'Mắt rỗng': Cuộc trùng phùng giữa ngòi bút và cọ vẽ đậm tính hiện thực của Đỗ Phấn
Trong cuốn 'Mắt rỗng' mới nhất của mình, họa sĩ – tác giả Đỗ Phấn tiếp tục soi chiếu một Hà Nội đổi thay dưới con mắt của những thị dân Hà thành đặc biệt. Họ đặc biệt không chỉ đã sinh ra và lớn lên tại đây, mà còn là người chứng kiến những sự thay da đổi thịt, những người muốn dừng hiện đại hóa lại nhưng rồi bất lực vì chính bản thân cũng đang tha hóa.
Cuốn sách xoay quanh nhân vật chính là họa sĩ Thế Hoàng – một người cô độc và có cuộc sống gần như vất vưởng, cứ thế để ngày trôi qua. Trong những lần chén chú chén anh với những người bạn cùng học trường mỹ thuật, anh đã gặp Thu – nàng thơ “xác thịt” góp phần khơi lại cảm hứng sau khoảng thời gian không thể tìm thấy.
Nhưng hạnh phúc thì chẳng tày gang, hố sâu ngăn cách giữa một người bình thường và một nghệ sĩ ngày càng rội và kết cục là cô rời xa anh. Nhưng người này vừa đi thì người khác dẫn bước đến, đó là nàng Diễm. Chỉ khác ở chỗ lần này là nàng thơ thật sự, người có thể chia sẻ với anh những cảm hứng nghệ thuật và đi sâu vào con người của anh. Nhưng giữa cuộc sống đang dần xô bồ và biến chất, liệu người họa sĩ có được là chính mình?
Thời hiện đại hóa
Thoạt nhìn, Mắt rỗng là cuốn tiểu thuyết không quá khó viết với riêng Đỗ Phấn – người đến với nghiệp hội họa trước cả văn chương. Cõi lòng của Hoàng cũng có thể chính là của ông, khi quan sát không gian sinh sống nói chung và sứ mệnh thiêng liêng nói riêng dần dần rẻ rúng trước vòng xoáy cơm áo gạo tiền.
Trong cuốn sách này, bối cảnh Hà Nội xuất hiện tràn khắp trong sự đổi thay, và đúng như tác giả đã từng tuyên bố: “Dù tôi có xuất bản đến bao nhiêu đầu sách đi chăng nữa thì người đọc vẫn có thể hình dung rằng, cả đời, Đỗ Phấn chỉ viết một cuốn sách duy nhất - cuốn sách về Hà Nội”. Ở đây là một Hà Nội của thời kỳ mới dần dần chuyển mình, nhưng cũng còn đó những thay đổi rất khó chấp nhận với người yêu nó, với người quý nó và đã coi nó chính là máu thịt.
Ở khía cạnh này, Mắt rỗng có thể được xem như một tiểu thuyết được mang trong mình một cuốn tản văn dung lượng nhỏ hơn, để song song cùng chiều phát triển của nhân vật, ta cũng nhìn thấy được những thay đổi của vùng đất này trong nhiều khía cạnh, từ quy hoạch, kiến trúc, ẩm thực cho đến văn hóa, lối sống, hồn cốt con người...
Nói về tác giả, nhà văn Nguyễn Việt Hà từng gọi ông là “lão cao bồi già lang thang, đi đi về về trên những đoạn phố cũ”. Trong tác phẩm này, cái thâm trầm ấy vẫn được giữ nguyên và được đặc tả một cách khác biệt, từ không gian rộng cho đến cục bộ. Điều này cũng giống với cuốn tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết ra mắt một năm trước đó của Nguyễn Việt Hà, khi cũng hiển hiện dấu ấn tản văn, và có thể nói với những người yêu Hà Nội, thì sự đổi thay là một hiện thực không thể phớt lờ.
Chẳng hạn chỉ trong một quán ăn thôi, mà có thể thấy Đỗ Phấn đã khắc họa được hiện thực đến gai người. Đó là nơi đông nhung nhúc mà một mét vuông chứa hàng chục người. Đó cũng là nơi mùi cống hòa với mùi người và mùi thức ăn khiến ta nghẹt thở…
Nhưng ở bối cảnh rộng hơn, ông cũng nhắc ta nhớ đến những sự đổi thay của các cung đường nên thơ ngày xưa, của những công trình hóa ra lổn nhổn mà cái xưa cũ đã được những người thợ cả “mang theo về với đất từ tám đời” rồi… Về mặt ẩm thực ta cũng thấy mai một đi những công thức nấu phở gia truyền, cách làm chè sen của những ngày cũ hay những bát nước chấm ốc luộc ngon lành được làm ra sao…
Để rồi ngổn ngang trên chính nền đấy là những cá thể biến chất, những người giờ đã đổi thay để một Hà Nội thanh lịch chỉ còn trong những ngày quá vãng mà nhân vật chính đã tìm thấy mình trong những giấc mơ về ngày thơ ấu hay thời thanh niên sôi nổi. Những mơ mộng ấy không phải dự đoán cho điều sắp sửa xảy ra, mà là một sự chạy trốn trước chính hiện thực quá đỗi khốc liệt.
Bìa sách Mắt rỗng. Ảnh: Minh Anh
Những suy tư hội họa
Và không chỉ những đổi khác của không gian, thời gian, trong cuốn sách này ta cũng nhìn thấy những sự biến chất của riêng hội họa. Đỗ Phấn không hề nao núng khi cho thấy hội họa ngày càng hạ cấp thành những sản-phẩm-để-bán bởi các gallery nặng tính kinh doanh thay vì tác phẩm phơi bày cá tính, con người nghệ sĩ.
Ông cũng lột tả một hệ thống bợ đỡ, bao che và đầy quan liêu từ giới phê bình, nghệ sĩ, chủ xưởng tranh… cho đến những người thẩm định, cấp phép và rồi cuối cùng là người mua chúng... Như làn khói độc luồn lách trong mọi ngóc ngách, những mánh khé làm ăn mới mẻ này... bẻ gãy phẩm chất cần có của sự sáng tạo. Qua đó cho thấy tiếng thở dài của những nghệ sĩ đang dốc hết lòng để cảnh báo cho những sự xuống cấp và phi nghệ thuật mà chính lúc này ta đang vướng vào.
Sự cảnh báo ấy cũng được thể hiện một cách độc đáo, khi Đỗ Phấn sáng tạo ra một nhân vật không đáng tin cậy. Góc nhìn của anh bị phân đôi giữa tinh thần hay con người nghệ thuật (ngôi kể “mình”) và thể xác hay con người trần trụi (ngôi kể “hắn”). Sự kình chống này đã được xây dựng rất đỗi chậm rãi khi hai ngôi kể thay nhau nắm giữ câu chuyện từ đó phản ánh lẫn nhau và phơi bày nhau.
Nửa đầu cuốn sách, “hắn” gần như chiếm giữ mạch truyện nhưng càng về sau ta lại càng thấy những người đã không thực sống, những người để cho phần “con” chiếm giữ phần “người” dù về đạo đức hay là xác thân. Điều đó có thể nhìn thấy ở những người bạn của Thế Hoàng khi họ cũng có đời sống gia đình vô cùng phức tạp dẫn đến ly dị, ngoại tình hay trong cuộc tình riêng với cô Thu, để ở đó chỉ có những giải tỏa nhanh chóng, chỉ có những dục tình thoáng qua giúp cho họ sống…
Người họa sĩ của ông dễ gợi ta nhớ đến Charles Strickland hay Paul Gauguin từ cuốn tiểu thuyết kinh điển Vầng trăng và sáu xu của William Somerset Maugham, bởi chỉ khi sống hồn nhiên như cây như cỏ với người vợ bản địa nam Thái Bình Dương ở Tahiti thì sự sáng tạo ở tầm đỉnh cao mới được phát huy, trong khi đó lúc ở nước Anh không thiếu thứ gì cùng người vợ quảng giao với giới nghệ thuật thì dẫu là danh họa vĩ đại vẫn không có tác phẩm lớn nào được cho ra đời. Qua đây có thể thấy Đỗ Phấn đã tái hiện một cách thành công “không gian sinh sống” và sự tương tác qua lại giữa nghệ thuật và người nghệ sĩ, từ đó làm nổi bật lên những sự đổi thay của thời đại này.
Không dừng ở đó, trong những suy tư vô cùng sâu sắc của bản thân mình, ông cũng chất vấn cả những nỗi niềm mang tính cá nhân. Chẳng hạn trong một phân đoạn Thế Hoàng muốn vẽ cảnh phố phường Hà Nội với cây trụ điện đứng đó sừng sững như một biểu tượng, anh bỗng cảm thấy không mấy tự tin trước thứ mình vừa làm ra, khi luôn ẩn hiện dấu ấn một Bùi Xuân Phái, người đã ghi dấu trong nền hội họa Việt Nam với những khung cảnh từ thuộc về thiên nhiên giờ đây được gắn cho bản thân mình.
Hay đứng trước bất cứ đề tài nào, anh cũng nhìn thấy những Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, những Nguyễn Sáng, những Lưu Công Nhân... đã khai thác rồi, vậy thì vị trí của mình đang ở nơi đâu? Làm sao để sáng tạo cá nhân vượt trội lên những ảnh hưởng? Đó là câu hỏi của bất cứ ai mà cuộc đời họ gắn bó chặt với hai chữ sáng tạo, và lời giải đáp thì không thể có. Và chắc có lẽ đó cũng là lí do mà tác phẩm này sở hữu đến hai cái kết, khi chính tác giả dường như cũng đang hoài nghi lời giải là sự cô độc mà mình cảm thấy.
Sau rốt, việc đặt tựa đề Mắt rỗng cũng cho ta thấy được sự cảnh báo vô cùng cấp thiết của chính tác giả. Với nghệ thuật, việc nhìn, quan sát, tiếp cận cũng như ghi nhận là rất quan trọng, nhưng khi xã hội biến đổi, con người tha hóa... thì có cố mấy ta cũng sẽ như một người mù dại nhìn mà chỉ thấy một sự trống rỗng không thể khác đi.
Đậm tính hiện thực cùng những câu hỏi đặt cho nhân sinh, với cuốn sách này, Đỗ Phấn không chỉ phơi bày những gì vẫn đang xảy ra mà còn cảnh báo con người về sự vô nghĩa đang lớn dần hơn.