Mặt trận Donbas có ý nghĩa thế nào với Nga?
Nga đang khẩn trương tăng cường quân sự tại miền Đông Ukraine trong những ngày qua, phản ánh sự thay đổi chiến lược trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuần qua, lực lượng Nga rút quân khỏi Kyiv và chuyển phần lớn trọng tâm cuộc chiến sang miền Đông Ukraine sau hơn một tháng phát động “chiến dịch quân sự".
Trước động thái này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết chống trả để bảo vệ từng m đất, nói rằng các lực lượng của ông đang chuẩn bị cho các chiến dịch mới của Nga ở khu vực Donbas.
Giới chức Nga từng cho biết mục tiêu họ là đạt được hòa bình ở khu vực Donbas bị tàn phá do giao tranh trong suốt nhiều năm, chứ không phải chiếm đoạt các vùng đất của Ukraine, theo TASS.
"Tất cả nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang Nga ở Kyiv và Chernihiv đã hoàn thành. (Giờ đây) lực lượng đang được tập hợp lại nhằm tăng cường hành động trong các khu vực ưu tiên và trên hết là hoàn thành 'giải phóng' Donbas", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói hôm 30/3.
Tại sao lại là Donbas?
Donbas từng là trung tâm sản xuất thép và than đá của Ukraine. Điều Nga thực sự muốn khi nói tới nơi này là toàn bộ hai khu vực lớn ở miền Đông gồm Lugansk và Donetsk, kéo dài từ ngoại ô thành phố Mariupol ở phía nam tới biên giới phía bắc.
NATO cũng dự đoán các lực lượng Nga có khả năng nhắm tới khu vực miền Đông Ukraine nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực Donbas, từ đó tạo ra một hành lang trên bộ, chạy dọc theo bờ biển phía tây nam Donetsk tới Crimea tới bán đảo Crimea.
Trước đó, khi “chiến dịch quân sự" bắt đầu, 2/3 khu vực miền Đông do chính phủ Ukraine kiểm soát, trong khi phần còn lại nằm trong tay phe ly khai do Nga hậu thuẫn.
Nếu Nga kiểm soát được khu vực lớn này, điều này sẽ mang tới cho Điện Kremlin một số thành quả hữu hình từ chiến dịch.
Không chỉ vậy, giới tình báo phương Tây nhận định trong trường hợp các lực lượng Nga có thể kiểm soát được Donbas trước ngày 9/5, Nga có thể ăn mừng ngay trong Ngày Chiến thắng - sự kiện kỷ niệm thất bại của Đức Quốc xã năm 1945, theo CNN.
Nga thay đổi chiến lược như thế nào?
Lực lượng Nga đang cố bao vây quân đội Ukraine ở phía đông từ ba hướng bắc, đông và nam.
Denis Pushilin, lãnh đạo "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng - vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine, nói tiến độ chiến dịch quân sự ở Donbas đang được tăng cường, theo TASS.
"Do nhiều yếu tố kết hợp trong hoàn cảnh phức tạp thực địa, cùng với sự khiêu khích của chính quyền Kyiv và những vụ dội bom ở Kramatorsk, chúng tôi tin rằng 'chiến dịch giải phóng' Donbas phải được tăng cường", ông Pushilin nói.
Vị này không đề cập thời điểm cụ thể, "nhưng nó sẽ xảy đến rất sớm".
Theo bà Tracey German, giáo sư về xung đột và an ninh tại Đại học King ở London, miền Đông Ukraine là một vùng lãnh thổ rộng lớn, khó kiểm soát và "chúng ta không nên đánh giá thấp sự phức tạp về địa lý của nó".
Cho đến nay, sau nhiều tuần giao tranh, lực lượng Nga đã kiểm soát được thị trấn Izyum ở khu vực Kharkiv, một khu vực chiến lược nằm trên cao tốc chính dẫn tới vùng ly khai phía đông.
"Nếu nhìn vào những gì Nga đang làm xung quanh Izyum, họ đang đi theo các tuyến đường chính cao tốc. Điều này quan trọng bởi Nga đang di chuyển hầu hết thiết bị bằng đường bộ và đường sắt", giáo sư German nói.
Giới quan sát nhận định mục tiêu lớn tiếp theo của Nga trên đường cao tốc M03 là Slovyansk, nhằm chặn đứng đà tiến các lực lượng Ukraine tiếp cận với khu vực phía đông và thiết lập tuyến liên kết với các đơn vị đã được triển khai trên khắp khu vực trước đó.
Slovyansk là thành phố có khoảng 125.000 dân từng bị lực lượng ly khai chiếm vào năm 2014 trước khi quân đội Ukraine giành lại.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Mỹ cho hay nếu lực lượng Nga không thể giành quyền kiểm soát Slovyansk, cuộc tấn công trực diện của Nga ở Donbas khó có thể chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine.
Lực lượng Nga cũng đã tấn công một loạt thị trấn xa hơn ở phía đông của Lugansk, nơi vẫn do Ukraine kiểm soát, bao gồm Rubizhne, Lysychansk, Popasna và Severodonetsk.
ISW đánh giá những thị trấn này rất quan trọng, bởi một khi giành được, lực lượng Nga có thể tiến về phía tây và kết hợp với các đơn vị đang có kế hoạch tiến về phía đông nam Izyum.
Bên cạnh đó, Nga không chỉ cố gắng kiểm soát các tuyến đường tiếp tế trên bộ mà còn tìm cách chặn Ukraine tiếp cận tuyến đường sắt từ phía tây. Đường sắt là phương tiện vận chuyển quân đội và vũ khí hạng nặng hiệu quả nhất của Ukraine, đồng thời là đường di tản nhanh nhất cho dân thường.
Việc kiểm soát các tuyến đường sắt cũng cho phép lực lượng Nga vận chuyển quân đội và nguồn tiếp tế.
Liệu Ukraine có thể cầm chân Nga?
Khi giao tranh mới nổ ra, 10 lữ đoàn được quân đội Ukraine thuộc Chiến dịch Lực lượng Phối hợp (JFO) đã được bố trí ở miền Đông. Đây là những binh sĩ được đào tạo và trang bị tốt nhất mà nước này có.
Bên cạnh đó, những đơn vị này đang được bổ sung quân số với các tình nguyện viên trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, tình hình sẽ có lợi hơn cho Nga ở mặt trận Donbas nhờ tuyến đường tiếp tế ngắn hơn và sự tập trung vào một khu vực nhất định, giúp Nga tiến hành yểm trợ trên không hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ khẩn cấp trước vòng xung đột mới này. Nước này cần gấp vũ khí hạng nặng, như pháo binh, xe tăng và pháo phòng không. Đây là những vũ khí mà các nước phương Tây còn ngần ngại chuyển giao.
Giới quan sát nhận định còn quá sớm để đánh giá về tính hiệu quả của việc Nga đổi chiến lược kiểm soát toàn bộ khu vực, bởi nơi này tập trung những lực lượng tinh nhuệ của Ukraine và có địa hình rộng lớn, phức tạp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-tran-donbas-co-y-nghia-the-nao-voi-nga-post1309327.html