Mặt trận tỉnh Đắk Lắk phát huy vai trò trách nhiệm trong giám sát, phản biện xã hội

Những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Đắk Lắk luôn tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện; tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.

Mặt trận tỉnh Đắk Lắk giám sát UBND huyện Krông Ana về việc triển khai thực hiện Dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Mặt trận tỉnh Đắk Lắk giám sát UBND huyện Krông Ana về việc triển khai thực hiện Dự án 1, Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát, phản biện xã hội, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh Đắk Lắk đã chủ động phối hợp tham mưu cho các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt, phân công cho các cơ quan đơn vị có liên quan, xây dựng các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn.

Theo đó, hàng năm MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các đoàn thể xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch giám sát; chủ trì tổ chức hiệp thương thống nhất nội dung giám sát với các đoàn thể, HĐND, UBND cùng cấp nhằm tránh trùng lặp các nội dung giám sát với chính quyền, đồng thời lựa chọn những nội dung giám sát phù hợp, thiết thực được nhân dân và xã hội quan tâm để giám sát.

Đáng kể trong 5 năm, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tỉnh đã tổ chức triển khai được 135 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 30 cuộc; cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 105 cuộc, với nhiều nội dung quan trọng; cấp xã chủ trì giám sát được 2.045 cuộc. Nội dung giám sát, tập trung giám sát các công trình, dự án có liên quan đến đời sống của Nhân dân trên địa bàn; giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú; giám sát các nội dung thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Mặt trận tỉnh Đắk Lắk tổ chức giám sát thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh tại xã Ea Hiu.

Mặt trận tỉnh Đắk Lắk tổ chức giám sát thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh tại xã Ea Hiu.

Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với tổ chức thành viên, các Hội đồng tư vấn, các cơ quan đơn vị trong tỉnh tổ chức gần 200 cuộc khảo sát về công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và mức giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu về việc các tổ chức tôn giáo tham gia công tác ASXH trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng,…

MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp tham gia các Đoàn giám sát của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện gần 450 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh về hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các đại biểu dân cử; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết, chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, của Đảng, Nhà nước về vị trí việc làm, công tác an sinh xã hội, về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình, việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính ở địa phương,…

Mặt trận tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về mức thu học phí năm học 2023-2024.

Mặt trận tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về mức thu học phí năm học 2023-2024.

Đặc biệt, về công tác phản biện xã hội, 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 5 Hội nghị về phản biện xã hội lấy ý kiến góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; hội nghị phản biện trực tiếp đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); Dự án Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí từ năm 2023-2024 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị định số 81/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân... trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức trên 500 Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh, Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương với các đoàn viên, hội viên, lãnh đạo các doanh nghiệp, chức sắc các tôn giáo và người dân (tiêu biểu là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động các cấp, hiệp Hội doanh nghiệp, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện,...).

Thực hiện theo đề nghị và yêu cầu của chính quyền, các Sở, ngành Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức góp ý và cho ý kiến vào hàng trăm lượt các dự thảo Đề án, Chương trình, Quy chế, Kế hoạch của HĐND, UBND cùng cấp. Riêng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý và cho ý kiến phản biện vào 185 dự thảo văn bản các loại. Ngoài ra, còn tổ chức góp ý cho các Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp của Quốc hội; tổ chức góp ý trực tiếp và thông qua các Hội đồng tư vấn của Mặt trận đóng góp nhiều ý kiến cho các Đề án, chủ trương, chính sách quan trọng của tỉnh.

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc lựa chọn hình thức ngày càng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; nội dung, đối tượng phù hợp, kết quả sát đúng, kiến nghị khách quan, rõ ràng; tăng cường giám sát các vụ việc thường xuyên, đột xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, đã góp phần nâng cao vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Qua đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thanh Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mat-tran-tinh-dak-lak-phat-huy-vai-tro-trach-nhiem-trong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-10285716.html