Mất nhà vì vay tín dụng đen bằng hợp đồng giả cách
Các khoản vay tín dụng không chính thức dễ dàng 'thổi bay' sổ nhà, đất của người dân một khi đã rơi 'vào tròng'. Với số tiền thu lợi lớn, thủ đoạn của các nhóm tín dụng đen ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn trước.
Ký hợp đồng bán nhà để vay tiền
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về tín dụng đen mới đây, chị T.L. (sinh năm 1988, ngụ TPHCM), cho biết đã bị chính các đối tượng cho vay tín dụng đen kiện ra tòa vì hợp đồng giả cách vay nợ.
Cụ thể, chị vay vốn để kinh doanh với mức lãi suất từ 1,5-1,75%/ngày. Thời gian đầu chị trả được tiền gốc và lãi nhưng sau gặp sự cố trong kinh doanh nên không thể tiếp tục trả nữa, lãi mẹ đẻ lãi con.
“Sau đó, nhóm cho vay nặng lãi làm hợp đồng mua bán nhà, mặc dù bản gốc hồ sơ vẫn nằm ở ngân hàng vì tôi đã thế chấp. Nhóm này nói chỉ cần tôi đem bản photo lên văn phòng công chứng quận là sẽ có người làm. Sau đó tôi được chuyển 600 triệu nhưng giấy ghi vay lại là 3 tỉ”, chị L. kể lại.
Khi đòi nợ, các đối tượng này không chỉ dùng thông tin, hình ảnh của chị L để tạo áp lực, mà thậm chí còn tố cáo với cơ quan chức năng. “Cơ quan công an tiếp nhận và triệu tập tôi nhiều lần”, chị L nói.
Về phía mình, chị L. cho biết cũng đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng nhưng trong một năm qua vẫn chưa có ai xử lý, dù toàn bộ tiền trả đều qua ngân hàng, nội dung ghi rõ trả tiền gốc và lời.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết đây là hiện tượng rất phổ biến trong thời gian qua. Thậm chí chỉ trong một huyện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã có tới hàng trăm trường hợp người dân mất luôn nhà, đất vì khoản vay tín dụng đen ban đầu.
Theo đó, với các giao dịch cho vay với khoản tiền cho vay vài trăm triệu, bên cho vay yêu cầu người đi vay ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác. Loại hợp đồng này được gọi là “giả cách” và rất khó để xử lý.
“Tất cả những cái này khi ra tòa, thẩm phán dù biết rõ đây là giao dịch giả cách nhưng cũng không dám tuyên, nếu người đi vay không có bút tích về việc lãi suất cao, hoặc nhận tiền lãi. Hầu hết tòa đều tuyên giao dịch đó là chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, LS. Đức nói.
Theo các luật sư, về mặt pháp lý hiện nay, tín dụng đen còn có điều kiện phát triển khi nhóm cho vay lợi dụng hồ sơ, kiện ngược lại người đi vay.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, người vay tín dụng đen ban đầu chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, số tiền này quá nhỏ nên trình báo lên công an thì giải quyết không rốt ráo, sau đó tăng dần số tiền lên và biến tướng thành hợp đồng giả cách.
"Tín dụng đen đang biến tướng cho vay bằng hợp đồng giả cách, cho vay bằng cách mua bán nhà. Những nhóm này ở chung cư cao cấp, thuê nhà riêng biệt, dùng những chiêu trò lách luật đưa nạn nhân vào tròng. Thủ tục vay tín dụng đen rất đơn giản, nhanh chóng vì chỉ cần giấy photo, trong 10-30 phút là giải ngân nhưng lãi suất từ 100-360%/năm tùy theo số tiền mượn. Nếu không trả thì người vay và gia đình họ không thể sống yên", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nói.
Tín dụng đen ngày càng nở rộ
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM cho biết hoạt động tín dụng đen trở nên ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, không chỉ phát tán tờ rơi, nở rộ trên internet, tập trung vào người dân nghèo và thậm chí là các em sinh viên học sinh.
Thủ đoạn chúng hay sử dụng là lập các giấy nợ viết tay, hợp đồng lãi suất thấp hơn thực tế, dễ thay đổi và tiêu hủy để đối phó với lực lượng chức năng. Thậm chí có trường hợp viết giấy mua bán tài sản, rồi cho người vay tiền thuê lại tài sản đó. Phổ biến gần đây là câu chuyện nhóm người Trung Quốc lập các ứng dụng cho vay trực tuyến qua điện thoại.
Theo LS. Nguyễn Văn Hậu, trên thị trường gần đây xuất hiện các vụ tín dụng đen mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tổ chức thành đường dây chặt chẽ, thậm chí là có sự phối hợp của cơ quan chức năng để cho nhóm này lộng hành. “Nguyên nhân vì mức xử phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe”, LS. Hậu nhìn nhận.
Trên thực tế, dấu hiệu tội danh để xử lý hình sự các đối tượng cho vay lãi nặng là có hành vi cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ Luật Dân sự và thực tế đã thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, được quy định tại điều 201 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, việc chứng minh thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng được các chuyên gia luật đánh giá là khó khăn.
Theo LS. Đức, cũng có trường hợp ký hợp đồng cho vay không ghi mức lãi suất hoặc bên cho vay thu tiền lãi được thu một lần tại thời điểm cho vay và chỉ thể hiện số tiền người vay nhận theo số tiền vay gốc để che giấu lãi suất. Ngoài ra, các hợp đồng còn được chuyển nhượng lòng vòng hoặc ủy quyền chuyển nhượng nên rất khó kiểm soát.
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng cho biết Công an TPHCM hiện đang lên kế hoạch rà soát các công ty có hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố, đồng thời rà soát các công ty đòi nợ thuê, kiểm tra các tiệm cầm đồ, các khu dân cư, chung cư có khả năng các băng nhóm thuê làm nơi cư ngụ và trụ sở.
Về phía các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định tín dụng đen đa phần rơi vào các hoạt động không chính thức và gắn với các tệ nạn khác trong xã hội vẫn đang còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, tín dụng đen vẫn còn đất sống vì kênh tín dụng chính thức chưa thực sự phủ hết nhu cầu của người dân.
Dũng Nguyễn