Mất tiền vì chiêu trò 'việc nhẹ - lương cao'
Giả danh các công ty có danh tiếng, rao tuyển công việc đơn giản, lương cao trên mạng xã hội, đã có nhiều người dính bẫy chiêu trò trên.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, chị NTL ở quận 7, TP.HCM thông tin về việc chị bị lừa đảo mất hơn 50 triệu đồng vì tin vào chiêu trò tuyển người “lắp ráp bút bi tại nhà” trên mạng xã hội.
Không chỉ có chị NTL mà một số người dùng mạng xã hội có nhu cầu tìm việc làm tại nhà cũng bị lừa đảo bởi chiêu trò trên.
Dính bẫy vì mê phí hoa hồng
Chị NTL cho biết thời gian qua, do đang nghỉ thai sản và cũng cần việc làm tại nhà nên chị lên mạng tìm công việc phù hợp. Trên mạng xã hội, chị thấy trang Facebook có tên Công ty Bút bi Thiên Long 88 rao tuyển: “Tuyển người lắp ráp bút bi tại nhà, thu nhập bình quân 300.000-500.000 đồng/ngày, làm xong được nhận tiền công ngay, việc nhẹ - lương cao, phù hợp cho người nhàn rỗi muốn kiếm thêm thu nhập”.
Do thấy tên công ty tuyển dụng là bút bi Thiên Long quen thuộc nên chị đăng ký ngay mà không suy nghĩ gì nhiều.
Sau khi đăng ký, chị L được hướng dẫn tạo tài khoản Telegram và kết bạn với một người xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng. Người này yêu cầu chị thực hiện tám nhiệm vụ, sau khi hoàn thành sẽ được xuất linh kiện bút bi về nhà gia công.
Trong bốn nhiệm vụ đầu, chị L phải xem hết các video được chỉ định trên YouTube, chụp ảnh chứng minh và gửi về cho người này, mỗi nhiệm vụ hoàn thành chị được trả công 10.000-20.000
đồng/video. Đến nhiệm vụ thứ năm, chị L được điều chuyển vào một nhóm chat trên Telegram có tên “Nhóm phúc lợi xã hội Thiên Long” có năm thành viên, gồm người đứng đầu tên Thu Thảo và ba cộng tác viên như chị.
Tham gia vào nhóm này, người tên Thu Thảo thông báo chị L và các cộng tác viên được tặng suất làm việc đặc biệt. Khi nạp tiền vào tài khoản của công ty sẽ được hoàn lại tiền vốn và phí hoa hồng sau khi làm xong nhiệm vụ. Thấy những nhiệm vụ lần trước đều được nhận tiền công, giờ còn được tiền hoa hồng nên chị L đồng ý ngay.
“Ban đầu tôi đóng 300.000 đồng, sau đó họ trả về 390.000 đồng, sang đến nhiệm vụ tiếp theo tôi đóng 800.000 đồng nhưng không được hoàn lại. Thấy người khác trong nhóm vẫn chuyển và nhận tiền đều đặn, tôi nghĩ chắc do bị lỗi kỹ thuật” - chị L kể lại.
Chị L cho biết đến khi nạp 10 triệu đồng để được làm nhiệm vụ đặc biệt thì chị bắt đầu hoang mang vì số tiền lúc này đã quá lớn với chị. Lúc này thì người tên Thu Thảo yêu cầu chị nạp thêm 30 triệu đồng vào tài khoản, sau đó công ty sẽ cho phép chị rút lại tất cả số tiền trước đó cùng tiền lãi. Cùng lúc đó, các thành viên trong nhóm đưa ra hóa đơn chuyển khoản ngân hàng với số tiền 30 triệu đồng và tin nhắn xác nhận đã nhận tiền hoa hồng.
“Không còn tiền chuyển cho công ty, tôi phải đi cầm cố chiếc xe máy và vay tín dụng đen 30 triệu đồng để chuyển cho họ. Vừa đóng xong 30 triệu đồng, họ lại yêu cầu tôi đóng tiếp 70 triệu đồng và cam đoan sẽ hoàn lại cả gốc và hoa hồng là 145 triệu đồng. Do nghi ngờ, tôi yêu cầu họ chuyển trả hết tiền đã đóng thì không liên lạc được. Đến lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa mất tiền” - chị L kể.
Tương tự, chị NTDQ và một số người quen ở tỉnh Lâm Đồng cho biết do có nhu cầu cần việc làm tại nhà, chị và một số người quen cũng đã dính bẫy với chiêu trò lắp bút bi Thiên Long tại nhà.
Đây là hành vi lừa đảo
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Trung Chánh, Trưởng phòng Pháp chế Tập đoàn Thiên Long, cho biết thời gian gần đây, tập đoàn nhận được phản ánh từ người dân về tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng tên tuổi công ty để thực hiện hành vi tuyển dụng giả mạo.
Theo ông Chánh, tập đoàn ghi nhận một số trường hợp người tìm kiếm việc làm bị các đối tượng giả mạo lừa đảo. Đáng chú ý có trường hợp đã đến trực tiếp tại văn phòng Thiên Long phản ánh đã bị lừa tiền với số tiền lên đến 185 triệu đồng.
“Hiện tại Thiên Long không có chính sách tuyển dụng hay hợp tác với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào liên quan đến việc lắp ráp bút bi tại nhà. Đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động. Chúng tôi khuyến cáo quý khách hàng và người lao động không nên tin vào những thông tin này và không gửi tiền cho bất kỳ ai” - ông Chánh nói.
Trong các thông báo gần đây, Tập đoàn Thiên Long cũng đưa ra các lưu ý. Cụ thể là các đối tượng xấu thường giả mạo là nhân viên của tập đoàn, cam kết gửi hàng gia công và không thu phí vận chuyển, yêu cầu người tham gia việc làm tương tác qua nhiều cấp độ.
Qua đến cấp độ tiếp theo, các đối tượng yêu cầu chuyển khoản với lời hứa hẹn nhận hoa hồng cao hơn. Khi số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngắt tương tác hoặc yêu cầu nạp thêm tiền để bổ sung nếu không sẽ mất toàn bộ số tiền trước đó.•
Lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây tăng đột biến
Theo chuyên gia an toàn không gian mạng Ngô Minh Hiếu (Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT), lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây tăng đột biến về số lượng. Cụ thể trong sáu tháng đầu năm nay, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với sáu tháng cuối năm 2022. Không những thế, các hình thức, chiêu trò lừa đảo ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi.
Các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý mong muốn tìm việc làm nhanh, người dùng không nhận diện được hành vi lừa đảo sẽ rơi vào bẫy được dàn dựng rất chuyên nghiệp.
Theo ông Hiếu, mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện đang có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp hay những người có nhu cầu kiếm việc làm online.
Kẻ xấu thường dùng ứng dụng Telegram để liên lạc với các nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo vì tính bảo mật, dễ dùng và ẩn danh tốt của Telegram. Chưa kể các đối tượng đa phần dùng Cloud (đám mây điện toán) ở nước ngoài để làm hạ tầng lừa đảo. Nguyên nhân nữa là nguồn thông tin của người dân dễ dàng có thể mua hoặc tìm thấy nên hoạt động lừa đảo một ai đó là điều không khó.
Nguồn PLO: https://plo.vn/mat-tien-vi-chieu-tro-viec-nhe-luong-cao-post741859.html