Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Trị trong Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi nhanh chóng và vang dội do nhiều nguyên nhân, và một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh. Cùng với cả nước, Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Trị đã ghi đậm dấu ấn trong việc đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, giương cao ngọn cờ dân tộc, xác định đúng kẻ thù, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu cách mạng, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của mọi tầng lớp Nhân dân, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ.

 Tìm hiểu truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Quảng Trị - Ảnh: PV

Tìm hiểu truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Quảng Trị - Ảnh: PV

Từ những năm 1930 - 1931, các tổ chức quần chúng ở Quảng Trị như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Phụ nữ liên hiệp hội, Thanh niên cộng sản đoàn được xây dựng và phát triển rộng rãi, thu hút hàng vạn hội viên tham gia. Các phong trào đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sưu cao, thuế nặng... diễn ra mạnh mẽ.

Đến tháng 8/1941, Quảng Trị nhận được Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước; Tuyên ngôn, Chương trình hành động và Điều lệ của Việt Minh, Điều lệ của các đoàn thể cứu quốc do Xứ ủy Trung Kỳ truyền đạt.

Đến cuối năm 1941 đầu năm 1942, Ủy ban Việt Minh (hay Ban vận động Việt Minh) tại Quảng Trị đã thành lập ở một số nơi; các hội phản đế chuyển thành các hội cứu quốc như: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc. Mặt trận Việt Minh tổ chức nhiều buổi mít tinh để giới thiệu rộng rãi Tuyên ngôn của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Qua đó, hội viên Việt Minh và các đoàn thể phát triển mạnh, phấn khởi tham gia các phong trào đấu tranh.

Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa. Phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang dấy lên khắp nơi trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh, các cán bộ, đảng viên từ các nơi trở về đã tận dụng thời gian, móc nối với cơ sở cách mạng, hội viên Việt Minh và các đoàn thể, tuyên truyền phục hồi phong trào.

Ngày 25/3/1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 80 cựu chính trị phạm được tự do, đã bổ sung cho Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh một lực lượng vô cùng quan trọng. Tình hình ngày càng cấp bách, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động quần chúng, tổ chức các đoàn thể cứu quốc, thành lập các ủy ban Việt Minh huyện, xã. Lúc này đồng chí Bùi Trung Lập làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời trực tiếp phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh.

Sau khi quán triệt chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời chủ trương tổ chức và mở rộng ảnh hưởng của Việt Minh, thành lập ủy ban giải phóng tỉnh và huyện. Phong trào cách mạng lên cao, hầu hết chính quyền địch đều bị tê liệt, Ủy ban Việt Minh công khai hoạt động. Các đội tuyên truyền xung phong tổ chức mít tinh, diễn thuyết khắp nơi, có biểu ngữ, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng để giới thiệu Mặt trận Việt Minh trước đông đảo quần chúng.

Theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, Nhân dân toàn tỉnh hăng hái quyên góp lúa gạo, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị băng, cờ, khẩu hiệu. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa vô cùng gấp rút và náo nhiệt. Uy tín của Việt Minh lan rộng và dâng cao. Phong trào Việt Minh lan nhanh từ vùng nông thôn đến thị thành. Tính đến tháng 8/1945, toàn tỉnh đã có khoảng 400 đảng viên và cán bộ Việt Minh, hàng vạn hội viên Việt Minh. Trong chính quyền thân Nhật, Mặt trận Việt Minh cũng đã lôi kéo được đa số binh sĩ và nhiều sĩ quan ngả theo cách mạng. Thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín muồi.

Thực hiện chủ trương của hội nghị toàn tỉnh tại Phước Lễ (Triệu Phong) ngày 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh được thành lập và chuyển đến làm việc tại trụ sở của Ủy ban Việt Minh tỉnh (thôn Mỹ Lộc, Triệu Hòa, Triệu Phong). Để cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi và tránh đổ máu, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh cử một phái đoàn Việt Minh do ông Hồ Thâm làm trưởng đoàn đến đàm phán với quân Nhật; một phái đoàn Việt Minh do ông Nguyễn Hữu Khiếu làm trưởng đoàn đi thương lượng với lực lượng bảo an binh; một phái đoàn Việt Minh do bà Lê Thị Diệu Muội đến gặp tỉnh trưởng Phan Văn Hy.

Quân Nhật lúc đầu tỏ thái độ hung hăng nhưng trước khí thế dâng cao của Việt Minh, buộc phải chấp nhận các yêu cầu của ta. Đối với lực lượng bảo an binh, sau khi nghe phái đoàn Việt Minh phân tích tình hình đã đồng ý đi theo Việt Minh tham gia khởi nghĩa. Riêng tỉnh trưởng Phan Văn Hy đã có mấy lần viết thư cho ông Trần Hữu Dực xin giao nộp chính quyền nên đã đón tiếp chu đáo phái đoàn Việt Minh và chấp nhận mọi yêu cầu.

Đến tối ngày 22/8/1945, công tác chuẩn bị khởi nghĩa đã hoàn tất. 19 giờ, 3 đại đội vũ trang tuần hành thị uy tiến vào thị xã tỉnh lỵ, hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim”; “Ủng hộ Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh”; “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”.

Đoàn biểu tình đi đến đâu, Nhân dân tham gia hưởng ứng đến đó. Sau khi các đại đội tự vệ trở về vị trí tập kết, các cán bộ Việt Minh trong thị xã tiếp tục phát động quần chúng tổ chức mít tinh, diễn thuyết gây thân thế. 1 giờ ngày 23/8/1945, tất cả các lực lượng được phân công lần lượt kéo vào thị xã với khí thế long trời, dậy đất. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, toàn bộ lực lượng tham gia khởi nghĩa đã kéo vào hết trong nội thị. Một cuộc biểu tình thị uy lớn chưa từng có diễn ra.

Đúng 5 giờ ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực lên tầng dinh tỉnh trưởng, hạ cờ chính quyền bù nhìn xuống, treo cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt Minh lên. Tất cả các cột cờ trong nội thành đều đồng loạt treo cờ đỏ sao vàng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị đã thắng lợi hoàn toàn.

Thu Hà - Châu Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=160444&title=mat-tran-viet-minh-tinh-quang-tri-trong-cach-mang-thang-tam