Mặt trận lắng nghe những bức xúc, nguyện vọng của nhân dân
Ngày 21/9, tại TP HCM, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam. Ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam) chủ trì Hội nghị.
Ông Trần Việt Anh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá, so với các nước khác, nước ta tác động bởi dịch Covid1-19 có ít hơn. Tuy nhiên, có một số ngành bị ảnh hưởng rất nặng. Điển hình như ngành du lịch, từ đầu năm đến nay du lịch lữ hành gần như bị đình trệ, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp (DN), kéo theo thu ngân sách giảm mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu của DN sang châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á cũng bị hạn chế rất nhiều. Trước những khó khăn trên, Nhà nước đã đưa ra những chính sách hỗ trợ nhưng thực tế các DN nhận được hỗ trợ chậm và không nhiều. Trong khi DN vẫn phải gồng mình duy trì việc làm, trả lương cho người lao động.
Một thực tế nữa được ông Việt Anh phản ánh là bệnh hành chính đối với DN còn phổ biến. Theo ông Việt Anh, khi DN làm ăn thất bát thì không thấy đoàn thanh, kiểm tra đến hỏi han động viên chia sẻ những hễ làm ăn lên một chút là kiểm tra thường xuyên. Hình như đang tồn tại một tâm lý là DN nào làm ăn nên là có chuyện?
Về vấn đề này, ông Việt Anh đề nghị, cần làm sao dung hòa có tình có lý. “Giai đoạn hiện tại đang khó khăn, chúng ta nên tập trung vào phục hồi, không nên mổ xẻ những hạn chế, hay tiêu cực nhiều. Đối với những DN đã ổn định lâu dài, họ không cần lắm hỗ trợ về vật chất từ phía Nhà nước, nhưng cần sự ổn định về mặt tinh thần và chính sách”, ông Việt Anh mong muốn.
Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam nhận định, ở Việt Nam không có kỵ thị dân tộc, cũng không có xung đột tôn giáo. Điều này một phần do truyền thống, văn hóa, lịch sử, một phần do Đảng, Nhà nước, Mặt trận làm rất tốt công tác đoàn kết, kết nối giữa các tôn giáo, dân tộc với nhau.
Mục sư Trần Thanh Truyện cũng đề nghị, Nhà nước cần sớm xem xét cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo nào đủ điều kiện về mặt pháp lý, đất đai không tranh chấp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, hoạt động xã hội, từ thiện được thuận lợi.
Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phản ánh rằng, học phí các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng cao. Điều này đi ngược với chủ trương “giáo dục là quốc sách” của Đảng, Nhà nước ta.
Hòa Thượng Danh Lung lấy ví dụ, một sinh viên muốn học đại học ngành y, trung bình mỗi năm học phí phải đóng trên 70 triệu đồng. Trong khi đó, có rất nhiều gia đình nông dân, mỗi mùa vụ thu nhập chỉ có mấy triệu đồng thì làm sao họ có thể lo cho con ăn học?
Đề nghị về cải cách giáo dục về sách giáo khoa, Hòa thượng cho rằng, cần làm sao để sách của các cháu học trước có thể để lại cho các em học tiếp ở các năm sau, tránh gây lãng phí tiền của của nhà nước và xã hội.
Góp ý về công tác giám sát, ông Huỳnh Văn Minh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cơ chế giám sát cần phải được thực hiện rõ ràng. Thực tế hiện nay công tác phối hợp giám sát giữa Mặt trận và các cơ quan khác đang ở mức rất thấp, thậm chí có những giám sát của Mặt trận được đối tượng bị giám sát đồng ý mới được đến giám sát.
“Mặt trận đi giám sát cần có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đi theo; ngược lại các cơ quan quản lý nhà nước đi giám sát, cần có đại diện của Mặt trận”, ông Minh nêu kiến nghị.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Võ Văn Thiện cảm ơn những phản ánh, đóng góp sát thực, quý giá của các đại biểu, đồng thời cho biết, những kiến nghị, góp ý của các đại biểu sẽ được Ban tổ chức tiếp thu để gửi đến Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan, ban ngành liên quan. Với mục tiêu làm sao làm sao để góp phần hạn chế những tiêu cực, giảm bớt những bức xúc, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân.