Mặt trận phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Bài 2: Tích cực chăm lo cho người nghèo

5.543 căn nhà đại đoàn kết được Mặt trận các cấp trong tỉnh Kiên Giang hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong 5 năm qua. Những căn nhà ấy đã kịp thời giúp người dân có mái ấm và vươn lên trong cuộc sống.

Bài 1: Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo

NGƯỜI NGHÈO CÓ NHÀ ĐẠI ĐOÀN KẾT

Giữa tháng 8-2024, chúng tôi có chuyến đi cùng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thanh Việt về vùng biên giới xã Phú Lợi (Giang Thành) để khởi công xây dựng và bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Năm nay 41 tuổi, chị Võ Thị Mộng Cầm, ngụ ấp Giồng Kè, xã Phú Lợi lần đầu tiên được ở trong căn nhà “3 cứng” với nền lát gạch, cột bê tông và mái lợp tole, khiến chị không giấu được những giọt nước mắt xúc động.

Chị Cầm cho biết vợ chồng chị là hộ nghèo, không có ruộng đất canh tác. Hàng ngày chồng chị đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy để lo cho cuộc sống. Anh chị chỉ có một người con trai, nhưng không may cháu bị thiểu năng, nên chị ở nhà chăm sóc con và chăn nuôi 3 con bò làm vốn liếng vươn lên.

Gia đình chị Cầm được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động Công đoàn cơ sở Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tài trợ 50 triệu đồng kinh phí xây dựng căn nhà đại đoàn kết. Vì khó khăn nên chị không có tiền góp thêm mà chỉ cất căn nhà đúng 50 triệu đồng. Với chị căn nhà đại đoàn kết với diện tích 32m2 là tài sản quý giá. “Có nhà mới, tôi không còn lo những khi mưa to, gió lớn, chồng tôi an tâm đi làm. Tôi ở nhà nuôi 3 con bò để chúng sinh sản sau này có vốn liếng làm ăn vươn lên”, chị Cầm nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Ngô Phương Vũ (bìa trái) trao quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Tân Hiệp. Ảnh: THU OANH

Căn nhà cất cho chị Võ Thị Mộng Cầm là 1 trong 700 căn nhà đại đoàn kết, kinh phí 24,5 tỷ đồng, do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang thực hiện nhằm thiết thực chăm lo cho người nghèo và chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029.

Tổng kết 5 năm qua 2019-2024, Mặt trận các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên, chính quyền địa phương xây dựng 5.543 căn và sửa chữa 452 căn nhà đại đoàn kết, kinh phí 172,5 tỷ đồng; xây dựng mới 1.087 căn nhà tình nghĩa, kinh phí 64,4 tỷ đồng cho người dân.

NỖ LỰC VƯƠN LÊN

Những ngày tháng 8-2024, khắp xóm, ấp trên địa bàn huyện Giồng Riềng như rộn ràng hơn bởi không khí thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Dương Bá Nghiệp, hộ dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn ngụ ấp Tà Yểm, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) vừa được tài trợ xây dựng mới nhà ở.

Căn nhà của ông Nghiệp có tổng diện tích 48m2, kết cấu mái tole, vách tường, nền lát gạch men; tổng kinh phí xây dựng 85 triệu đồng, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bàn Thạch tài trợ 20 triệu đồng, vận động Hội Nông dân tỉnh tài trợ 10 triệu đồng, nhóm thiện nguyện Từ Bi Cô Bảy tài trợ 50 triệu đồng, số tiền còn lại do gia đình ông Nghiệp đóng góp.

Vợ chồng anh Thạch Sơn treo giấy khen của các con lên tường căn nhà mới. Ảnh: ĐẶNG LINH

Nhắc đến chuyện được tài trợ nhà ở, vợ chồng ông Nghiệp đều xúc động. Mắt đỏ hoe, ông Nghiệp cho biết: “Tôi làm thêm nghề lắp composite dạo nhưng thu nhập bấp bênh. Cứ mỗi lần dành dụm được ít tiền định sửa nhà ở tạm thì gia đình lại có người bệnh. Vì vậy mà gần chục năm gia đình phải ở trong căn nhà dột nát sắp sập. Nay có được căn nhà mới lành lặn, kiên cố tôi cũng an tâm đi theo máy cắt lúa xa nhà. Vợ tôi ở nhà lo chăm sóc 1,5 công rẫy, trồng thêm ít rau cải để có thêm đồng ra đồng vô hàng ngày”.

Xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) có 60% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào Khmer, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để giúp dân thoát nghèo, một trong những giải pháp được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bàn Thạch ưu tiên thực hiện là vận động cất mới nhà ở để người dân an cư lạc nghiệp. Thông qua nguồn kinh phí quỹ vì người nghèo cùng các nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, nhiệm kỳ 2019-2024, đã có 104 căn nhà được cất mới cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bàn Thạch Võ Công Dũng cho biết: “Sau khi hỗ trợ nhà, Mặt trận tiếp tục vận động, phối hợp các đoàn thể hỗ trợ về vốn, giống, khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ cách làm này, hộ nghèo của xã giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, hiện hộ nghèo giảm còn 2,9%, hộ cận nghèo 3,24%”.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQViệt Nam xã Minh Hòa Trần Hoàng Tuấn (thứ hai, từ phải qua) thăm hỏi gia đình anh Thạch Sơn. Ảnh: ĐẶNG LINH

Huyện Châu Thành là một trong những điểm sáng trong hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” với thành tích nhiệm kỳ 2019-2024 vận động quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội trên 79,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, huyện cất mới và sửa chữa 636 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với kinh phí trên 19,8 tỷ đồng.

Là một trong những hộ được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Minh Hòa (Châu Thành) hỗ trợ 60 triệu đồng cất mới căn nhà vách tường, mái tole, nền lát gạch, vợ chồng anh Thạch Sơn, ngụ ấp Bình Lợi không còn lo cảnh đêm khuya mưa dông ngồi căng bạt cho các con ngon giấc. 10 năm sống dưới căn nhà dột nát luôn chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào, anh Sơn tự trách mình không lo được cho vợ con căn nhà đủ che mưa, che nắng.

“Vợ tôi phải ở nhà lo cơm nước, đưa rước hai con đi học. Nhà 4 miệng ăn chỉ trông cậy vào thu nhập phụ hồ của tôi hàng ngày 200-300 ngàn đồng nên cứ thiếu thốn trăm bề”, anh Sơn nói. Lời hứa cất lại căn nhà cho vợ con đã không còn lỗi hẹn khi cuối năm 2023 gia đình anh được hỗ trợ kinh phí xây dựng. Bán hai gốc mai, cha mẹ hai bên phụ thêm ít tiền vật tư, cùng số tiền 60 triệu đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Minh Hòa vận động 4 chùa trên địa bàn xã ủng hộ, gia đình anh Sơn đã có được căn nhà kiên cố với phòng khách, hai phòng ngủ, nhà bếp tiện dụng.

“Giờ được căn nhà lành lặn rồi, vợ chồng tôi sẽ cố gắng lao động, trước mắt là chăm sóc lại mấy gốc mai quanh nhà để chờ tết bán. Đợi khi dành dụm được ít vốn sẽ đầu tư chăn nuôi, cải tạo 1 công đất ruộng sau nhà để tăng thu nhập”, anh Sơn cho biết.

Nhìn cảnh anh Sơn quây quần cùng vợ sắp xếp lại góc học tập cho các con chuẩn bị năm học mới, các thành viên trong gia đình ai nấy đều rạng rỡ, chúng tôi cảm nhận một niềm hạnh phúc đong đầy trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng. Căn nhà được xây dựng từ sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các chùa và người dân trong việc chung tay giúp người nghèo xóa nhà dột nát, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

THU OANH - ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/mttq-doan-the/mat-tran-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-bai-2-tich-cuc-cham-lo-cho-nguoi-ngheo-21868.html