Mất hệ thống phân phối là mất sản xuất
Xung quanh việc Big C đột ngột thông báo tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam, tuy nhiên sau đó đã thông báo sẽ nhận lại đơn hàng của 150 nhà cung cấp - đã đặt ra vấn đề quan trọng: Nếu không có các chế tài cần thiết thì hàng Việt Nam sẽ thua thiệt ngay trên 'sân nhà', khi mà các chuỗi siêu thị lớn với sự đầu tư của các tập đoàn nước ngoài có nhiều lợi thế.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông, từ vụ Big C tạm dừng nhập hàng dệt may Việt vào siêu thị và ngay sau đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Cá nhân ông có suy nghĩ gì trước những hành động này?
Ông Vũ Vinh Phú: Trong mua bán, định kỳ 3 tháng các bên xem xét một lần, có gì thông báo, điều chỉnh, thay đổi thì bàn bạc với nhau. Nhưng trong vụ việc trên có doanh nghiệp (DN) chỉ nhận được thông báo trước 1 ngày, có DN chỉ được nhận thông báo bằng miệng, tức gọi điện thoại, sau đó hôm sau bị mời ra ngoài không được cung cấp nữa. Phải có nhắn nhủ, dự báo, thông báo vì họ đã gắn bó với anh gần 20 năm, đóng góp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng doanh số cho anh. Còn động thái phản ứng của các cơ quan chức năng trong vụ việc trên, tại cuộc họp mới đây của Bộ Công thương với Big C đã đưa ra hướng bây giờ xử lý theo hợp đồng. Tôi xin nói rằng bao giờ hợp đồng của kẻ yếu cũng bị lép vế so với kẻ mạnh.
Đã có tình trạng DN nội thua thiệt ngay trên “sân nhà”. Vậy phải chăng chúng ta đang thiếu những quy định để bảo vệ DN trong nước, thưa ông?
- Luật của chúng ta có nhưng sơ hở, như không quy định các nhà đầu tư vào đây phải bán bao nhiêu % hàng Việt. Cho nên có siêu thị, dù hàng Việt chỉ chiếm có vài % nhưng họ vẫn nói là có bán hàng Việt. Chúng ta phải lo cho chúng ta bằng việc phát triển các DN của Việt Nam lên. Ví dụ như: Sài Gòn Coop; Vingroup; Hapro. Vingroup miễn chiết khấu 0% cho thực phẩm tươi sống trong vòng 1 năm cho các nhà cung cấp. Tại sao chúng ta không có chính sách phát triển hệ thống phân phối Việt? Tôi xin nói rằng, mất hệ thống phân phối là mất sản xuất. Bởi có chỗ nào bấu víu để đưa hàng vào? Hiện nay mấy tập đoàn như TCC, Central Group đã chiếm 54/100 điểm bán hàng hiện đại trong toàn quốc, nghĩa là chiếm trên 50% rồi. Chả nhẽ chúng ta cứ lùi mãi? Người mình, đất mình, hàng mình cuối cùng họ thu lợi nhuận chuyển về nước họ. Trong khi câu chuyện chuyển giá, trốn thuế đã có bài học rồi, Metro vừa qua đã bị truy thu 500 tỷ đồng. Đó chính là do luật pháp của ta có sơ hở. Hay như Luật Cạnh tranh quy định: “Nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng của nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng”. Vậy thế nào là lý do chính đáng thì không ai giải thích được. Do đó họ chiết khấu cao, không ai chịu được buộc phải ra ngoài. Siêu thị ngoại được miễn thuế từ 25-50% còn siêu thị nội không được miễn. Như vậy chính sách không những sơ hở mà thiếu quan tâm với siêu thị Việt.
Vậy theo ông, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các hiệp hội như thế nào?
- Ở đây có vai trò và trách nhiệm của Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã từng lên tiếng, chúng ta không được để mất thị trường nội địa. Liệu sau Big C có “lan” sang các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nữa hay không? Tôi xin nói rằng, một mã hàng miến Việt Nam đưa vào trong kệ hàng của Lotte phải nộp 20 triệu đồng, sau đó lại chiết khấu khiến nhà sản xuất miến đẩy giá miến của ta cao lên, trong khi giá miến của Thái Lan thuế xuất bằng 0% vào nước ta và nhanh chóng đè bẹp miến Việt Nam do chính Lotte tạo điều kiện cho hàng Thái Lan, Hàn Quốc vào siêu thị. Thậm chí có siêu thị ngoại buộc hàng của ta phải bán với giá cao để chiết khấu được nhiều hơn. Chúng ta không tinh tường là thua. Giờ nhìn sang Metro tại TP Hồ Chí Minh thấy phủ kín toàn hàng Thái Lan. Chỗ nào đẹp nhất là họ bày, mục tiêu là bước đệm để tràn hàng Thái vào nước ta, còn hàng Việt đứng ở dưới đáy kệ, chỗ khó thấy nhất.
Từ thực tế đó, theo ông chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để giúp DN trong nước, nhất là khi bối cảnh hội nhập đang diễn ra sâu rộng?
- Sản xuất sẽ gặp khó khăn khi không có chỗ để tiêu thụ, vì bán hàng ra chợ thì chợ rất nhếch nhác, có những năm Hà Nội không có đồng nào để cải tạo chợ, trong khi 80% doanh số hàng tiêu dùng bán ở chợ mà chợ lại nhếch nhác vậy sản phẩm Việt sẽ bán ở đâu, khi siêu thị thì “đẩy ra” còn chợ lại nhếch nhác, dột nát cho nên người dân không vào. Hiện doanh số tại chợ đang giảm 30% vậy chúng ta còn đường lùi nữa không? Chúng ta phải chăm chút cho những DN Việt, xây dựng được nhiều các tập đoàn lớn mạnh thì mới làm chủ được sân nhà. Nếu làm chủ được phân phối sẽ làm chủ được sản xuất. Vừa qua nếu không có sức ép, sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, DN, các chuyên gia và sự vào cuộc của báo chí thì liệu họ có nhận lại các nhà cung cấp trong nước không? Bên cạnh đó cũng cần phải thành lập Hiệp hội các nhà cung ứng Việt Nam. Nếu không nhận được sự đồng tình của các nhà cung ứng vậy các siêu thị sẽ bán cho ai? Chơi với ai?
Trân trọng cảm ơn ông!
*Luật của chúng ta có sơ hở khi không quy định các nhà đầu tư vào đây phải bán bao nhiêu % hàng Việt. Cho nên có siêu thị, dù hàng Việt chỉ chiếm có vài % nhưng họ vẫn nói là có bán hàng Việt. Chúng ta phải lo cho chúng ta bằng việc phát triển các doanh nghiệp của Việt Nam lên, phải có chính sách phát triển hệ thống phân phối hàng Việt. Tôi xin nói rằng, mất hệ thống phân phối là mất sản xuất, bởi có chỗ nào bấu víu vào để đưa hàng vào? Phải chăm chút cho doanh nghiệp Việt, xây dựng được nhiều các tập đoàn lớn mạnh thì mới làm chủ được sân nhà. Nếu làm chủ được phân phối sẽ làm chủ được sản xuất.
H.Vũ (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/mat-he-thong-phan-phoi-la-mat-san-xuat-tintuc441340