Petrovietnam - Trung tâm của dòng chảy chuyển dịch năng lượng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang đứng trước bước ngoặt chuyển mình đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, xác định nguồn lực bắt nguồn từ thay đổi tầm nhìn, đáp ứng xu hướng dịch chuyển năng lượng toàn cầu.
Tại Kết luận số 76-KL/TW, Bộ Chính trị đề ra chủ trương phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế. Chủ trương này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yêu cầu mới về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế. Tại chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi của Petrovietnam đầu tháng 12-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cho Petrovietnam tăng tốc, bứt phá hình thành trung tâm năng lượng tầm cỡ thế giới.
Chia sẻ về trọng trách này của Petrovietnam, PV đã có những trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài kinh tế Việt Nam.
+ Trước những yêu cầu mới của thời đại về chuyển dịch năng lượng, ông đánh giá thế nào về vai trò của các tập đoàn trong ngành năng lượng của Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đối với sự phát triển của một ngành, lĩnh vực cũng như một tập đoàn kinh tế, đặc biệt là tập đoàn kinh tế của quốc gia thì vị thế và tầm nhìn luôn luôn quan trọng nhất. Bởi điều đó sẽ quyết định tương lai và xu thế phát triển. Chính vì thế, tôi cho rằng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, lấy vị thế làm xuất phát điểm, Petrovietnam đã và sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Tại sao như vậy? Thứ nhất, khác với nhiều tập đoàn kinh tế của Việt Nam vốn được hình thành từ các nhu cầu nội tại trong nước, Petrovietnam được thành lập bởi các đòi hỏi của hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại. Do đó, vị thế của Petrovietnam, xét cả về năng lực và tâm thế hành động, ngay từ đầu đã ở tầm quốc tế và bắt buộc phải là như vậy.
Thứ hai, trong các xu thế toàn cầu hiện nay, thế giới có thể từ bỏ nhanh chóng nguồn năng lượng than nhưng đối với dầu khí không thể làm như vậy, mà cần lộ trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, sạch hay tái tạo. Trong quá trình đó, một cách tự nhiên, Petrovietnam đứng ở vị trí trung tâm của dòng chảy chuyển dịch năng lượng, trở thành trụ cột về năng lượng xét cả từ thách thức và cơ hội cho nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam có chuyển đổi để vươn mình được hay không sẽ phụ thuộc chính vào nguồn cung và tiêu thụ năng lượng, trong đó theo quan điểm của tôi, Petrovietnam là người chiến sĩ đi đầu.
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi không phải là người của Petrovietnam để nói điều gì là đúng hay phù hợp nhưng có thể nêu lên những kỳ vọng của người dân đối với một tập đoàn năng lượng quốc gia.
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí, tôi cho rằng Petrovietnam đã có nỗ lực lớn, đạt nhiều thành tựu ngoạn mục trong cả ba công đoạn thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Tuy nhiên, đó vẫn dừng ở câu chuyện dầu khí mà chưa phải là chuyển dịch và nâng cấp lên lĩnh vực năng lượng nói chung. Có nghĩa là Petrovietnam cần thay đổi mô hình và phấn đấu trở thành tập đoàn năng lượng quốc gia.
Thay vì tập trung vào các hoạt động sản xuất về dầu khí, Petrovietnam có thể phát triển các dự án tạo nguồn cung về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đa dạng hóa kinh doanh như mở rộng sang các hoạt động dịch vụ, đặc biệt cung cấp các giải pháp năng lượng, kết hợp đổi mới sáng tạo trong cung ứng và tiêu thụ năng lượng.
Nếu đi theo con đường và định hướng này, tôi tin rằng Petrovietnam sẽ không chỉ hướng đến các mục tiêu về doanh số, lợi nhuận như một doanh nghiệp mà hơn thế, có thể trở thành một thực thể và lực lượng có sức ảnh hưởng kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, tiến tới mục tiêu Net Zero năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ.
Để thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, nếu trang bị, phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp, Petrovietnam còn có thể trở thành một “Think tank” (tổ chức nghiên cứu) về năng lượng của đất nước.
Trong lĩnh vực năng lượng, đã có nhiều doanh nghiệp ban đầu đi lên từ quy mô quốc gia nhưng sau đó đã trở thành các tập đoàn toàn cầu, mang tầm nhìn và sứ mạng toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng với độ mở tới 200% GDP, tôi tin rằng để phục vụ cao nhất cho lợi ích của nền kinh tế, Petrovietnam cũng cần định hướng như vậy.
Ngoài ra, qua quan sát Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhiều năm, tôi thấy vai trò ngày càng lớn của các tập đoàn kinh tế hàng đầu trong việc khởi nguồn, định hướng và dẫn dắt về chính sách cho Chính phủ. Những tập đoàn kinh tế như Petrovietnam hoàn toàn có thể đóng một vai trò như vậy trong tương lai.
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về thế mạnh, Việt Nam là một nước giàu tài nguyên cả về dầu khí, năng lượng và Petrovietnam đã tận dụng tốt những ưu thế này. Ở vị thế một doanh nghiệp nhà nước trọng điểm được giao nhiệm vụ chính trị về bảo đảm an ninh năng lượng cho một thị trường lớn với hơn 100 triệu dân, Petrovietnam đã luôn có sẵn các ưu thế tiềm tàng.
Tuy nhiên, với thời gian, các điều kiện thuận lợi tự nhiên sẽ dần dần mất đi trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Do đó, cho dù bất đối xứng khi so sánh với các tập đoàn dầu khí đa quốc gia có tên tuổi, tôi vẫn cho rằng thế mạnh lớn nhất của Petrovietnam chính ở lực lượng con người.
Về thách thức, nếu đề cao lợi thế sức mạnh con người thì các trở ngại sẽ đến từ không gian mà con người có thể hành động. Không gian ấy bao gồm hai phạm trù bên ngoài và bên trong.
Bên ngoài là môi trường thể chế, là khung pháp luật và các cơ chế, chính sách. Liệu rằng đã đủ thuận lợi và bảo đảm cho lực lượng con người của Petrovietnam nói riêng, các doanh nghiệp nhà nước nói chung, rộng hơn là cộng đồng doanh nghiệp Việt, có khả năng triển khai, phát huy các quyền chủ động và năng lực sáng tạo của mình hay không?
+ Với tư duy toàn cầu như đề cập, ông đánh giá thế nào về quá trình hội nhập quốc tế của Petrovietnam thời gian qua? Để có thể ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn nữa trên bản đồ năng lượng thế giới trong bối cảnh mới, Petrovietnam cần xác định phương hướng cho tiến trình này ra sao, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Petrovietnam được sinh ra với hợp tác quốc tế ngay từ ban đầu, nên các thành tựu có được của quá trình này đã được chứng minh qua thực tiễn, với các ví dụ điển hình như Liên doanh Vietsovpetro về khai thác, Liên doanh Nghi Sơn về lọc dầu hay các mỏ đang khai thác ở nước ngoài...
Trong khía cạnh này, tôi ấn tượng về mô hình phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas), cũng được thành lập gần như cùng thời trong khu vực. Từ một công ty dầu khí quốc gia, Petronas đã vươn lên thành tập đoàn năng lượng toàn cầu mang quốc tịch Malaysia.
Tinh thần và năng lực cạnh tranh toát lên từ Petronas, theo tôi không hẳn là quy mô về tài chính, mạng lưới tổ chức hay số lượng nhân sự mà quan trọng là năng lực sáng tạo trong cung cấp các giải pháp năng lượng ở cấp độ toàn cầu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tôi tin rằng hướng đi và con đường của Petrovietnam hay bất cứ doanh nghiệp dầu khí nào ở thời điểm này cũng như vậy. Vấn đề không còn là kiểm đếm quyền sở hữu các mỏ dầu hay các dự án đầu tư khai thác trên thế giới, mà đích đến sẽ là giải pháp năng lượng xanh, sạch, bền vững đi kèm xây dựng, vận hành thành công hệ thống cung ứng các dịch vụ liên quan cho xã hội và nền kinh tế.