Mặt trận Tổ quốc Giao Thủy vận động nhân dânxây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên huyện Giao Thủy đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, góp phần xây dựng huyện phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Nhân dân xóm Thủy Thành, xã Giao Châu hiến đất mở rộng đường Lạc - Lâm, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nhân dân xóm Thủy Thành, xã Giao Châu hiến đất mở rộng đường Lạc - Lâm, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đồng chí Vũ Ngọc Côn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Giao Thủy cho biết: Hàng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền trong từng việc cụ thể; đề cao vai trò nòng cốt của MTTQ trong cộng đồng dân cư, nhất là những cán bộ, đảng viên, trưởng ban công tác Mặt trận... có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Qua đó đã tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã vào cuộc quyết liệt, triển khai đăng ký và thực hiện 130 mô hình dân vận khéo trong cộng đồng dân cư... được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Kết quả, giai đoạn 2018-2023, nhân dân tự nguyện đóng góp gần 600 tỷ đồng (bằng 15% tổng nguồn kinh phí xây dựng NTM của huyện); hiến trên 391ha đất 2 lúa, trên 320 nghìn m2 đất; góp trên 130 nghìn ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng nhằm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường, MTTQ các cấp trong huyện chủ trì ký cam kết bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, đã có 53.210/63.482 hộ (đạt 84,05%) hộ gia đình ký cam kết thực hiện. Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các cấp chính quyền triển khai có hiệu quả phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp, “Ngày Chủ nhật xanh”. Toàn huyện đã trồng 227km đường cây xanh, 200km đường hoa; tập trung vận động người dân thực hiện 3 mô hình xử lý rác thải tại nguồn; tổ chức ký cam kết tới từng tổ chức, hộ gia đình trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với phương châm “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh phong trào “Đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Các tổ chức thành viên tiếp tục nhận ủy thác và quản lý nguồn vốn vay với số tiền hàng nghìn tỷ đồng giúp hội viên phát triển sản xuất; chủ động rà soát, thống kê, phân công hội viên, đoàn viên giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2019-2024, toàn huyện đã phối hợp xây mới, sửa chữa 154 nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Riêng Giáo hội Phật giáo huyện hỗ trợ các khu dân cư xây dựng NTM trên 8 tỷ đồng; hỗ trợ xây 6 nhà Đại đoàn kết, trị giá 520 triệu đồng. MTTQ và các tổ chức thành viên còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phối hợp tặng quà cho các đối tượng nhân dịp lễ, tết với 112.023 suất quà, tổng trị giá trên 32 tỷ đồng và 10 tấn gạo.

Thực hiện các tiêu chí về văn hóa, MTTQ, các tổ chức thành viên và Ban công tác Mặt trận các khu dân cư đã đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với xây dựng “Xóm văn hóa NTM”, “Gia đình văn hóa NTM”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa NTM”. Đến nay, 100% khu dân cư có nhà văn hóa; 98,9% xóm/tổ dân phố được công nhận xóm/tổ dân phố văn hóa; 89,6% cơ quan, đơn vị và 94% gia đình đạt danh hiệu văn hóa NTM. Huyện còn có 6 câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ cấp huyện, 7 CLB trống hội quê hương, 23 CLB kèn đồng, 157 tổ, đội văn nghệ quần chúng, hàng trăm CLB dân vũ, CLB thể dục thể thao. Qua đó đã nâng cao đời sống tinh thần, lan tỏa những việc cần triển khai thực hiện trong xây dựng NTM cũng như tuyên truyền, chuyển tải những công việc cần có sự chung tay của cả cộng đồng đạt hiệu quả rất cao, nhất là trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn…

Với đóng góp quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên, diện mạo nông thôn Giao Thủy thay đổi từng ngày, phù hợp với xu thế hiện đại; môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 84 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm còn 0,76%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,8%, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt trên 94%. Toàn huyện đã có 20/22 xã, thị trấn được tỉnh công nhận NTM nâng cao, 14/20 xã NTM kiểu mẫu; 2 thị trấn đạt đô thị văn minh; 147/195 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xã Giao Phong là một trong 3 xã trên toàn quốc được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn để thực hiện thí điểm “Mô hình xã NTM thông minh”. Vừa qua, 100% thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương đã bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Thời gian tới, MTTQ và các tổ chức thành viên huyện Giao Thủy tiếp tục bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện và các địa phương để có những giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, vận động, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; phấn đấu huyện hoàn thành NTM kiểu mẫu năm 2025; đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh là cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202408/mat-tran-to-quoc-giao-thuy-van-dong-nhan-danxay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-kieu-mau-dec2ae7/