Mặt trận Tổ quốc huyện Lạc Sơn: Giám sát, phản biện xã hội đi vào chiều sâu

Đồng chí Bùi Thị Vân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lạc Sơn cho biết: Thời gian qua, MTTQ các cấp huyện Lạc Sơn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH). Hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Đồng chí Bùi Thị Vân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lạc Sơn cho biết: Thời gian qua, MTTQ các cấp huyện Lạc Sơn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH). Hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Ban công tác Mặt trận xóm Đổn, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Ban công tác Mặt trận xóm Đổn, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Từ năm 2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ trì, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện được 6 cuộc giám sát tại các xã, thị trấn; tổ chức 27 hội nghị phản biện xã hội, trong đó 3 hội nghị cấp huyện, 24 hội nghị cấp xã, tập trung phản biện xã hội đối với những nội dung: Dự thảo công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; dự thảo các nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển KT-XH trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền… Thông qua hoạt động GS, PBXH đã góp phần xây dựng và thực hiện đúng hơn, khả thi hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển KT-XH, kịp thời phát hiện những nội dung chưa phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Hiện, trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 24 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) với 216 ủy viên; 24 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) với 167 ủy viên. Từ năm 2023 đến nay, các Ban TTND đã thực hiện 38 cuộc, Ban GSĐTCĐ đã thực hiện 126 cuộc giám sát. Nội dung tập trung vào giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện Pháp lệnh về dân chủ cơ sở, việc thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhân dân đóng góp và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 252 tổ hòa giải với 1.834 hòa giải viên, trong đó có 252 hòa giải viên là cán bộ mặt trận. Toàn huyện có 59 vụ việc hòa giải, số hòa giải thành 51 vụ, đạt 86,4%. Nhờ đó, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người dân như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết thủ tục hành chính, việc cấp quyền sử dụng đất, quy hoạch đất ở, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng khu giãn dân; công tác thu, chi, công khai quỹ chuyên dùng tại các thôn; công tác hòa giải… đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, giải trình, làm rõ; kịp thời bổ sung hoàn thiện các dự thảo kế hoạch sau phản biện xã hội.

Đồng chí Bùi Hoàng Đạo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Văn Nghĩa cho biết: Từ năm 2023 đến nay, Ủy ban MTTQ xã phối hợp HĐND xã tổ chức được 2 cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, cuộc vận động Đảng ủy, UBND xã triển khai, công tác vệ sinh môi trường. Thông qua hoạt động GS, PBXH, Ủy ban MTTQ xã kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát có sự điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa những tồn tại, hạn chế đã nêu ra nhằm thực hiện tốt hơn những nội dung trong thời gian tới. Sau mỗi hội nghị phản biện, Đảng ủy xã có văn bản trả lời cụ thể, chi tiết tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã về các ý kiến, đề xuất, giúp công tác GS, PBXH đi vào chiều sâu, ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực.Qua đó thực hiện hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", góp phần hạn chế phát sinh tiêu cực ở cơ sở, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, việc tổ chức GS, PBXH của MTTQ các cấp huyện Lạc Sơn còn gặp một số khó khăn, hạn chế: Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân có lúc có nơi chưa kịp thời; các phong trào, cuộc vận động ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, hoạt động giám sát của MTTQ, Ban TTND, Ban GSĐTCĐ chưa chủ động, kịp thời đối với những vấn đề nhân dân quan tâm. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ cấp cơ sở chưa theo kịp yêu cầu thực tế đặt ra. Một số cơ sở công tác tham mưu cho cấp ủy trong triển khai công tác mặt trận còn thiếu tính chủ động; công tác phối với chính quyền, các đoàn thể đôi khi chưa chặt chẽ...

Từ hiệu quả của công tác GS, PBXH, Ủy ban MTTQ huyện Lạc Sơn và các tổ chức thành viên đang thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm của những người làm công tác mặt trận trong việc tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/190521/mat-tran-to-quoc-huyen-lac-son-giam-sat,-phan-bien-xa-hoi-di-vao-chieu-sau.htm