Mát tay như Masan: Đưa Phúc Long vươn lên số hai về doanh thu, số một về tỷ suất lợi nhuận trong ngành chỉ sau hai năm

Masan cho biết Phúc Long sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2025.

Nhân viên Phúc Long đang pha chế đồ uống. (Ảnh: Thiên Trường).

Nhân viên Phúc Long đang pha chế đồ uống. (Ảnh: Thiên Trường).

Tháng 5/2021, lần đầu tiên Masan công bố thỏa thuận mua lại 20% cổ phần CTCP Phúc Long Heritage, đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long, với giá 15 triệu USD. Khi ấy, Phúc Long được định giá 75 triệu USD.

8 tháng sau, Masan chính thức thâu tóm Phúc Long khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% với 31% cổ phần mua thêm trị giá 110 triệu USD, tương đương mức định giá 355 triệu USD.

Đến đầu năm 2022, thông qua The SHERPA, một công ty con sở hữu gián tiếp của Masan, đã mua 10,8 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của Phúc Long Heritage với tổng số tiền thanh toán là hơn 3.600 tỷ đồng. Với giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại Phúc Long tăng lên 85%, đồng thời định giá chuỗi đồ uống cũng tăng 6 lần so với thời điểm ban đầu, cán mốc hơn 450 triệu USD.

Trước thời điểm được Masan mua lại, theo số liệu chúng tôi có được, Phúc Long đứng thứ 4 về doanh thu (779 tỷ đồng năm 2019) so với các chuỗi lớn như Highlands Coffee (2.199 tỷ đồng), Starbucks (783 tỷ đồng), The Coffee House (863 tỷ đồng) và chỉ đứng trên Trung Nguyên với doanh thu 409 tỷ đồng cùng năm.

Biên lợi nhuận của Phúc Long khi ấy cũng khá thấp, rơi quanh mức 35%, nếu so với Highlands Coffee 68% và The Coffee House khoảng 70% (năm 2019). Cùng với khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức cao, hiệu quả sinh lời theo ghi nhận của Phúc Long ở mức rất thấp. Dù đã cải thiện so với năm trước, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của Phúc Long cũng chỉ ở mức 2,6% năm 2019.

Tuy nhiên, sau hai năm về tay chủ mới, theo báo cáo tài chính hợp nhất mới được công bố từ phía Masan Group, Phúc Long đã thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B trong ngành, với vị trí số hai về doanh thu và số một về tỷ suất lợi nhuận.

Năm 2022, Phúc Long đã khai trương 44 cửa hàng flagship. Dù là năm đầu tiên mở hàng loạt cửa hàng, 44 cửa hàng flagship mới của Phúc Long đã mang lại biên lợi nhuận EBITDA cấp cửa hàng là 26% vào năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, Phúc Long có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại, Phúc Long kỳ vọng sẽ trở thành công ty số hai về số lượng cửa hàng vào quý II năm nay.

Năm 2022, Phúc Long đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA.

Bước sang năm 2023, các cửa hàng flagship đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ khi Phúc Long đạt con số kỷ lục vào quý IV/2022: mở 23 cửa hàng flagship mới và hai cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 và tổng số cửa hàng mini lên 21.

“Trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship sẽ mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới”, báo cáo từ Masan nhận xét.

Song song đó, Phúc Long cũng đã đóng các kiosk hoạt động kém hiệu quả. Việc đóng cửa các kiosk khiến Phúc Long tốn 42 tỷ đồng chi phí. Ban lãnh đạo Masan đang tiến hành đánh giá toàn diện trong quý I/2023 nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.

Năm 2023, Phúc Long dự kiến sẽ mang về mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng cho Masan, tương ứng với mức tăng từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.

Theo đánh giá từ phía Masan, một nhân tố khác giúp thúc đẩy doanh thu là Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long.

Cuối cùng, Phúc Long sẽ xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn.

Để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2025, Masan tiết lộ CEO mới của Phúc Long sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/mat-tay-nhu-masan-dua-phuc-long-vuon-len-so-hai-ve-doanh-thu-so-mot-ve-ty-suat-loi-nhuan-trong-nganh-chi-sau-hai-nam.html