Mất tiền thật vì chơi tiền ảo
Việc kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, chưa biết làm gì để có thu nhập trang trải cuộc sống, nghe một số người bạn bàn tán về tiền ảo, chị N.T.T.P (36 tuổi) ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chuyển sang tìm hiểu lĩnh vực này. Sau một thời gian nghiền ngẫm, chị quyết định tham gia chơi tiền ảo trên trang XM.com.
Lúc đầu, chị đóng 15.000 USD để bắt đầu chơi, một ngày sau số tiền tăng lên tới 32.369 USD, lãi được 17.369 USD so với vốn bỏ ra ban đầu. Vui mừng vì chỉ trong thời gian ngắn đã lãi số tiền lớn, chị chuyển số tiền lãi này từ tài khoản ảo vào tài khoản ngân hàng để rút tiền thật thì tài khoản trên mạng bị khóa và xóa luôn. Khi chị liên hệ qua email của trang mạng trên, được trả lời là người chơi đã vi phạm quy định, nhưng không nói vi phạm gì. Như vậy, số tiền chơi cả gốc lẫn lãi đã “không cánh mà bay”.
Được biết, trang XM.com giao dịch forex, giao dịch tiền điện tử, giao dịch hàng hóa và giao dịch cổ phiếu, kim loại và năng lượng. Trên trang web có cảnh báo rủi ro: “Giao dịch forex và CFD có độ rủi ro cao đối với vốn đầu tư của bạn.
Các sản phẩm có đòn bẩy có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Hãy xem kỹ thông báo rủi ro của chúng tôi”. Trên trang này cho mở tài khoản Demo (chơi thử) được tặng 100.000 USD số dư ảo. Còn khi mở tài khoản thật để chơi forex, CFD tiền điện tử, hàng hóa và chứng khoán sẽ được thưởng 30 USD trong tài khoản mà không cần nạp tiền trước.
Chị P. cũng như các bị hại khác khi chơi thử đều thắng, thấy lãi với số tiền nhiều mà khi chơi thật cũng được tặng tiền, tất nhiên là tiền ảo trong tài khoản ảo nên làm cho nhiều người dễ quên. Khi chơi thật chưa phải nộp tiền mà đã lãi nên hầu hết đóng tiền tiếp tục chơi để rút số lãi, cái kết là mất nhiều tiền.
Anh T.P.N ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cũng là một trong những nạn nhân của forex DK Trade kể, khi tham gia trò chơi này rất mệt mỏi chứ không như suy nghĩ là nộp tiền vào rồi chờ lãi. Khi chơi, người tư vấn liên tục hối người chơi phải chốt những “con” (mã chứng khoán) đang lãi, rồi nộp tiền vào… không còn thời gian để làm những việc khác.
Thậm chí tư vấn viên gọi điện, nhắn tin chốt lệnh rồi mua liên tục, đang chạy xe ngoài đường cũng phải dừng lại để chốt lệnh. Mắt thì lúc nào cũng dán vào màn hình điện thoại, đầu óc căng thẳng, vợ con cứ tưởng chồng dạo này mê game. Ban đầu họ nói đặt ít tiền mua những mã đang có xu hướng tăng giá, sau tăng dần số tiền, nếu không chốt và không đóng thêm tiền, tư vấn viên nói rằng sẽ cháy tài khoản mất hết tiền gốc và lãi.
Nếu mình yêu cầu rút số tiền lãi thì họ bảo phải đóng thêm tiền để đủ định mức trong tài khoản gốc mới rút được tiền về. Khi chuyển được tiền thì họ lại nói do đóng chậm nên các mã chứng khoán đang giảm xuống nên phải trừ tiền trong tài khoản ảo…
“Đến lúc chán không muốn chơi để rút tiền thì không tài nào rút được với các lý do mà họ đưa ra”, anh P. bức xúc cho hay. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, thời gian đầu, các sàn giao dịch đều cho nhà đầu tư hưởng lãi, rút tiền đúng như hứa hẹn để làm tăng độ tin tưởng, lôi kéo người mới vào tham gia. Nhưng khi họ gom đủ tiền, đủ số lượng người gia nhập rồi thì sẽ làm một “mẻ lưới” lớn hốt trọn, đánh sập sàn và cuỗm tiền bỏ trốn hoặc khóa tài khoản. Đây là một chiêu thức "bình cũ, rượu cũ" mà nhiều sàn áp dụng nhưng người chơi vẫn luôn sập bẫy.
Hai nguyên nhân chính khiến các sàn giao dịch tiền ảo, forex nở rộ, phát triển là đến từ lòng tham và sự mù quáng của người chơi. Các đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu khuếch đại lợi nhuận để đánh vào lòng tham của con người.
Khi lòng tham quá lớn sẽ làm mất đi lý trí và sự tỉnh táo vốn có để đưa ra quyết định. Từ đó, người chơi sẽ rơi vào một trò chơi mà các đối tượng có chủ đích lập trình sẵn và đến một ngưỡng nào đó, họ sẽ chính thức lật bài, đánh sập sàn, ôm tiền và bỏ chạy hoặc khóa, xóa tài khoản.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo bằng cách kêu gọi người chơi bỏ tiền tham gia đầu tư, mua - bán, giao dịch các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa trên các sàn giao dịch như trang XM, sàn đầu tư ngoại hối, forex… không phải là một hình thức lừa đảo mới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận, trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Tại Việt Nam, chưa có văn bản pháp quy nào quy định về việc thanh toán thông qua hình thức tiền ảo. Điều này có nghĩa là Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì đây là giao dịch vô hiệu.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/mat-tien-that-vi-choi-tien-ao-i686116/