Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi Trung thu yêu thích của trẻ em Hà thành mỗi dịp rằm tháng 8.
Trước đây, mỗi dịp Tết Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô. Tuy nhiên đến nay, không còn mấy người gắn bó với nghề này.
Tại Thủ đô ít người biết vẫn còn một gia đình nghệ nhân trên phố cổ Hà Nội vẫn kiên trì giữ nghề, đó là vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan là những nghệ nhân, những người còn sót lại từ thời hoàng kim của những chiếc mặt nạ giấy bồi của Hà Nội.
Để làm một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu.
Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp.
Theo vợ chồng ông Hòa chia sẻ, để làm ra được mặt nạ giấy bồi đầu tiên phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp sau được dán chồng lên lớp trước bằng một loại hồ nấu từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một sản phẩm.
Để mỗi chiếc mặt nạ được đều và đẹp, quá trình tô màu cũng phải chia ra từng công đoạn nhỏ, tô từng màu riêng, mỗi màu lại phải tô đi tô lại nhiều lần.
Sau khi tô xong mặt nạ sẽ được mang ra phơi, đợi khô rồi mang ra tô tiếp màu mới. Để giữ được họa tiết mặt nạ hoàn chỉnh những nghệ nhân phải vẽ rồi lại phơi hàng chục lần.
Những chiếc mặt nạ giấy bồi qua bàn tay những người nghệ nhân còn sót lại là tín hiệu vui bởi đồ chơi dân gian vẫn tiếp nối sứ mệnh kết nối, phổ biến và lưu giữ văn hóa truyền thống đến thế hệ tương lai.
Hạ Nhiên