Tìm ra cách làm mới để lan tỏa ý nghĩa của mặt nạ giấy bồi, gắn kết nghệ nhân và công chúng, nhất là thế hệ trẻ là một cách trao truyền tri thức, góp phần duy trì văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Bà Đặng Hương Lan (65 tuổi), những nghệ nhân cuối cùng giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở đất Hà Thành. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc là một trong những món đồ chơi dân gian gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Những chiếc mặt nạ giấy bồi xưa kia thường xuất hiện trong các dịp lễ hội truyền thống, đặc biệt là vào Tết Trung thu nay đã không còn xuất hiện nhiều nữa. Không chỉ người chơi, người bán mà cả những người làm ra mặt nạ giấy bồi giờ cũng “hiếm có, khó tìm”. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Tên gọi mặt nạ giấy bồi hiểu rất đơn giản: Nó là những chiếc mặt nạ được “bồi” từ nhiều lớp giấy mà nên. Mỗi một hình mặt thường sẽ có từ 3 - 5 lớp giấy, tùy vào bàn tay người làm mà ướm chừng độ dày mỏng khác nhau. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Theo nghệ nhân Đặng Hương Lan, làm mặt nạ giấy bồi rất đơn giản, chỉ cần ít bìa, giấy trắng, hồ dán, khuôn có thể tự sáng tạo bằng các vật dụng xung quanh, vừa đơn giản, rẻ tiền, lại không lo bị chất độc hại. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Chương trình dạy cách làm mặt nạ giấy bồi gắn với giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa của chúng đã góp phần lưu giữ và phổ biến nét văn hóa truyền thống này, qua đó tạo điều kiện cho nghề làm mặt nạ phát triển. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Các bạn nhỏ được học cách bồi giấy làm mặt nạ, trang trí sáng tạo theo ý tưởng riêng. Đặc biệt, các bạn nhỏ được tiếp nhận nhiều thông tin về những chiếc mặt nạ truyền thống, ý nghĩa của chúng. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Chiếc mặt nạ ông địa với nụ cười tươi là một trong số ít món đồ chơi truyền thống vẫn phổ biến mỗi dịp Tết Trung thu hiện nay. Không đơn giản mang đến sự vui vẻ trong điệu múa lân của các bạn nhỏ, mặt nạ ông địa còn mang biểu tượng của văn hóa nông nghiệp, bởi nó gửi gắm hy vọng của nông dân về đất đai màu mỡ, khí hậu thuận hòa để cây cối xanh tốt, cây lúa phát triển, mùa màng bội thu. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Hiện trong gia đình chỉ có vợ chồng bà Lan làm nghề, “Gần đây, nhờ báo chí, truyền hình đưa tin, nên mặt nạ giấy bồi được nhiều người biết, tạo cho chúng tôi động lực để tiếp tục giữ nghề và làm nghề. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện với những người muốn trải nghiệm, tìm hiểu.”. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Rất nhiều bạn trẻ quan tâm tới mặt nạ giấy bồi, đa phần các bạn rất tò mò về cách làm ra một chiếc mặt nạ. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
“Tôi tin nghề làm mặt nạ giấy bồi sẽ luôn tồn tại, vẫn sẽ có những người yêu thích, có tâm và kiên trì với nghề truyền thống tiếp nối thế hệ chúng tôi để làm nghề và giữ nghề” - nghệ nhân Đặng Hương Lan chia sẻ. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN