Mặt trận mới
Quyền lực thứ 5 ấy, có người ví như dùng dao, hữu ích hay bị đứt tay tùy thuộc vào người sử dụng. Vì vậy, việc 'like' hay 'share' một status nào đó là người bấm đã truyền đi một thông điệp tới cộng đồng góp phần mang tính công phá.
Mặt trận mới
Bài 1: “Quyền lực thứ 5”
Chính danh trên mạng
Từ lúc nào, mạng xã hội trở thành cứu cánh cho những người yếu thế, thiệt thòi trong đòi hỏi công bằng, khơi dậy những phong trào từ thiện, phát hiện các hoàn cảnh khốn cùng đâu đó trong xã hội… Nhưng bên cạnh, là một mạng xã hội khác khắc nghiệt, phức tạp hơn nhiều, khi nơi ấy quy tụ tất cả các thành phần, đối tượng trong xã hội với tầng nấc nhận thức khác nhau, lập trường tư tưởng chính trị khác nhau, động cơ khác nhau. Thêm nữa, các thế lực thù địch lại quyết liệt khai thác mạng xã hội dưới những hình thức rất tinh vi cho chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, “tự diễn biến”… để chống phá Nhà nước. Trong khi việc quản lý của cơ quan chức năng chưa theo kịp tốc độ bung nở của mạng xã hội thì việc xuất hiện tin giả, thông tin xấu độc, xuyên tạc trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều nên rất nhiều người còn e ngại trong việc thể hiện chính kiến, thậm chí thờ ơ bày tỏ chính kiến với những vấn đề sai trái, tiêu cực của xã hội. Vì sự hỗn loạn ấy nên có nhiều người tham gia mạng xã hội nhưng phần lớn ẩn danh thực. Có nhiều nguyên do, có thể ẩn để việc tranh đấu trên mạng bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình; có thể ẩn vì để không ai biết mình, không bị ném đá nhưng vẫn biết mọi người “nói và thở” ra những gì. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, việc những facebooker ở Bình Thuận đưa chính danh, để tên thật và hình ảnh của bản thân trên mạng cũng như nêu chính kiến trước các tình huống diễn ra được xem là sự dũng cảm, đã có tầm ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội.
Là cán bộ, đang giữ chức vụ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước có thể kể đến Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, facebooker Huỳnh Văn Điển. Lấy ví dụ về chuyện bãi đá 7 màu và bãi rêu ở Bình Thạnh (Tuy Phong) có bị xâm hại nhưng thực tế không như những gì dân mạng đồn thổi là bị san ủi, phá hủy. Facebooker Huỳnh Văn Điển đã đưa status khẳng định việc không đúng sự thật đó cũng như đăng văn bản chỉ đạo xử lý do chính bản thân ký để thêm thông tin đến cư dân mạng, nhằm dừng mọi cuộc suy diễn, đẩy sự việc đi quá xa so với sự thật rồi nâng suy nghĩ tiêu cực lên tầm cao vốn hay diễn ra trong cư dân mạng. Tuy nhiên, điều đó vẫn có không ít người “ném đá” facebooker này với lý do anh quản lý địa bàn để xảy ra sai sót lại còn đưa lên mạng. Nhưng cũng không ít người khen facebooker Huỳnh Văn Điển hay, vì trước hết là tinh thần can đảm trên mạng xã hội của 1 cán bộ, sau nữa vì xem trang của anh, người ta nhìn thấy facebooker này có trách nhiệm với xã hội. Cách anh kêu gọi và đồng hành với phong trào làm sạch biển là hình ảnh thuyết phục nhất cho người dân Tuy Phong giữ gìn biển. Hay những kiểu status như “Xin hãy cầu nguyện cho những người chiến đấu ngoài biển cả! Chửi bới, tranh cãi với nhau thì có ích gì?” sẽ làm cho một số người đang hăng cãi giật mình chựng lại, khi hình dung cảnh ngoài kia nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc”, còn trong này lại thong thả làm “anh hùng bàn phím” chửi bới với nhau.
Không chỉ facebooker trên, ở địa bàn tỉnh còn có một số facebooker khác chính danh đã tạo được nét riêng qua trang facebook của mình. Đơn cử, nói đến trang của facebooker Phan Trung Can, cán bộ đã về hưu là dân mạng nghĩ ngay đến sắc thái ca ngợi quê hương đất nước, cái cách đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái trên nhiều lĩnh vực nổi cộm diễn ra đã được anh chuyển tải qua những bài thơ rất đơn giản. Nét riêng đó vừa nhẹ nhàng mà cũng vừa sắc sảo đến độ những facebooker khác phải “ngã mũ” khen ngợi. Ví dụ như cách khen của một facebooker ẩn danh: “Lão áo vàng đứng cạnh con bò có nick là Phan Trung Can: Mỗi khi có sự kiện gì của đất nước thì lão phun ra tràn ngập thơ phú. Mà thơ bút tre rất sâu sắc. Dùng thơ xuyên vào tim đau nhói”. Nhưng cũng có lúc không qua thơ mà qua những câu nói như mới vừa vỡ ra, từ trải nghiệm cuộc sống khiến ai có liên quan cũng thót tim ngẫm lại mình. Chẳng hạn như câu này: “Con thú và con người giống nhau ở mục đích sử dụng quyền lực, khác nhau ở chỗ con người sử dụng có ý thức và con thú sử dụng theo bản năng”. Facebooker Phan Trung Can kể rằng, lúc ban đầu, khi chưa quen lại phải đối phó với nhiều đối tượng “châm chọc”, “khiêu chiến”, anh cảm thấy mệt mỏi khi phải chọn lọc câu chữ để thuyết phục từng đối tượng nhưng rồi càng về sau, anh thấy bình thản, vì điều đó cần thiết như chính ánh sáng hàng ngày, là việc làm xuất phát từ đạo đức của công dân điện tử tự nguyện.
Giữa “biển” thông tin
Nhưng những facebooker như trên chỉ là số ít. Hiện có nhiều cán bộ công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội, ngoài bán hàng online, môi giới sản phẩm… thì nhiều người tham gia với mục đích cá nhân như chia sẻ về hoạt động nghề nghiệp, sinh hoạt hàng ngày của bản thân, gia đình. Khoảng 2 tháng trước, một cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội của một số facebooker tại Bình Thuận xoay quanh một nội dung vô thưởng vô phạt đã phơi bày những điều chưa được rất rõ của cán bộ công nhân viên khi tham gia mạng xã hội. Trước hết, đó là chuyện không đáng để tranh cãi nhưng đã tập hợp đến 25-30 facebooker vào cuộc, đẩy sự việc lên trạng thái căng đét chửi bới om sòm trên mạng. Mỗi facebooker với sự hãnh diện kiến thức chuyên môn của mình đã phân tích nội dung ấy dưới góc độ riêng, tương tự như bản chất câu chuyện “Thầy bói xem voi”, khiến cuộc tranh cãi kéo dài mấy ngày trời. Trong đó có những người tham gia với mục đích bảo vệ uy tín của cơ quan mình nhưng kỹ năng lập luận không chặt chẽ nên không những không dập tắt được cuộc chửi bới mà còn đẩy sự việc đi xa hơn. Và khi hai bên khẩu chiến ấy, có rất nhiều người đã vào xem rồi im lặng đi ra, kể cho những người chưa biết vào xem tiếp đã kích thích người trong cuộc hăng cãi thêm. Và kết thúc không đem lại kết quả gì, ngoài chuyện ghét nhau nhiều hơn ngoài đời. Chưa hết, gần đây cũng xảy ra câu chuyện tương tự nhưng chỉ có một bên chửi mắng, xỉ nhục, hạ thấp uy tín cơ quan X. rất nhiều. Thậm chí nêu tên một số người cụ thể trong cơ quan X. với những việc làm xấu xa nọ kia nhưng không hiểu sao những facebooker của cơ quan đó vốn dĩ rất “nhộn nhạo” trên mạng lại không có động thái gì. Một số người vào xem rồi im lặng đi ra. Sau đó, mới nghe được lý do cho sự im lặng ấy là “Chúng nói trên mạng mà! Quan tâm làm gì!”. Điều này khiến những ai không tham gia mạng xã hội lâu nay lại thêm quyết tâm xa lánh miền “đất mạng”.
Tình hình dửng dưng trên mạng xã hội này, trước đó trong dịp kỷ niệm 89 năm ngành Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đánh giá: “Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội ở một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn kết quả chưa cao; việc phát hiện, phối hợp xử lý các cá nhân, tổ chức sai phạm trong việc đưa thông tin sai sự thật, suy diễn, kích động nói xấu cấp ủy, chính quyền chưa kịp thời. Một bộ phận trong nhân dân, thậm chí cán bộ, đảng viên trước thông tin xuyên tạc, bịa đặt rất thâm độc, xảo quyệt của các thế lực phản động, thù địch trên không gian mạng chưa phân biệt, nhận dạng đúng bản chất sự việc, từ đó mơ hồ, hoài nghi một số chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện trong thời gian qua”.
Qua đó, mới thấy mạng xã hội có tầm ảnh hưởng như một loại quyền lực mà người ta xếp loại là quyền lực thứ 5, đứng sau báo chí. Thực tế, giữa báo chí và mạng xã hội bổ trợ cho nhau về tin tức nhưng một điều rất khác, nếu báo chí có “bộ lọc” qua quy trình tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp khiến thông tin truyền tải tương đối chính xác thì ở quyền lực thứ 5 này, ai cũng có thể làm blogger, tức có trang riêng, muốn viết gì thì viết mang tính cá nhân. Quyền lực thứ 5 ấy, có người ví như dùng dao, hữu ích hay bị đứt tay tùy thuộc vào người sử dụng. Vì vậy, việc “like” hay “share” một status nào đó là người bấm đã truyền đi một thông điệp tới cộng đồng góp phần mang tính công phá khiến không ít người như bị chìm giữa biển thông tin. Tình trạng đó đã từng hỗn loạn đến mức trên mạng xới lên một trào lưu kêu gọi “Share có trách nhiệm”.
Bích Nghị
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/mat-tran-moi-bai-1-121378.html