Mất mạng chỉ để được nổi tiếng - mặt trái của 'nghề livestream'
Thất nghiệp hoặc không muốn gắn bó với công việc lặp đi lặp lại, giới trẻ Trung Quốc đang bị hút vào 'nghề livestream' (phát trực tiếp) vì lợi nhuận và sự tự chủ mà nó mang lại. Thậm chí có người sẵn sàng dấn thân vào những thách thức nguy hiểm, thậm chí phải bỏ mạng, chỉ để được nổi tiếng.
Ngẫu nhiên nổi tiếng
Cứ đến 15h55 hàng ngày, trong căn hộ của mình ở Thượng Hải, Xu Shihan hoàn tất khâu trang điểm cuối cùng. Cô bật đèn, cố định điện thoại lên giá và ngắm mình lần cuối trong gương. 5 phút sau, cô bắt đầu livestream trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok). “Các anh em, chào mừng đến với buổi phát trực tiếp của tôi! Các bạn có nhớ tôi không? Nếu có, hãy nhập vào phần bình luận” - người phụ nữ 31 tuổi nói trước màn hình camera.
Sau khi bị sa thải khỏi vị trí nhà thiết kế nội thất vào đầu năm 2023, Xu Shihan bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực livestream và chẳng bao lâu, cách nói chuyện hóm hỉnh đã trở thành phong cách của cô. Sau 6 tháng, cô đã thu hút được 5.627 người theo dõi và một trong những buổi livestream của cô đã đạt vị trí thứ 3 trong danh sách xu hướng ở Thượng Hải. “Nó giống như một vở hài kịch độc thoại. Bạn phải hài hước và giữ nhịp điệu” - cô nói.
Nhờ các đồng nghiệp, Xu Shihan sớm biết muốn phát triển cần hợp tác với các công ty tài năng và nền tảng truyền thông xã hội. Họ sẽ có hướng dẫn riêng cho những người livestream về cách tương tác và tặng quà, đảm bảo tạo ra thu nhập tối đa từ người xem. Từ phong cách nói chuyện đến nét mặt và lựa chọn trang phục, các công ty này thiết kế các kế hoạch phức tạp để giúp livestreamer thu hút người xem. Người sáng tạo thường giữ 50% thu nhập, còn lại chi cho nền tảng và đơn vị tổ chức. Phương pháp này cũng có hiệu quả với Xu Shiha. Với 4 tiếng livestream mỗi ngày, thu nhập hiện tại của cô là hơn 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng (sau khi chia một nửa cho Douyin, cùng với 8% cho đơn vị tổ chức), cao gấp 3 lần mức lương cũ.
Trong số những người nổi tiếng trên mạng ở Trung Quốc, Li Jiaqi (từng là nhân viên bán hàng tại L'Oreál) nổi bật với biệt danh “Vua son môi”. Anh từng bán được 15.000 thỏi son trong 5 phút và thu hút được gần 45 triệu người hâm mộ trên Douyin. Liu Mama - một nông dân nuôi lợn ở phía Đông Bắc Trung Quốc, đã người chia sẻ cuộc sống của mình trên nền tảng xã hội Kuaishou - có hàng triệu người theo dõi và kiếm được 1 triệu nhân dân tệ/tháng (tương đương 138.000 USD).
Nhưng mở đầu trào lưu này phải kể đến Papi Jiang - cô gái đã thu hút được 44 triệu người theo dõi trong vòng 1 năm (2015-2016) thông qua các video châm biếm của mình. Cô được mệnh danh là “Năm thứ nhất của KOL”. Ở một trong những video có lượt xem nhiều nhất, Papi Jiang đã chế giễu xu hướng chêm tiếng Anh vào các cuộc trò chuyện (bằng tiếng Trung) của phụ nữ Thượng Hải. Cô cũng đã chỉ trích định kiến về giới tính hay giọng điệu vùng miền. Sau thành công đột phá của Papi Jiang, thuật ngữ KOL hay “wanghong” (nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội) đã trở thành một trong những từ thông dụng hàng đầu ở Trung Quốc.
Một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc
Ông Lin Jian tại Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết: “So với các phương tiện truyền thông chính thống, các buổi phát trực tiếp trình bày nội dung đa dạng hơn và có vẻ chân thực hơn. Đối với sinh viên hoặc nhân viên làm việc theo phong cách 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần), phát trực tiếp giúp cuộc sống của họ trở nên sôi động hơn”.
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, với tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 - 24 tuổi ở mức 14,9% (tính đến tháng 12-2023), KOL hay những người nổi tiếng trên Internet đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Bằng cách tạo ra lưu lượng truy cập trên mạng xã hội và tiếp thị tới lượng người hâm mộ khổng lồ, những người có ảnh hưởng tạo ra doanh thu đáng kể cho các nền tảng. Đối với hàng triệu thanh niên không thể tìm được việc làm, việc tham gia các buổi livestream đã trở thành một giải pháp thay thế cho công việc truyền thống. Trong một cuộc khảo sát năm 2023 với hơn 10.000 thanh niên trên Weibo (một nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc), hơn 60% số người được hỏi cho biết họ quan tâm đến việc trở thành người có ảnh hưởng trên Internet hoặc người dẫn chương trình phát trực tiếp.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế từ những người có ảnh hưởng đã tăng từ 241,9 tỷ nhân dân tệ năm 2018 lên 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 6,7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2025. Từ tháng 9-2021 đến tháng 10-2022, Trung Quốc đã có hơn 10 triệu KOL với hơn 10.000 người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, đăng trung bình 38,3 triệu bài/ngày.
Tháng 11-2023, mạng xã hội Douyin đã thống kê được 752 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Trung Quốc và dự kiến sẽ vượt qua 835 triệu vào năm 2025. Tính năng phát trực tiếp được giới thiệu vào năm 2018 cho phép người dùng quảng cáo và bán sản phẩm. Phát trực tiếp tất nhiên bùng nổ trong đại dịch Covid-19. Từ năm 2022, ước tính khoảng 500 tỷ USD hàng hóa được bán qua các buổi phát trực tiếp ở Trung Quốc, tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, tính đến tháng 6-2023 đã có hơn 765 triệu người dùng Internet ở nước này theo dõi các buổi phát trực tiếp, tức là chiếm khoảng 70% người dùng Internet trên toàn Trung Quốc.
Mất mạng vì “nghiệp” livestream
Nhưng việc làm mọi cách để thu hút được càng nhiều người xem càng tốt đôi khi cũng phải trả giá. Tháng 3-2021, cái chết đột ngột của Paopaolong (29 tuổi), một người có ảnh hưởng trong giới livestream hoạt động ăn uống (còn gọi là mukbang), đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc bàng hoàng. Paopaolong tên thật là Yu Hailong, có hơn 10 triệu người theo dõi trên Douyin. Anh nổi tiếng với việc quay trực tiếp các bữa tiệc buffet tại nhà hàng. Mặc dù nhóm của Yu Hailong cho biết anh chết vì kiệt sức khi đang quay một quảng cáo phục vụ cộng đồng, nhưng người hâm mộ vẫn suy đoán nguyên nhân là do việc ăn uống vô độ trong thời gian dài của Yu. Trước đó, vào năm 2020, những người theo dõi Yu Hailong bày tỏ lo lắng khi anh rụng tóc rõ rệt và cân tăng vọt lên 160kg.
Ngày 27-5-2023, một cô gái có ảnh hưởng trên mạng xã hội tên là Cuihua (21 tuổi, thu hút hơn 9.000 người theo dõi trên Douyin) đã qua đời trong “cuộc chiến” chống béo phì khi cố gắng giảm cân. Video cuối cùng cho thấy Cuihua đang phải trải qua các bài tập cường độ cao với thân hình nặng 156kg. Cô đã phàn nàn là cảm thấy không khỏe ngay trước khi qua đời.
Vài tuần trước đó, một KOL tên là Zhongyuanhuangge (26 tuổi) cũng mất mạng khi uống 2 chai Baijiu (loại rượu có nồng độ cồn lên đến 60%) trong một cuộc thi uống rượu được phát trực tiếp. Hai tuần sau, rượu tiếp tục cướp đi mạng sống của một KOL khác tên là Sanqiange. Người đàn ông 34 tuổi này được phát hiện đã chết sau khi livestream cảnh mình uống rượu Baijiu như một phần của thử thách “Những trận chiến 1 chọi 1” trên Douyin (thử thách để các KOL cạnh tranh nhau nhằm giành quà từ người xem, người thua sẽ nhận hình phạt).
Tiến sĩ Jian Xu - chuyên gia về văn hóa truyền thông kỹ thuật số Trung Quốc tại Đại học Deakin (Australia) cho biết, khi mọi người đều muốn trở thành KOL (hay “wanghong”) và thu hút người theo dõi bằng mọi cách có thể thì “hỗn loạn sớm muộn sẽ xảy ra”. Những trường hợp cực đoan này là lý do chính đáng để nhà chức trách Trung Quốc gần đây siết chặt hơn đối với nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo SCMP