Mặt trái của Phú Yên
Du lịch Phú Yên đang phát triển trong những năm gần đây nhưng chưa thực sự đột phá. Với tiềm năng của mình, Phú Yên cần có những câu chuyện mới hơn 'hoa vàng cỏ xanh'.
"Các điểm du lịch ở Phú Yên hoang sơ, không có nhiều dấu ấn của con người. Đồ ăn ngon, giá lại rẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy Phú Yên chưa đủ sôi động, hấp dẫn như Đà Nẵng, Phú Quốc, thậm chí là Quy Nhơn. Tiềm năng ở đây rất nhiều nhưng người ta vẫn chỉ nhắc mãi về hoa vàng cỏ xanh", Hoàng Anh, du khách ở TP.HCM, chia sẻ sau chuyến đi đầu năm.
Đó không phải người duy nhất nghĩ như vậy về Phú Yên. Bất chấp việc sức hút của Phú Yên đang tăng lên trong những năm gần đây, đa số người làm du lịch nhận định như vậy là chưa đủ.
"Người hàng xóm" Quy Nhơn
L.A., người điều hành tour ở Phú Yên, nhận xét một số du khách vẫn còn tưởng Phú Yên và Quy Nhơn là một. Lượng khách tới Phú Yên của công ty cũng khá cao nhưng đa số đều kết hợp đi cùng Quy Nhơn. Họ dành nhiều thời gian hơn ở Quy Nhơn thay vì Phú Yên.
Số liệu tại Vietravel cũng chỉ ra câu chuyện tương tự. Tính trong hè năm nay, số lượng khách đặt tour liên tuyến Quy Nhơn - Phú Yên chiếm 10% tổng lượng khách đặt tour hè.
"Theo ghi nhận của chúng tôi, Phú Yên thu hút lượng khách nhất định vì nằm cạnh Quy Nhơn. Quy Nhơn có nhiều điểm tham quan được đầu tư, hoàn thiện từ chất lượng đến dịch vụ. Do đó, khách thường đi cả hai thay vì chỉ tới Phú Yên", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel, trả lời Zing.
Đại diện công ty này nói thêm tiềm năng của Phú Yên chưa được khai thác hết. Các điểm du lịch vẫn thiếu sự đầu tư. Trong khi đó, hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp nhất định.
Tuy nhiên, bà Khanh khẳng định khi tiềm năng của Phú Yên được khai thác nhiều hơn, tour liên tuyến Quy Nhơn - Phú Yên sẽ còn "nóng" hơn bây giờ. Thậm chí, nó có thể sánh ngang với tour liên tuyến Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam) vốn luôn hấp dẫn nhiều khách Việt.
"Nhưng bây giờ, với tầm giá 5-7 triệu đồng/người, tour Quy Nhơn - Phú Yên đang khá 'chật vật' trong việc thu hút du khách. Bởi họ sẽ chú ý đến các địa điểm du lịch 'hot' như Phú Quốc, Đà Nẵng - Hội An… với tour và combo/gói dịch vụ cũng trong tầm giá đó", đại diện Vietravel nói thêm.
Vấn đề của Phú Yên
Đa số người làm du lịch đều đồng quan điểm muốn phát triển du lịch, vẻ đẹp hoang sơ thôi là chưa đủ. Trong khi đó, Phú Yên dường như vẫn chưa "thoát" khỏi cái mác hoang sơ này.
Để đông khách ghé thăm, có 2 yếu tố điểm du lịch cần là sân bay và sự xuất hiện của các "ông lớn". Phú Yên có sân bay nhưng tần suất chuyến khá ít, thường xảy ra tình trạng dồn chuyến vào mùa thấp điểm. Do tần suất chuyến bay ít, giá vé máy bay đi Phú Yên thường ở mức cao (khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/người/khứ hồi nếu đi từ Hà Nội).
"Hầu hết hãng hàng không chỉ có một chuyến bay đi Phú Yên mỗi ngày, thường buộc phải dồn chuyến hoặc thậm chí hủy chuyến khi không đủ khách vào các dịp thấp điểm. Câu chuyện này là một vấn đề khá mâu thuẫn trong việc đầu tư phát triển du lịch đồng bộ cho một điểm đến", bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết.
Theo bà Phương Anh, việc không có chuyến bay dẫn đến khách hạn chế trong phương tiện di chuyển. Cơ sở lưu trú ở Phú Yên cũng chưa thực sự tốt, dẫn đến khách ít lựa. Do ít khách, hãng hàng không cũng không thể tăng chuyến bay.
Vấn đề này chỉ có thể giải quyết khi Phú Yên được xem là điểm du lịch lý tưởng và quy hoạch đồng bộ để có thể phát triển xứng tầm tiềm năng của mình.
Hãng hàng không cũng chỉ có nhiệm vụ kinh doanh, khai thác đường bay. Nếu đường bay chưa mang đến lợi nhuận hoặc lượng khách không đủ, buộc lòng hãng cũng có những hạn chế trong vấn đề khai thác đường bay đó.
Mặt khác, theo ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, Phú Yên chưa có nhiều cơ sở nghỉ dưỡng 5 sao cũng như sự đầu tư từ những "ông lớn".
Trong thời gian qua, có một resort Phú Yên nhận được giải thưởng cho hạng mục "lãng mạn nhất thế giới". Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh độ phổ biến của resort này rõ ràng chưa cao như các cơ sở của Sun Group, Vingroup hay FLC... Điều này khiến các khách hàng chưa thực sự nghĩ về Phú Yên như một điểm nghỉ dưỡng cao cấp.
"Khi các 'ông lớn' xuất hiện, họ đâu chỉ mang đến khách sạn, resort cao cấp. Thứ họ mang đến còn là chất lượng cơ sở hạ tầng, các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng chất lượng. Phú Yên vẫn chưa có nhiều thay đổi về diện mạo, vẫn là nét đẹp hoang sơ như trước", ông Tú đánh giá.
Đừng mãi là "hoa vàng cỏ xanh"
Rõ ràng, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đã khiến Phú Yên được chú ý hơn nhiều. Tuy nhiên, sức hút đó không thể kéo dài mãi mãi. Bản thân địa phương cũng chưa tận dụng tối đa "sức bật" đó.
Cho tới bây giờ, sau 7 năm từ khi bộ phim phát sóng, Bãi Xép - bối cảnh nổi tiếng trong phim - vẫn chưa có nhiều thay đổi. Cảnh vẫn đẹp, có núi, có biển, có những cây xương rồng... Còn dịch vụ chỉ có một quán cà phê kèm khu tắm tráng cùng một số cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm, ăn vặt.
"Tôi nghĩ Phú Yên cần một câu chuyện khác ngoài hoa vàng cỏ xanh. Muốn thu hút, hấp dẫn, phải tạo ra những cái mới. Một câu chuyện kể đi, kể lại người ta cũng chán", đại diện Best Price nói.
Đồng quan điểm, bà Phương Anh nhận xét Phú Yên thường chỉ được du khách đến "check-in" rồi đi. Nơi đây chưa đủ hấp dẫn để khách quay lại thường xuyên, nghỉ dưỡng du lịch biển như Phú Quốc, Đà Nẵng hay Phan Thiết (Bình Thuận).
Với những gì thiên nhiên ban tặng như các bãi biển đẹp, hoang sơ, Phú Yên vẫn là một ẩn số thu hút khách du lịch - những người đam mê khám phá, trải nghiệm. Thế nhưng, so với sự kỳ vọng của du khách, việc khai thác tiềm năng của du lịch Phú Yên vẫn còn rất khiêm tốn.
Đại diện Du lịch Việt nói: "Sau khi được biết đến nhiều qua Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, du lịch Phú Yên thu hút đông khách tìm đến. Vậy nhưng các dịch vụ lưu trú cũng như tiện ích để trải nghiệm vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng chủ yếu ở cấp độ địa phương, chưa được đầu tư bài bản, cân xứng với tiềm năng có thể phát triển".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-trai-cua-phu-yen-post1326064.html