Mặt trận Bình dân cánh tả và tham vọng nắm quyền sau cuộc bầu cử Pháp
Mặt trận Bình dân mới (NFP) cánh tả đã bất ngờ giành số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp cuối tuần qua và trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất tại nước này. Tuy nhiên, liệu họ có thể đứng ra thành lập chính phủ mới của Pháp hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
Mặt trận Bình dân mới là ai?
Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, cử tri Pháp đã chứng kiến hai diễn biến đáng ngạc nhiên trong nước. Đầu tiên, trước thất bại tại cuộc bầu cử này, Tổng thống Emmanuel Macron đã giải tán Quốc hội Pháp và kêu gọi bầu cử sớm.
Một ngày sau, phe cánh tả chính trị của Pháp, vốn gồm nhiều đảng nhỏ, tuyên bố sẽ thành lập một liên minh mới có tên Mặt trận Bình dân Mới (NFP) nhằm ngăn chặn Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.
Họ dường như đã đạt được mục tiêu đó, nổi lên từ cuộc bầu cử vòng hai vào Chủ nhật với số ghế nhiều nhất trong Quốc hội Pháp. "Mặt trận bình dân mới đã sẵn sàng để lãnh đạo đất nước", Jean-Luc Melenchon, người đứng đầu đảng lớn nhất của NFP, đảng cánh tả La France Insoumise (LFI – Nước Pháp bất khuất), cho biết vào tối Chủ Nhật.
Marine Tondelier, Chủ tịch Đảng Xanh và là một trong những người khởi xướng chính của liên minh NFP, đã ủng hộ tuyên bố của Melenchon: "Chúng tôi đã chiến thắng, và bây giờ, chúng tôi sẽ nắm quyền", bà phát biểu khi đáp lại kết quả bầu cử.
Bà Tondelier được Olivier Faure, người đứng đầu Đảng Xã hội, ủng hộ, ông nói rằng: "Mặt trận Bình dân Mới phải dẫn đầu trong chương mới này của lịch sử chúng ta". Những ai đứng trong liên minh cánh tả?
Trong liên minh NFP, Đảng Xã hội có nhiều kinh nghiệm nhất trong chính phủ, với các lãnh đạo của đảng này là Francois Mitterrand (1981-1995) và Francois Hollande (2012-2017) đều từng giữ chức Tổng thống.
Đảng này cũng có kinh nghiệm trong việc điều hành theo quy định chia sẻ quyền lực khó xử được gọi là "chung sống" ở Pháp, trong đó đảng của tổng thống không có đa số tuyệt đối trong quốc hội và phải làm việc cùng với một chính phủ đối lập. Đây là trường hợp giữa năm 1997 và 2002, khi Thủ tướng Xã hội Lionel Jospin phục vụ dưới thời Tổng thống Bảo thủ Jacques Chirac.
Nhưng Đảng Xã hội chỉ là đảng mạnh thứ hai trong liên minh NFP. Tỷ lệ ủng hộ ảm đạm dành cho đảng của cựu Tổng thống Hollande đã mở đường cho sự trỗi dậy của đảng Nước Pháp bất khuất, do ông Jean-Luc Melenchon lãnh đạo. Chính trị gia 72 tuổi này nổi tiếng nóng tính, bản thân là một cựu đảng viên Xã hội, hiện đang lãnh đạo một đảng thiên tả và hoài nghi châu Âu hơn nhiều.
Sau LFI và Đảng Xã hội, Đảng Xanh là đảng mạnh thứ ba trong liên minh. Tiếp theo là Đảng Cộng sản Pháp (PCF) và một danh sách dài các đảng nhỏ hơn, bao gồm một phe nhỏ đấu tranh cho nền độc lập của vùng lãnh thổ hải ngoại Polynesia thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương.
Liên minh mới có thể kéo dài?
Liên minh mới này hiện tham gia vào danh sách dài các nỗ lực tương tự trong quá khứ nhằm đưa cánh tả lại với nhau để nắm quyền. Ví dụ, vào năm 2022, ông Melenchon đã kêu gọi các đảng cánh tả của Pháp cùng nhau tranh cử khi Tổng thống Macron đối đầu với bà Marine Le Pen, người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu của Đảng Quốc gia (RN) trong cuộc tổng tuyển cử gần nhất.
Vào thời điểm đó, Liên minh Xã hội và Sinh thái Mới (NUPES) của ông Melenchon trở thành nhóm mạnh thứ hai trong Quốc hội Pháp, nhưng không thể biến vị thế của mình thành quyền lực chính trị, vì Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản và Đảng Xanh tỏ ra không muốn hy sinh chủ quyền đảng của mình để tham gia vào liên minh đối lập chính thức dưới sự lãnh đạo của Melenchon.
Nhưng lần này mọi thứ đã khác. Melenchon không còn là người đứng đầu nổi bật của liên minh nữa - thay vào đó, những người đứng đầu của mỗi đảng trong liên minh đã cùng nhau thành lập một ban lãnh đạo tập thể.
Tiến sĩ Sophie Pornschlegel, chuyên gia chính sách tại viện nghiên cứu Europe Jacques Delors có trụ sở tại Brussels, tin rằng liên minh mới này có nhiều khả năng thành công hơn so với liên minh tiền nhiệm.
"Họ có lý do chính đáng hơn để đoàn kết lại", bà Pornschlegel giải thích, "bởi vì họ thực sự có cơ hội thành lập chính phủ và thực thi quyền hành pháp". Bà cũng chỉ ra rằng Đảng Xã hội đã giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong liên minh sau cuộc bầu cử, và thế hệ chính trị gia trẻ tuổi, ít ích kỷ hơn hiện đã nắm quyền lãnh đạo trong các đảng tương ứng của họ.
Còn nhiều dấu hỏi cho liên minh mới
Người ta vẫn chưa biết liệu liên minh cánh tả mới có thể biến thành công trong cuộc bầu cử Chủ nhật thành sức mạnh chính trị hữu hình hay không. Trước cuộc bầu cử, đại diện của một số đảng trong liên minh đã nói về việc ủng hộ một chính phủ thống nhất với Tổng thống Macron và chống lại Le Pen.
Trong khi Đảng Nước Pháp bất khuất của ông Melenchon dường như không muốn thỏa hiệp về một số yêu cầu chính trị của mình, thì Tổng thống Emmanuel Macron cũng đánh tiếng rằng ông không muốn làm việc với Melenchon.
Hiến pháp quy định ông Macron quyết định ai sẽ được yêu cầu thành lập chính phủ, nhưng bất kỳ ai ông chọn đều phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Pháp. Điều này có nghĩa là ông Macron cần phải chỉ định một người được đa số các nhà lập pháp chấp nhận.
Tổng thống Macron có thể hy vọng tách Đảng Xã hội và Đảng Xanh khỏi liên minh cánh tả, cô lập đảng cực tả Nước Pháp bất khuất để thành lập liên minh trung tả với khối của riêng ông. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Mặt trận Bình dân Mới sẽ sớm tan rã vào thời điểm này.
"Câu hỏi thực sự là ai sẽ nhận được vị trí nào trong chính phủ mới", Pornschlegel nói. "Không có khả năng [Nước Pháp bất khuất] sẽ cung cấp thủ tướng tiếp theo, vì Tổng thống Macron sẽ không để điều đó xảy ra. Vẫn khó có thể nói điều gì sẽ xảy ra...".
Liên minh Mặt trận Bình dân mới cho biết họ muốn chọn một ứng cử viên cho chức thủ tướng trong tuần này. Nhưng Marine Tondelier, Chủ tịch Đảng Xanh cũng nói thêm rằng câu hỏi quan trọng hơn nên là "Chính phủ mới sẽ theo đuổi chính sách nào?".
Điều đó cho thấy, bản thân liên minh cánh tả cũng còn nhiều việc phải làm để có được tiếng nói thống nhất về việc thành lập chính phủ mới. Và có lẽ, khả năng thành công của liên minh này cũng còn là một câu hỏi lớn đang bỏ ngỏ, nhất là trong bối cảnh chính trường Pháp đang diễn biến khó lường như hiện nay.