Mặt trái của trào lưu 'Wattpad nói': Biến tấu mất cái hay của tác phẩm kinh điển
Trào lưu 'Wattpad nói'/ 'Wattpad không nói' rộ lên thời gian gần đây được dân mạng hưởng ứng vì lan tỏa vẻ đẹp và sự phong phú của tiếng Việt. Nhưng netizen cũng nhìn ra điểm trừ của trào lưu này đến từ việc thiếu đi trích dẫn tác giả của những câu văn. Gây tranh cãi nhất là việc 'ngôn tình hóa' các tác phẩm kinh điển của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Từ giữa tháng 7, trên MXH Threads, cư dân mạng tạo ra trào lưu "Wattpad nói", trích dẫn các câu văn mà bản thân thấy thú vị trong các tiểu thuyết mạng trên "app Cam". Chiếc trendnày lan rộng ra các nền tảng mạng xã hội khác, nhận được lượt "thả tim" lớn và hưởng ứng từ đông đảo dân mạng vì giúp người đọc thêm yêu tiếng Việt "gấp tỷ lần".
Những phiên bản khác của "Wattpad nói" cũng được tạo ra như "idol nói", "mẹ nói", "học sinh tôi nói", "các nhà văn nổi tiếng nói"...
Nhưng netizen cũng chỉ ra điểm trừ của trào lưu này là thiếu tôn trọng "chất xám". Nhiều người dùng cho rằng "Wattpad nói" sẽ hay ho và đáng khen hơn nếu những tài khoản "đu trend" trích nguồn của câu văn. Bởi rõ ràng, những câu trích dẫn đều tới từ một tác phẩm nào đó do một tác giả tiểu thuyết mạng viết. Họ mới là chủ nhân thực sự và cần được tán dương, không phải riêng Wattpad - nền tảng đăng tải tác phẩm.
"Wattpad nói" viral và đôi khi bị coi là "cú pháp" cố định, dẫn tới một vài người lấy câu văn hay từ một cuốn sách nào đó bỏ vào trend "app Cam". Với người đã đọc và nhớ ra tác phẩm gốc thì không sao, nhưng với số đông cư dân mạng khác có thể gây ra hiểu lầm.
Dấy lên làn sóng tranh cãi lớn nhất chính là việc những trích dẫn sai từ tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam lại viral, dễ gây lầm tưởng. Thay vì trích dẫn nguyên văn, một số người dùng chọn diễn giải, "biến tấu" ý văn, ý thơ của các tác giả. Điều này khiến nhiều người đọc cảm thấy khó chịu vì lối viết bị cho là lạm dụng từ Hán Việt, khiến câu văn có nét tương đồng với lối diễn đạt của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, kém hay và mất đi nét đẹp của câu văn/câu thơ gốc.
Dưới đây là một số bình luận của cư dân mạng Việt về bất cập trong trào lưu "Wattpad nói":
"Làm content mà làm vậy người đọc tưởng thật chứ đùa không vui".
"Đọc mà thấy văn phong bị sượng là biết ngay không phải các cụ nhà ta viết. Tức á!".
"Các bác viết hay bao nhiêu mà sao chế lại nghe vừa ngang vừa ngôn tình hóa mà tức."
"Cơ mà thỉnh thoảng cứ có cái kiểu ngữ pháp văn phong ngôn tình nghe sao chép với tối nghĩa mà nhiều bạn nâng cao quan điểm tưởng nó là hay. Kiểu cũng bị ảnh hưởng nhưng dạo gần đây mới thực sự nhận ra vẻ đẹp của tiếng Việt khi đọc lại mấy tác phẩm xưa. Từ vựng dùng giản dị đến bất ngờ mà ý nghĩa bao la vô cùng tận, không hề cần đến Hán Việt hay kiểu ngữ pháp hơi đảo kiểu Trung Quốc."
"Thật ra bạn nào đọc đủ nhiều sẽ nhận ra sự khác biệt giữa giọng văn của các nhà văn, chất văn học và... những kẻ cố chế thành văn mạng nước khác. Nói thẳng ra những câu nói chế thành ngôn tình nghe nhạt nhẽo vô cùng, câu từ mất hẳn sự sắc bén trong bản gốc. Cứ đọc nhiều văn học chính thống với văn mạng là sẽ thấy rõ sự khác biệt đó thôi."
"Trend "Wattpad nói..." đối với cá nhân mình rất cấn. Không phải vì những câu nói được trích không hay, cái quan trọng nhất là câu nói được trích ở đâu thì không thấy ai nhắc đến. Nó giống như việc đăng lại tranh không ghi nguồn, nhưng mọi người lại bình thường hóa việc đó".