'Mật ong OCOP' của cựu chiến binh Minh Quán

Gương cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi trong nhiều năm qua đã được nhắc đến nhiều. Thế nhưng, các hội viên HTX Nuôi ong lấy mật ở thôn 5, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên lại là một điển hình luôn mang trong mình sự nung nấu khác biệt, đó là phát triển sản phẩm mật ong quê hương chứa đựng bao tâm huyết của những người CCB để trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Trấn Yên.

Cựu chiến binh Hoàng Thị Lan chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Trấn Yên, xã Minh Quán về quy trình kỹ thuật nuôi đàn ong.

Cựu chiến binh Hoàng Thị Lan chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Trấn Yên, xã Minh Quán về quy trình kỹ thuật nuôi đàn ong.

Là một sĩ quan từng công tác tại Nhà máy Z183, sau khi nghỉ hưu, CCB Hoàng Thị Lan ở xã Minh Quán đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật để nâng cao thu nhập. Tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, với 120 đàn ong nuôi theo phương thức truyền thống, hằng năm bà Lan thu về khoảng 1.000 lít mật, sau khi trừ chi phí đầu tư đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ong, CCB Hoàng Thị Lan đã vận động các hội viên CCB trong thôn, xã thành lập Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật. Hoạt động hiệu quả, đến năm 2021, Tổ hợp tác phát triển thành Hợp tác xã (HTX) gồm 9 thành viên tham gia; trong đó, hầu hết là CCB với quy mô nuôi 300 đàn ong.

Với sản lượng mật lớn, chất lượng tốt, HTX đã đăng ký và xây dựng thành công sản phẩm Mật ong Minh Quán được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. CCB Hoàng Thị Lan - Giám đốc HTX Nuôi ong lấy mật chia sẻ: "Gia đình tôi nuôi ong theo cách truyền thống từ năm 2006, vừa là thú vui và cũng làm tăng thêm thu nhập cho gia đình khá tốt. Sau khi thành lập HTX, tôi thấy trong các thành viên hỗ trợ nhau cũng rất phù hợp, hiệu quả và sản lượng mật cũng khá tốt. Tuy nhiên, muốn bán ra thị trường được nhiều thì phải có thương hiệu, nên chúng tôi đã đề nghị với chính quyền các cấp để đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP và từ năm 2022 đến nay, sản phẩm mật ong của chúng tôi đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao”.

Để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, mật ong Minh Quán tuân thủ những quy định về sản lượng và bao bì, mẫu mã. Do đó, từ những lít mật ong đóng trong chai nút nhựa thô sơ đã thay bằng những lít mật ong nguyên chất đựng trong chai thủy tinh, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, giá trị sản phẩm được tăng cao hơn so với trước đây. Mật ong Minh Quán có sản phẩm chính là mật ong hoa nhãn và mật ong hoa rừng; hương vị thơm ngon, màu vàng óng và sánh quyện. Sau khi đã được tách nước, mật ong nguyên chất có thể bảo quản được rất lâu.

Với việc được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, giá trị sản phẩm mật ong của HTX Nuôi ong lấy mật xã Minh Quán ngày càng cao hơn so với trước đây và hiện đang được bán với giá từ 280 - 300 ngàn đồng/lít, đem lại thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng cho các thành viên trong HTX. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã khiến HTX bị thiệt hại nặng nề, nhưng với tinh thần, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không khuất phục khó khăn, bà Lan cùng với các thành viên của HTX đang nỗ lực khôi phục sản xuất để giữ vững và duy trì thương hiệu sản phẩm Mật ong Minh Quán.

CCB Vương Anh Tú - thành viên HTX Nuôi ong lấy mật tâm sự: "Cơn bão số 3 đã khiến HTX chúng tôi có 6 thành viên bị thiệt hại 187/300 đàn ong. Cái khó khăn của anh em chúng tôi là nguồn giống, mà hết giống thì một số anh em cũng có suy nghĩ chán nản. Tuy nhiên, với quyết tâm của người lính, đặc biệt là sự động viên kịp thời của Giám đốc Hoàng Thị Lan nên mọi người tập trung giúp đỡ nhau về con giống, vật tư để cùng nhau phát triển đàn ong. Vừa rồi, mỗi thành viên bị thiệt hại đã mua 30 đàn và tiếp tục nhân đàn. Đến nay, HTX đã xây dựng lại đủ 300 đàn”.

Mô hình nuôi ong lấy mật của HTX Nuôi ong lấy mật xã Minh Quán đã mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Quy mô nuôi có thể dễ dàng điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện sản xuất của mỗi hộ gia đình. Để nâng cao giá trị sản xuất cho nghề nuôi ong, xã Minh Quán tiếp tục vận động nhân dân, hội viên CCB trong HTX nuôi ong theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, các CCB trong HTX Nuôi ong lấy mật còn luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội CCB và địa phương, được mọi người quý trọng. Riêng cá nhân CCB Hoàng Thị Lan nhiều năm qua còn đảm trách nhiệm Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 5; đồng thời, là đại biểu HĐND xã Minh Quán.

Ông Trần Mạnh Hải - Chủ tịch Hội CCB xã Minh Quán chia sẻ: "Các CCB trong HTX Nuôi ong lấy mật không chỉ là hội viên gương mẫu trong các phong trào thi đua của Hội, mà còn là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên làm kinh tế giỏi, được hội CCB các cấp đánh giá rất cao. Các thành viên HTX luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác có nhu cầu nuôi ong lấy mật, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của người lính Cụ Hồ trong thời bình để các hội viên khác và nhân dân học tập, noi theo”.

Vũ Đồng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/344779/mat-111ng-ocop-cua-cuu-chien-binh-minh-quan.aspx