Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Lộc Ninh: Dấu ấn từ đổi mới tuyên truyền, vận động

Bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào, cuộc vận động; tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vui tươi, ý nghĩa... Đó là những dấu ấn nổi bật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Lộc Ninh và các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Tỏa rộng, thấm sâu

Lộc An là một trong 7 xã biên giới của huyện Lộc Ninh, với hơn 46% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, MTTQVN và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và không để xảy ra các vụ việc liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Lộc An Nguyễn Thị Lan cho biết: Không chỉ tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, MTTQ và các tổ chức thành viên còn tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép, không nghe theo kẻ xấu làm việc vi phạm pháp luật, đẩy mạnh lao động, sản xuất, xây dựng thôn, ấp phát triển, văn minh, sạch, đẹp. Thực hiện đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ”, MTTQ đã huy động các đoàn thể cùng vào cuộc. Tăng cường tuyên truyền về những lợi ích khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đăng ký sim chính chủ, chuyển đổi sim từ 2G lên 4G/5G trước khi nhà mạng tắt sóng 2G vào ngày 1-9-2024.

MTTQVN xã Lộc An và các tổ chức đoàn thể triển khai mục tiêu “4 phủ” lồng ghép tuyên truyền các luật: Hôn nhân và gia đình, An toàn giao thông, Bảo hiểm xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn

MTTQVN xã Lộc An và các tổ chức đoàn thể triển khai mục tiêu “4 phủ” lồng ghép tuyên truyền các luật: Hôn nhân và gia đình, An toàn giao thông, Bảo hiểm xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn

Do xã có tỷ lệ người DTTS khá cao, người dân thường đi làm không có ở nhà, vì vậy, MTTQ và các tổ chức thành viên, tổ công nghệ số cộng đồng, tổ Đề án 06 của địa phương đã tranh thủ đến nhà tuyên truyền từ 16-19 giờ hằng ngày kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Qua đó, giúp người dân hiểu, thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đăng ký sim chính chủ, chữ ký số. “Nhân đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ”, người dân tập trung đông, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền các luật: Giao thông đường bộ, Hôn nhân và gia đình, Bảo hiểm xã hội và cách thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em vào mùa hè. Đặc biệt là không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông…” - Chủ tịch UBMTTQVN xã Lộc An Nguyễn Thị Lan chia sẻ thêm.

Bí thư Đảng ủy xã Lộc An Phạm Hồng Đăng cho biết: Lộc An có tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhờ sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên đã giúp cấp ủy, chính quyền xã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Năm 2020, xã Lộc An hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn xã hiện còn 2 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo.

“Công tác tuyên truyền, vận động là một trong những dấu ấn nổi bật của MTTQ và các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ qua. Thông qua hệ thống truyền thông và lực lượng tuyên truyền viên của MTTQ và các tổ chức thành viên, kết hợp với các ngành chức năng đã kịp thời cung cấp thông tin, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến với các tầng lớp nhân dân trong huyện” - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh Trần Thị Bích Lệ nhấn mạnh.

Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua

Theo Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh Trần Thị Bích Lệ, nhờ đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nên việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động đạt được những kết quả tích cực, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục phát huy hiệu quả tốt. Thông qua cuộc vận động, MTTQ các cấp và tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp hơn 29,3 tỷ đồng, hơn 9.900 ngày công, hiến hơn 64.000m2 đất để cùng Nhà nước làm hơn 188km đường giao thông nông thôn. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ DTTS di dời chuồng trại, điểm buộc gia súc ra xa khu vực nhà ở, nguồn nước sinh hoạt để cải thiện môi trường sống, hoàn thành tiêu chí môi trường cho các xã về đích nông thôn mới.

Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được triển khai thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng, đạt hiệu quả thiết thực. Từ năm 2019-2023, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động, tiếp nhận hơn 15,8 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh điều chuyển 27,1 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 527 nhà đại đoàn kết với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” huyện hỗ trợ 750 triệu đồng sửa chữa 25 căn. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp vận động xây nhà vệ sinh, hỗ trợ phương tiện, sinh kế cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện.

Tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền

Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh Trần Thị Bích Lệ cho biết, công tác xây dựng Đảng, chính quyền luôn được MTTQ các cấp trong huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã tích cực, chủ động, đóng góp quan trọng vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. MTTQ từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trong tổ chức cho đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp theo luật định.

MTTQ các cấp chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo luật, pháp lệnh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật. Trong nhiệm kỳ, ban thường trực UBMTTQVN các cấp trong huyện đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức giám sát 186 đợt; tổ chức phản biện đối với 34/34 dự thảo văn bản theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo. Qua đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật; giải quyết những vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực đời sống, xã hội.

“Nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp trong huyện đã “năng động, sáng tạo, chủ động, thích ứng” thực hiện tốt Nghị quyết Ðại hội lần thứ IX đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Với những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2019-2024, UBMTTQVN huyện Lộc Ninh được UBMTTQVN tỉnh xếp loại xuất sắc".

Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh
TRẦN THỊ BÍCH LỆ

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Lê Trường Sơn cho rằng: 2024 là năm gần cuối nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở chương trình hành động của Đảng bộ huyện, MTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nòng cốt để vận động, tập hợp, quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Trong đó, trọng tâm là các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; xây dựng con người Lộc Ninh nói riêng, Bình Phước nói chung có đầy đủ đặc tính “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”, phát triển văn hóa vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc vừa giàu bản sắc địa phương, chú trọng hướng tới các đặc tính “đa dạng, bản sắc và hội nhập” theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy”.

Ðức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/158249/mat-tran-to-quoc-viet-nam-huyen-loc-ninh-dau-an-tu-doi-moi-tuyen-truyen-van-dong