'Mắt thần' ở vùng đất nóng châu Phi
7 giờ sáng ở Abyei – khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan, châu Phi, nắng đã chói chang, cái nóng đã như thiêu như đốt, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Đại úy Nguyễn Lan Anh – nữ sĩ quan Công an Việt Nam duy nhất được triển khai ở khu vực này rời phòng container trong căn cứ thuộc phái bộ UNISFA để ra địa điểm tập kết, sẵn sàng cho một ngày tuần tra hỗn hợp đường hàng không…
Ám ảnh cơn say máy bay
Đại úy Lan Anh cùng các thành viên trong tổ tuần tra phải có mặt từ sớm để hoàn thiện thủ tục check in một cách kĩ lưỡng trước khi lên máy bay. Đúng giờ, cả tổ nhanh chóng lên máy bay, thắt dây đai an toàn, đeo tai nghe chống ồn – những thiết bị bảo vệ không thể thiếu. Việc tuần tra đường không là nhiệm vụ bắt buộc mà các sĩ quan cảnh sát, quân đội phải luân phiên tham gia 2 tuần/lần.

Đại úy Nguyễn Lan Anh (đứng thứ 2) cùng các đồng nghiệp quốc tế tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei.
Là sĩ quan cảnh sát phát triển cộng đồng, thường xuyên tham gia các buổi tuần tra, những lần lên máy bay trực thăng đã thành quen, nhưng Đại úy Lan Anh vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu ngồi trực thăng với cơn say đầy ám ảnh. Chị kể: “Khi máy bay cất cánh, cảm giác bị hẫng và sốc do áp suất chênh lệch quá lớn. Sau đó là cảm giác chòng chành và xóc. Cơn say ập đến như say sóng khiến tôi chóng mặt và buồn nôn. Trong lúc nôn nao, tôi nhìn xuống, vẫn kịp thấy những căn nhà thưa thớt lúp xúp, những vùng đất bạc phếch. Mỗi lần tuần tra, cảm giác khó chịu lại bớt đi một chút. Giờ thì tôi đã thích nghi được”.
“Trong suốt thời gian tuần tra, chúng tôi không được ăn, uống, dù là một ngụm nước nhỏ. Điện thoại cá nhân cũng không được mang theo, chỉ có bộ đàm, sổ và bút để ghi chép. Không giống như máy bay thương mại, mọi thiết bị trên trực thăng được tối giản hóa, hai dãy ghế ở sát mép thành máy bay. Không có điều hòa, ghế tựa, quạt hay bất kỳ một thiết bị nào không phục vụ mục đích chiến đấu. Một chuyến bay, ngoài đội ngũ phi hành đoàn 3 người, sẽ có khoảng 10-13 sĩ quan bao gồm cảnh sát, quân đội LHQ, đại diện của quốc gia. Mỗi thành viên có nhiệm vụ riêng trong mỗi cuộc tuần tra”.
Ngày hôm đó, Đại úy Lan Anh cùng tổ tuần tra bay đến khu vực chợ đầu mối Amiet tại địa bàn căn cứ Todach. Theo nữ sĩ quan, đây là nơi tập trung đông dân cư, phức tạp về an ninh trật tự, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và hiệu quả từ các lực lượng chức năng. Đây cũng là khu vực đa tôn giáo và ngôn ngữ, gây không ít khó khăn trong quá trình thu thập thông tin và xử lý tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Đại úy Lan Anh (bìa trái) gặp gỡ người dân Abyei.
Tuần tra trên không luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao về an ninh an toàn, nhưng Đại úy Lan Anh cùng các chiến sĩ “mũ nồi xanh” luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn để đáp ứng yêu cầu cao và khẩn cấp trong công việc. Việc phải nắm chắc địa bàn, vị trí xảy ra vụ việc, các điểm nóng về an ninh trật tự, những nguy cơ có thể bùng nổ chiến tranh để báo cáo lãnh đạo phái bộ là một thách thức không nhỏ đối với sĩ quan tuần tra. Những ánh mắt luôn tập trung quan sát, nắm bắt và ghi chép lại. Với vai trò chủ đạo trong các buổi tuần tra, Đại úy Lan Anh đã phát huy khả năng thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu thực tiễn để từ đó hướng dẫn và hỗ trợ người dân.
Kết thúc buổi làm việc, các thành viên của đội tuần tra sẽ tổng hợp, báo cáo độc lập thông tin an ninh, an toàn và hỗ trợ nhân đạo tới Văn phòng cơ quan chức năng theo quy định tại Sở chỉ huy Phái bộ UNISFA. “Sau những buổi đi thực địa, tôi trở về căn cứ, lụi hụi nấu nướng và ăn cơm trưa khi đã sang chiều. Cuộc sống của sĩ quan cá nhân như chúng tôi luôn tự túc từ A đến Z”, Đại úy Lan Anh dí dỏm cho biết.
Trên mảnh đất Abyei còn nhiều bất ổn về an ninh, chính trị, các đội tuần tra hoạt động liên tục 24/7 nhằm đảm bảo an ninh, an toàn ở mức độ cao nhất cho người dân. Họ được mệnh danh là “những con mắt thần" có chức năng quan sát, giám sát mọi diễn biến, ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung đột.

Đại úy Lan Anh là nữ sĩ quan Công an Việt Nam duy nhất thực hiện nhiệm vụ ở khu vực tranh chấp Abyei.
Mải miết ở Abyei
Đã 9 tháng trôi qua kể từ khi Đại úy Lan Anh đặt chân tới Abyei. Ngoài các buổi tuần tra đường không, đi tuần tra đường bộ bằng ôtô đã trở thành nhiệm vụ hàng ngày của nữ sĩ quan này. Chị kể: “Những ngày đầu tới làng Abyei Thenny, người dân còn lạ lẫm, ngại tiếp xúc với nhóm tuần tra. Tôi phải kiên trì, khéo léo làm quen với họ, rồi giải thích chức năng và nhiệm vụ của tổ tuần tra để họ hiểu. Tôi chủ động phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh Ấn Độ tăng cường tuần tra ban đêm tại khu vực này để đảm bảo an toàn cho người dân. Từ đó, khoảng cách thu hẹp dần, người dân hiểu và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho tổ tuần tra. Mỗi khi đến thăm các trưởng làng, tôi đều kể cho họ về Việt Nam – một đất nước xinh đẹp và yêu chuộng hòa bình. Cứ thấy tôi là họ vẫy tay và reo lên “Việt Nam!”. Đó là lúc tôi cảm nhận được sự tin tưởng, quý mến dành cho sĩ quan Công an Việt Nam. Những nỗ lực của tôi và đồng đội đã không uổng phí”, Đại úy Lan Anh chia sẻ.
Ngày nào chị cũng ra thực địa, gặp gỡ người dân thu thập thông tin, nắm tình hình, diễn biến xảy ra trong vòng 24 giờ tại địa bàn. Là nữ sĩ quan duy nhất làm nhiệm vụ tại khu vực Abyei, chị rất tâm huyết với các nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, bảo vệ môi trường cho lực lượng bảo vệ cộng đồng và người dân. Đầu tháng 11/2024, dự án tuyên truyền về bảo vệ môi trường và hoạt động trồng cây xanh do chị chủ trì tại làng Rumajak được phái bộ đánh giá cao và được chọn làm chương trình điểm của phái bộ năm 2024.
Dưới cái nắng mùa khô gay gắt, gương mặt đầm đìa mồ hôi, Đại úy Lan Anh chia sẻ: “Bảo vệ môi trường không chỉ là đổ rác đúng chỗ, thu thập và phân loại rác thải mà còn bao gồm cả tái tạo môi trường sống. Chúng tôi tặng vật dụng vệ sinh môi trường, trao những cây giống ăn quả cho người dân để họ ươm lên những mầm xanh. Rồi đây, những bóng cây xanh mát xua bớt nắng nóng khắc nghiệt, chống sa mạc hóa và cho họ những chùm quả ngọt lành. Hoạt động thiết thực này sẽ góp phần hình thành cho họ thói quen canh tác mới”.

Đại úy Lan Anh tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, bảo vệ môi trường cho người dân châu Phi.
Chín tháng ở Abyei, Đại úy Lan Anh sút cân nhanh chóng, da sạm màu nắng, nhưng tinh thần luôn lạc quan. Điều chúng tôi ấn tượng về Đại úy Lan Anh, là bất cứ lúc nào liên lạc với chị, ở đầu dây bên kia cũng là tiếng cười và giọng nói sôi nổi. “Nhiệm kỳ của mỗi sĩ quan Công an ở đây ngắn lắm, ngày nào cũng mải miết làm nhiệm vụ, thời gian trôi vèo vèo. Mà những việc tôi muốn làm cho vùng đất này thì còn nhiều lắm”, chị nói một cách đầy tiếc nuối.
Ở phái bộ, có lúc chị hăng hái tham gia biểu diễn văn nghệ, tiếng hát đầy lạc quan và tin tưởng. Tết ở nơi xa Tổ quốc, chị tỉ mỉ trang trí phòng ở, bày biện một góc tết nhỏ xinh và ấm áp, như là cách chị thắp nên hy vọng cho vùng đất xa xôi ấy. Ở nơi khắc nghiệt về mọi mặt, xa đồng đội, không thể đong đếm được những hy sinh thầm lặng, nỗ lực bám địa bàn của nữ sĩ quan Công an Việt Nam. Kiên cường và rắn rỏi, Đại úy Lan Anh vẫn ngày đêm gieo những mầm xanh hòa bình ở vùng đất nóng Abyei.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/mat-than-o-vung-dat-nong-chau-phi-i766665/