Mật ong Việt Nam lo gặp khó tại thị trường Mỹ bởi 'rào cản' phòng vệ thương mại
Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lo ngại mật ong Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, bởi mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị với mặt hàng này lên tới 207%.
Trước đó, trong thông báo từ DOC về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và 4 nước khác từ Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux, mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị áp cho mật ong của Việt Nam lên tới 207%, cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước xuất khẩu khác vào Mỹ như Brazil (114%), Ấn Độ (34-99%), Ukraine (11-95%) và Argentina (17-23%).
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - cho biết, trong những năm gần đây Mỹ có kim ngạch nhập khẩu mật ong tự nhiên trung bình khoảng 450 triệu USD/năm. Các nước xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ là Brazil, Argentina, Ấn Độ, Việt Nam, Canada, Ucraina. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam sau khi giảm liên tục trong hai năm 2018 và 2019 đã tăng 27,7% trong năm 2020, đạt mức 60,4 triệu USD. Do có tốc độ tăng trưởng lớn, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã lên đến 14,5%, mức cao nhất trong vòng 4 năm gần đây.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh và thị phần đáng kể, theo Cục Phòng vệ thương mại, mật ong tự nhiên của Việt Nam có khả năng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc bị điều tra lẩn tránh thuế cùng với một số nước xuất khẩu khác. Nếu bị áp kiện chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ không chỉ gặp khó khăn ở thị trường Mỹ mà còn có những ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người nông dân nuôi trồng mật ong. Đặc biệt, các DN xuất khẩu sẽ gặp thách thức lớn bởi nguồn lực hạn chế khi tham gia các vụ điều tra của Mỹ.
Ngay sau khi nhận thông báo từ DOC, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và DN sản xuất/xuất khẩu mật ong nên trả lời bảng câu hỏi của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ. Cục sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các DN trả lời theo đúng quy định để trả lời đầy đủ và nộp bảng trả lời câu theo đúng định dạng và thời hạn. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra phía Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất.
Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh trên thị trường mật ong thế giới rất căng thẳng, khốc liệt. Nhiều thị trường gia tăng các hàng rào kỹ thuật để cản trở mật ong Việt Nam xuất khẩu vào nước họ. Từ khi có thông tin vụ việc, theo đại diện Hội Nuôi ong Việt Nam, thị trường mật ong Mỹ gần như tạm ngưng nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, chỉ có các DN đã có hợp đồng trước đó thì vẫn tiếp tục xuất khẩu, còn hợp đồng mới hầu như không ký được nữa. Theo đó, sẽ rất khó khăn cho mật ong Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm mật ong của Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu chế biến của DN Mỹ nên các nhà nhập khẩu rất thích. Giá của mật ong Việt Nam cũng cạnh tranh nhờ nghề nuôi ong có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi. Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam cũng cho rằng, lợi thế của mật ong Việt Nam hiện nay là các nhà đóng gói, nhà nhập khẩu Mỹ rất ủng hộ sản phẩm mật ong Việt Nam. Do đó, hiệp hội các DN này cũng đang đứng về phía Việt Nam, họ thậm chí gửi đơn kiện ngược lại phía Hiệp hội Nuôi ong Mỹ vì đã cho rằng Việt Nam bán phá giá mật ong. Tuy nhiên, điều bất lợi là hiện nay là phía Mỹ lấy giá mật ong Ấn Độ để làm căn cứ xem xét việc chúng ta có bán phá giá hay không.
Trường hợp nếu phải chịu mức thuế lên tới 207%, nhiều ý kiến cho rằng, mật ong Việt Nam sẽ gặp bất lợi để vào thị trường Mỹ, vì không thể cạnh tranh với mật ong từ các nước khác. Mặc dù là ngành kinh tế nhỏ nhưng theo đánh giá, tác động của vụ việc đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ lớn, nhất là đối với lực lượng người nuôi ong, phần lớn là nông dân sống ở nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn…
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại - thông tin, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra biện pháp phòng vệ thương mại, và có thể là vụ việc điều tra phòng vệ thương mại thứ ba trên thế giới sau vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong Trung Quốc và vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mật ong Argentina năm 2001.
Cho đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mỹ hiện là thị trường đứng đầu về khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - khuyến nghị, với xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra như tự khởi xướng điều tra, thay đổi phương pháp tính toán, thay đổi quy trình điều tra để bảo hộ ở mức cao cho các ngành sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Đối với hàng hóa đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, thành viên áp dụng biện pháp có thể sẽ theo dõi xu hướng dịch chuyển sản xuất và thương mại sang các nước lân cận để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh.
Vì vậy, DN, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại.
Đối với vụ việc mật ong, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam và các DN xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra.