'Mật ong điên' - vũ khí sinh học đầu tiên

Từng có loại 'mật ong điên' gây hậu quả chết người và được xem là vũ khí sinh học đầu tiên trong lịch sử.

Mật ong điên xuất phát từ loài hoa đỗ quyên ở Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mật ong điên xuất phát từ loài hoa đỗ quyên ở Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải mật ong nào cũng ngọt ngào đầy hương thơm và bổ dưỡng. Từng có loại “mật ong điên” gây hậu quả chết người và được xem là vũ khí sinh học đầu tiên trong lịch sử.

Mật gây ảo giác

Mật ong điên đến từ những con ong thu thập mật nơi những bông hoa đỗ quyên có chứa một chất gọi là grayanotoxin. Không ngọt ngào và thơm ngon về mặt hương vị, nhưng cũng giống như cần sa, nó có thể khiến người ta cảm thấy “ngọt ngào” trong đầu và sử dụng như một cách để tạo cảm giác lâng lâng hoặc thậm chí nhằm thể hiện tốt hơn trên giường ngủ.

Tuy nhiên, nó không phải là không có tác dụng phụ tiêu cực, vì có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như ảo giác, nôn mửa, suy giảm ý thức, mờ mắt, co giật và thậm chí tê liệt.

Một số loại mật ong từ đỗ quyên chứa grayanotoxin có thể gây ra phản ứng sinh lý nghiêm trọng ở người và động vật. Grayanotoxin có thể gây ra tình trạng huyết áp và nhịp tim giảm dần, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tử vong.

Khi cảnh báo về mối nguy hiểm của nó, các bác sĩ cho biết nó có thể gây ra bất cứ điều gì từ chóng mặt, nhịp tim chậm hơn và ảo giác đến tê liệt và mất ý thức. Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal là những nơi trên thế giới được biết đến có trồng một lượng lớn hoa đỗ quyên chứa grayanotoxin, nên mật ong điên cũng xuất hiện nhiều tại những nơi này.

 Tranh vẽ các chiến binh thời cổ bị mất phương hướng sau khi ăn mật ong điên.

Tranh vẽ các chiến binh thời cổ bị mất phương hướng sau khi ăn mật ong điên.

Vũ khí sinh học

Có thể nhiều người không nhận biết, nhưng thực tế loại mật ong này đã có mặt từ hàng chục ngàn năm trước.

Một trong những ghi chép đầu tiên về mật ong điên trong các tài liệu lịch sử đến từ Xenophon của Athens, một học trò của Socrates, đồng thời là nhà sử học, chiến binh và lính đánh thuê người Hy Lạp. Xenophon đã viết rằng, vào năm 401 trước Công nguyên, một đội quân Hy Lạp do ông chỉ huy đã trở về nước dọc theo bờ Biển Đen sau khi đánh bại người Ba Tư.

Khi về gần Trabzon (ở Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ), các binh sĩ đã cùng ăn mật ong địa phương lấy trộm từ một số tổ ong gần đó. Vài giờ sau, họ bắt đầu nôn mửa, bị tiêu chảy, mất phương hướng và không thể đứng vững được nữa. Đến ngày hôm sau, các tác dụng phụ dần biến mất và đoàn quân tiếp tục về Hy Lạp.

Một sự kiện khác xảy ra vào năm 67 trước Công nguyên khi người La Mã, do Pompey Đại đế chỉ huy, đang truy đuổi quân đội Ba Tư gần Biển Đen. Người Ba Tư, biết được tác dụng lợi hại của mật ong điên, đã cố tình bày những lọ mật ngon lành khắp nơi để binh lính La Mã dễ tìm thấy.

Bị thu hút bởi loại thực phẩm hấp dẫn này, quân La Mã không thể bỏ qua, họ tranh nhau ăn và rồi bị mất phương hướng, không thể chiến đấu được nữa. Sau đó, quân đội Ba Tư quay trở lại và giết chết hơn 1.000 binh sĩ đang bị ngộ độc này.

Vào năm 946 Công nguyên, Nữ hoàng Olga của Kiev và đồng minh đã lừa 5.000 người đàn ông Nga uống một loại rượu pha mật ong điên. Khi họ rơi vào trạng thái xuất thần, quân đội Kiev đã giết chết hết những người đang mê sảng và giành ưu thế trong cuộc chiến.

Năm 1489, Ivan Đại đế và quân lính của ông đã học theo Hoàng hậu Olga, thực hiện một trò lừa tương tự với quân lính Tatar. Họ để lại những thùng rượu có chứa mật ong điên để quân địch tha hồ uống. Sau khi những người đàn ông bắt đầu có ảo giác, quân lính của Ivan đã tiến vào và tàn sát kẻ thù.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, mật ong điên rất phổ biến ở châu Âu và nhiều nơi khác. Người châu Âu thường pha nó vào rượu để tạo thêm hiệu ứng và khiến họ “phê” nhanh hơn.

Vào thế kỷ 18, New Jersey đã trải qua một giai đoạn sử dụng grayanotoxin để sản xuất mật ong độc hại. Tuy nhiên, nó không mạnh bằng mật ong điên, vì grayanotoxin này có nguồn gốc từ cây nguyệt quế núi, không phải cây đỗ quyên.

Vì khả năng tạo ra cảm giác hưng phấn và ảo giác, một số người sử dụng nó như một cách để “phê”, thậm chí cho mục đích tình dục như một chất thay thế cho Viagra. Theo Hội Hóa học Hoàng gia Anh, “mật ong điên chủ yếu được đàn ông trung niên sử dụng để tăng cường hiệu suất tình dục của họ”.

Hiện nay, mật ong điên cũng được sử dụng cho mục đích y tế. Một số người kê đơn để giảm huyết áp hoặc cung cấp năng lượng cho ai đó nếu trải qua giai đoạn kiệt sức do chống chọi với bệnh tật.

Tuy nhiên, nó không được nhiều người trên thế giới biết đến và vì giá thành đắt đỏ, cũng như những tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn nên không phải là thứ được ưa chuộng

Mật ong điên thường được tìm thấy ở độ cao lớn hơn như trên núi và vách đá nên việc săn tìm chung là một thách thức đáng kể. Những người thu hoạch mật ong thường mạo hiểm mạng sống của mình khi đi đến những địa điểm không an toàn để tìm tổ ong tự nhiên để lấy, chế biến và bán mật ong điên với giá cao. Để sản xuất mật ong điên mạnh hơn, người nuôi ong phải hạn chế đàn ong ở một khu vực chỉ có hoa đỗ quyên.

Theo Historydefined

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mat-ong-dien-vu-khi-sinh-hoc-dau-tien-post694041.html