Mặt trận Tổ quốc xã Linh Trường với công tác giảm nghèo bền vững

Linh Trường là một xã vùng trung du, gò đồi nằm ở phía Tây huyện Gio Linh, có diện tích tự nhiên 182.23 km2 . Toàn xã có 9 thôn, 775 hộ với 3.065 nhân khẩu, trong đó dân tộc Vân Kiều 694 hộ. Năm 2021, toàn xã có 239 hộ nghèo; 113 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm.

 Mô hình nuôi dê thương phẩm của gia đình chị Hồ Thị Lan, thôn Cu Đinh, xã Linh Trường - Ảnh: P.N

Mô hình nuôi dê thương phẩm của gia đình chị Hồ Thị Lan, thôn Cu Đinh, xã Linh Trường - Ảnh: P.N

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 01-NQ/ HU ngày 27/7/2021 của Huyện ủy Gio Linh về xây dựng huyện Gio Linh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trước năm 2025, xã Linh Trường phấn đấu đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Hiện nay, xã Linh Trường đã đạt được 9/19 tiêu chí NTM, các tiêu chí chưa đạt là những tiêu chí khó, trong đó có tiêu chí về thu nhập. Xác định công tác vận động là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong thời gian qua, mặt trận và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác vận động Nhân dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, tìm kiếm việc làm nhằm nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.

Với vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã Linh Trường đã luôn đồng hành với người dân trong phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo. Công tác tuyên truyền được Ủy ban Mặt trận xã phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân về giảm nghèo bền vững, chú trọng phát triển những điển hình lao động sản xuất giỏi cho người dân học hỏi.

Hằng năm, Mặt trận xã đã phối hợp các tổ chức thành viên và chính quyền địa phương điều tra, rà soát các hộ có khả năng thoát nghèo, bảo đảm tính chính xác theo nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng và có sự tham gia của người dân. Trong đó, Ban công tác mặt trận ở khu dân cư thực hiện tốt công tác rà soát, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh của người dân ở địa bàn, những hộ nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo để có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

Từ đó, nhiều mô hình hay được triển khai nhân rộng và đạt kết quả đáng khích lệ. Điển hình như phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các hộ nông dân về liên kết sản xuất, tổ hợp tác, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm; phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch”; phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM; cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo...

Qua đó, Nhân dân ở các địa bàn đã giúp nhau trong sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu là các mô hình: Nuôi dê thương phẩm của anh Hồ Văn Ví, Nguyễn Võ Sang, Hồ Văn Vinh; anh Hoàng Xuân Thông mô hình nuôi lợn sạch; anh Hồ Văn Biên kinh doanh về các sản phẩm nông nghiệp... từ đó đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống khang trang, đầy đủ hơn.

Với việc tích cực thực hiện các phong trào thi đua và chung sức vì người nghèo đã góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 0,8 - 1%. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Linh Trường Hồ Văn Quý cho biết, để thực hiện tốt hơn nữa công tác vận động Nhân dân thực hiện giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức, ý chí phấn đấu thoát nghèo của người dân. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục thông thường, cán bộ mặt trận xã, thôn còn đi đầu gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh, từ đó người dân noi theo cùng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế một số hộ nghèo do được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách hỗ trợ hộ nghèo nên vẫn muốn được ở diện hộ nghèo để tiếp tục thụ hưởng các hỗ trợ của Nhà nước. Có tình trạng muốn tách hộ để trở thành nhiều hộ nghèo và được hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình giảm nghèo. Để người dân thực sự muốn thoát nghèo, đặc biệt đối với những hộ mới thoát nghèo, Nhà nước cần duy trì một số chính sách hỗ trợ những hộ mới thoát nghèo trong một thời gian nhất định để họ có điều kiện phát triển kinh tế giúp thoát nghèo bền vững; tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình, tấm gương thoát nghèo, từ đó các hộ nghèo khác phấn đấu và thấy được việc thoát nghèo là đáng tự hào.

Thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân và tạo động lực cả về vật chất lẫn tinh thần để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện hỗ trợ người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số biết cách tự thoát nghèo và tránh tái nghèo khi gặp rủi ro như: Hỗ trợ vật chất trực tiếp cho người nghèo trong những rủi ro đột xuất do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ một phần giúp người nghèo tham gia các hoạt động kinh tế như: Giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu... cùng với những hỗ trợ về vật chất cho người nghèo trên cơ sở hướng dẫn người nghèo sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế tùy theo điều kiện gia đình.

Phúc Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166991&title=mat-tran-to-quoc-xa-linh-truong-voi-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung