Mặt trái đầy chia rẽ của thế giới đương đại
Chỉ một thoáng nhìn qua vào quá khứ của nhân loại là đủ để bất cứ ai trong chúng ta phải cảm thấy may mắn được sống trong thực tại và lấy làm tiếc không được sống trong tương lai.
Thật vậy, lịch sử nhân loại về cơ bản luôn dịch chuyển theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Song đó không phải là một dòng chảy không thể bị đảo ngược. Trái lại, nó mong manh hơn chúng ta thấy qua bề ngoài. Điều này sẽ thấy rõ hơn nếu chúng ta dụng tâm bỏ thời gian nhìn kỹ thật gần vào mặt trái đầy bất ổn của thế giới. Như Tim Marshall, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Những tù nhân của địa lý, đã làm để viết ra Chia rẽ: Tại sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường (Divided: Why we’re living in an age of walls).
Chia rẽ được viết như một tập hợp khá độc lập của các bài viết chuyên đề, mỗi chuyên đề tạo thành một chương với tiêu điểm là sự chia rẽ nội tại và những bức tường, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, được dựng lên như một biện pháp đối phó tức thời để kiềm chế không cho những chia rẽ này đi quá xa dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn, đồng thời cũng là bằng chứng cho sự bất lực của các chính quyền-nhà nước-xã hội có liên quan trong việc giải quyết rốt ráo những chia rẽ đó để tạo lập sự hài hòa, đồng thuận.
Tim Marshall đã lựa chọn những khu vực địa lý với đặc trưng khác nhau, vấn đề khác nhau, thách thức khác nhau để đưa vào cuốn sách của mình. Ở cấp độ quốc gia, bạn đọc sẽ có dịp làm quen với các vấn đề của nước Mỹ - siêu cường kinh tế - quân sự số một thế giới hiện tại, Trung Quốc - cường quốc đang thách thức địa vị siêu cường của Mỹ, Ấn Độ - quốc gia ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong trật tự thế giới, và nước Anh – cựu siêu cường đang lúng túng định hình lại hướng đi chiến lược cho mình sau cuộc “chia tay” với EU.
Ở cấp độ xung đột quốc gia - quốc gia, Tim Marshall tập trung vào câu chuyện về mối quan hệ luôn chực chờ bùng nổ giữa hai nhà nước Israel và Palestine ở Trung Đông, nơi việc chính thức thiết lập nhà nước Palestine đã không hề đem lại hòa bình bền vững như thế giới kỳ vọng mà chỉ làm xung đột tiếp diễn theo một hình thức mới, và rộng hơn là tình hình bất ổn trong thế giới Hồi giáo và châu Phi. Không dừng lại ở những điểm nóng ai cũng biết này, Tim Marshall đề cập tới cả mặt trái không mấy long lanh của EU, vốn là hình mẫu cho thành công rực rỡ của việc chung sống hài hòa, đồng thuận, cùng có lợi giữa các quốc gia trên cùng châu lục, khi tổ chức này cũng không tránh khỏi lúng túng trước những thách thức mới mà biến chuyển thời cuộc đặt ra.
Ở mỗi khu vực, bản chất và đặc tính cụ thể của thách thức không giống nhau một cách triệt để. Tại châu Phi nổi bật lên là sự xung đột giữa lợi ích của các bộ tộc, sắc tộc có gốc gác lâu dài với lợi ích của các quốc gia-nhà nước nhân tạo với đường biên giới được thực dân châu Âu vạch ra bất chấp mọi thực tế về phân bố dân cư, truyền thống văn hóa-tín ngưỡng bản địa. Trong thế giới Hồi giáo, nổi bật lên là sự xung đột giữa hai hệ phái Shia và Sunni và bất đồng trong phân chia các nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và nguồn nước, cũng như bất đồng không thể dung hòa giữa các xu hướng thế tục và Hồi giáo cực đoan...
Song điểm chung trong tất cả các trường hợp là sự bất lực, ít nhất vào thời điểm Tim Marshall viết Chia rẽ, của các chính quyền trong cuộc trong việc giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề, trong đó quan trọng nhất là tạo lập sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận và hưởng thụ những thành quả từ phát triển kinh tế.
Chính điều này đã dẫn tới giải pháp “bức tường”, thiết lập các cơ chế kiểm soát, ngăn cản để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề thách thức đang hiện hữu, một cách “ngoảnh mặt” để rắc rối không tác động đến mình, điều khó lòng hữu hiệu về lâu dài chừng nào căn nguyên thách thức còn đó. Chẳng hạn như câu chuyện về bức tường thực thể và “bức tường” luật pháp nước Mỹ dựng lên để ngăn cản dòng người nhập cư trái phép, đặc biệt là qua đường biên giới trên bộ với Mexico.
Chính một quan chức Mỹ đã phải nói đại ý nếu họ xây tường cao 15m thì người ta sẽ tìm được cái thang dài 16 m để leo qua nó. Hay như câu chuyện về bức tường, hay đúng hơn là phòng tuyến, Israel dựng lên để bảo vệ, ngăn cách lãnh thổ của họ với hai vùng lãnh thổ của nhà nước Palestine ở Gaza và khu bờ Tây. Chừng nào tình trạng nghèo đói, thất nghiệp còn lan tràn nuôi dưỡng tinh thần thù hận ở các khu vực Palestine, chừng đó không phòng tuyến, bức tường nào của Israel, dù được nâng cấp, tăng cường liên tục, có thể bảo đảm tuyệt đối an ninh cho quốc gia này.
Đây chỉ là hai ví dụ trong rất nhiều trường hợp Tim Marshall dẫn ra trong cuốn sách của ông, tất cả đều chung một mẫu số: giải pháp “bức tường” là bất đắc dĩ và không thể là giải pháp triệt để, ổn định cho việc xử lý tận gốc các thách thức do bất bình đẳng gây ra, cho dù trước mắt có vẻ hiệu quả. Dù là bức tường biên giới bằng vật chất được dựng lên ở biên giới Tây Sahara của Maroc hay biên giới Mỹ - Mexico hay “Vạn lý hỏa thành” trên không gian mạng do Trung Quốc thiết lập, hay những bức tường an ninh bao quanh các khu dân cư giàu có tại các thành phố ở khắp nơi trên thế giới để bảo vệ giới dân cư tinh hoa ở những nơi này, tất cả những bức tường đó không giúp được gì trong việc làm dịu nguyên do tạo ra thách thức đã thúc đẩy việc xây dựng nên chúng. Nhưng chừng nào sự bất bình đẳng còn tồn tại giữa các quốc gia, hay trong nội tại mỗi quốc gia, mỗi xã hội, người ta vẫn sẽ tiếp tục dựng nên những bức tường, dù rằng mọi bức tường chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ đã dẫn tới sự ra đời của chúng, chỉ dẫn tới những bức tường cao hơn, kiên cố hơn và những chia rẽ sâu sắc, khó hàn gắn hơn, như một vòng lặp không hồi kết.
Cho dù EU được nhắc tới trong cuốn sách của Tim Marshall không phải là hoàn hảo và đang phải chịu thử thách nghiêm trọng, đây cũng là một ví dụ cho thấy dù giải pháp hoàn hảo tuyệt đối là thứ khó tìm trong thế giới đầy khiếm khuyết này, vẫn có những giải pháp ít nhất là hữu ích hơn xây tường. Sự mở cửa biên giới, xóa nhòa đi ranh giới quốc gia cả trên thực địa lẫn trong tâm thức con người để tạo dựng nên tâm thức “chúng ta là một” ở châu Âu sau Thế chiến thứ Hai đã dẫn tới một thay đổi lớn lao ở châu lục nổi tiếng với truyền thống bị phân chia và xung đột trong quá khứ, tạo dựng một châu Âu của thỏa ước, đồng thuận và hợp tác.
Cơ chế hiện hành của EU có lẽ không còn phù hợp, song nguyên tắc đồng thuận, cùng thịnh vượng tổ chức này đã thực thi rõ ràng sẽ là nguyên tắc cơ bản cho mọi giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ bất bình đẳng. Để không còn chia rẽ, con người cần ngồi lại với nhau, thu hẹp khác biệt, dẹp bỏ dần các bức tường thay vì dựng thêm lên.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mat-trai-day-chia-re-cua-the-gioi-duong-dai-2136200.html