khuyến nghị một số nhóm ngành, bao gồm nhóm ngân hàng, BĐS khu công nghiệp, công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông, dầu khí. Ngoài ra, NĐT cần lưu ý nhóm lương thực, thực phẩm khi hiện tượng El Nino mạnh hơn và các chính sách của quốc gia trong việc xuất khẩu hàng hóa.
Theo SSI Research, thị trường sẽ cần thêm thời gian để lợi nhuận doanh nghiệp có thể bắt kịp với định giá. Do đó, NĐT nên tiếp tục hướng sự tập trung và phân bổ tỷ trọng lớn vào các ngành/CP đã tăng chậm hơn mặt bằng chung trong nửa đầu năm, và có động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong nửa cuối năm. Theo đó, tận dụng biến động ngắn hạn để tích lũy các CP trong danh sách theo dõi, là chiến lược có thể phát huy hiệu quả trong bối cảnh hiện tại.
“Trong xu hướng tăng luôn kèm theo áp lực rung lắc mạnh khi TTCK càng đi lên vùng cao. Trường hợp chỉ số VN Index không giữ vững điểm số, vùng 1.160-1.180 điểm là vùng NĐT cần chú ý” - SSI Research khuyến nghị.
Mặc dù NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính gia tăng mạnh, nhưng tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu đang ở mức khoảng 68%, ngang với giai đoạn 2018-2019, và thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 129% trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/mat-bang-lai-suat-van-dang-ung-ho-chung-khoan-post107186.html