Mặt tối của cơn sốt game nhập vai kinh dị tại Trung Quốc

Sự phát triển mạnh đầy cạnh tranh của ngành công nghiệp game nhập vai làm nảy sinh nạn ăn cắp bản quyền, theo New York Times.

Tại các thành phố khắp Trung Quốc, người trẻ đổ xô tới những câu lạc bộ để chơi game nhập vai. Họ vào vai các nhân vật và dành hàng giờ giải quyết những vụ án giả.

Trò giải trí rùng rợn này ước tính tạo ra doanh thu hơn 2 tỷ USD trong năm 2021. Sự phổ biến của trò chơi khiến giới chức Trung Quốc lo ngại bởi nội dung máu me, kinh dị. Các câu lạc bộ cũng cạnh tranh gay gắt để sở hữu kịch bản hấp dẫn người chơi, New York Times đưa tin.

"Kịch bản là nền tảng cho mọi thứ trong trò chơi này. Bởi vậy, nhu cầu tìm kiếm kịch bản chất lượng là rất lớn", Zhang Yi (28 tuổi, sống tại Thượng Hải, Trung Quốc), người đã tham gia chơi 90 lần trong vòng hơn một năm, cho hay.

 Người chơi chuẩn bị tham gia game nhập vai giết người ở một studio tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Người chơi chuẩn bị tham gia game nhập vai giết người ở một studio tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Thú tiêu khiển phổ biến

Game nhập vai giết người, còn được gọi là jubensha trong tiếng Trung, yêu cầu người chơi tập hợp để cùng thảo luận một vụ án giả. Mỗi người chơi được chỉ định đóng vai một nhân vật trong kịch bản, bao gồm cả kẻ sát nhân. Họ phải chất vấn quản trò và những người chơi khác để tìm ra thủ phạm.

Trò chơi này có thể mang đến tràng cười sảng khoái, sự căng thẳng và cả những giọt nước mắt. Poker Zhang, chủ công ty viết kịch bản ở thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), cho biết: “Rất nhiều người đã bật khóc khi chơi".

Trò chơi nhập vai tạo cơ hội cho giới trẻ gặp gỡ, một điều khá hiếm ở Trung Quốc, theo Kecheng Fang, phó giáo sư Trường Báo chí và Truyền thông tại Đại học Trung Quốc Hong Kong.

Trò chơi cung cấp "trải nghiệm có tính tương tác và cách thức giao tiếp xã hội, điều còn thiếu trong cuộc sống của người trẻ Trung Quốc”, tiến sĩ Fang nói.

Đối với Zhang, người chơi ở Thượng Hải, trò chơi trở thành phương thức chính để cô gặp gỡ người khác.

“Tôi thường dành cả cuối tuần với những người chơi ở đây. Nó đã thay thế rất nhiều hoạt động khác trong cuộc sống của tôi", cô nói.

 Trò chơi nhập vai giết người tạo cơ hội giao lưu cho người trẻ.

Trò chơi nhập vai giết người tạo cơ hội giao lưu cho người trẻ.

Trong một thời gian ngắn, đại dịch đã đe dọa ngành công nghiệp này. Nhưng khi hạn chế đi lại khiến nhiều người trẻ mắc kẹt ở quê và phải tìm thú tiêu khiển, trò chơi nhập vai giết người đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Tôi đã không thể rời Bắc Kinh trong hai tháng. Vì buồn chán, tôi tìm đến trò chơi này”, Gong Jin (20 tuổi), sinh viên ngành thú y, cho biết.

Sự phổ biến của jubensha khiến các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã chỉ trích những trò chơi vì bóp méo thực tế và cho rằng chúng "gây rối" cho người trẻ.

Trong một bài đăng trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho biết kịch bản cần thể hiện “định hướng giá trị đúng đắn” và lan tỏa “năng lượng tích cực”.

Cảnh sát đã trà trộn vào 4 câu lạc bộ ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) và tịch thu 16 kịch bản vì "xuất bản bất hợp pháp" và chứa các yếu tố "đẫm máu, ghê rợn".

Các kịch bản tương tự trò chơi điện tử, TV và phim, “do đó phải chịu sự kiểm duyệt nội dung”, giáo sư Fang nói. "Đặc biệt, vì chính phủ muốn đặt ra tiêu chuẩn đạo đức cao, họ chú ý tới yếu tố 'đẫm máu và ghê rợn' của trò chơi".

 Nhân viên tại câu lạc bộ trợ giúp người chơi tham gia nhập vai.

Nhân viên tại câu lạc bộ trợ giúp người chơi tham gia nhập vai.

Cuộc cạnh tranh kịch bản

Trò chơi nhập vai đã được yêu thích tại Trung Quốc trong nhiều năm. Khoảng 2015, nó được đưa vào chương trình truyền hình thực tế với sự tham gia của những người nổi tiếng. Khán giả cũng muốn được chơi, vì vậy, các câu lạc bộ mở cửa, bắt đầu một trào lưu mới.

Năm 2020, số lượng doanh nghiệp tổ chức trò chơi nhập vai giết người tại Trung Quốc đạt tổng cộng khoảng 6.500, tăng hơn 60% so với 2019.

Trong thị trường cạnh tranh, các câu lạc bộ hơn thua nhau ở chất lượng kịch bản. Bai Lu, chủ câu lạc bộ ở Bắc Kinh, cho biết: "Đầu tư vào đạo cụ và các tính năng không nhiều bằng đầu tư vào kịch bản".

Chủ câu lạc bộ mua kịch bản từ nhiều nơi khác nhau, từ triển lãm trong ngành đến các trang mua sắm trực tuyến. Một số kịch bản có thể dài tới 40 trang.

 Điểm cạnh tranh giữa các câu lạc bộ tổ chức trò chơi trên là kịch bản.

Điểm cạnh tranh giữa các câu lạc bộ tổ chức trò chơi trên là kịch bản.

Wang Yihan (28 tuổi), người sở hữu 4 câu lạc bộ tổ chức game nhập vai giết người ở Thượng Hải, cho biết giá một kịch bản thường là 80 USD. Phiên bản giới hạn, bán cho một vài câu lạc bộ trong thành phố, có giá khoảng 300 USD.

Giá của kịch bản độc quyền, dành riêng cho một câu lạc bộ, lên đến 900 USD.

“Những kịch bản tuyệt vời cực kỳ hiếm", cô nói

Khi làm quản trò, cô Wang nhận được một kịch bản phổ biến và thay đổi nó cho hấp dẫn hơn. "Tôi không ngừng suy nghĩ về cách khơi gợi cảm xúc của người chơi", cô chia sẻ.

Nhờ sự sáng tạo, cô đã thu về 31.000 USD từ kịch bản trên. Nó trở thành một trong những kịch bản bán chạy nhất của câu lạc bộ.

Wang và nhiều người khác cho biết việc săn đuổi các kịch bản hấp dẫn có thể dẫn đến phạm pháp. “Các kịch bản liên tục bị sao chép, vi phạm bản quyền và bán lại với giá rẻ trên mạng. Đó là vấn đề lớn nhất mà chủ câu lạc bộ phải đối mặt", cô nói.

Trên một trang bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc, người dùng có thể mua một gói gồm 3.000 kịch bản với giá khoảng 2 USD.

Bởi tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, các chủ câu lạc bộ vui mừng trước sự chú ý của giới chức Trung Quốc dành cho doanh nghiệp.

Wang và những người khác đang yêu cầu các cơ quan quản lý của chính phủ vào cuộc để làm trong sạch ngành công nghiệp này, ngăn chặn hành vi hối lộ giữa các nhà phân phối kịch bản và bảo vệ tài liệu không bị đánh cắp.

“Việc sáng tạo vốn rất khó khăn và vấn đề vi phạm bản quyền đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp này", Zhang cho hay.

Mai Hoàng

Ảnh: AFP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-toi-cua-con-sot-game-nhap-vai-kinh-di-tai-trung-quoc-post1272539.html