Hiện tượng lạ này được quan sát từ những năm 1645 đến 1715 bởi nhiều nhà thiên văn danh tiếng, bao gồm Galileo Galilei, được gọi là "cực tiểu Maunder".
Thông thường, Mặt Trời hoạt động với chu kỳ ổn định 11 năm: ban đầu hiền hòa, sau đó dần bùng lên mạnh mẽ với những cơn bão Mặt Trời dồn dập, khắc nghiệt rồi lại dịu dần trong phần còn lại của chu kỳ.
Thế nhưng trong 70 năm "ngủ đông" đó, các vết đen Mặt Trời ngưng xuất hiện, tức Mặt Trời bỗng trở nên hiền lành, tĩnh lặng đáng sợ trong suốt khoảng thời gian này.
Tất nhiên các nhà khoa học không thể quay ngược thời gian để tìm hiểu thêm về cực tiểu Maunder.
Để giải đám bí ẩn, nhà vật lý Anna Baum từ Đại học Lehigh và các cộng sự đã theo dõi 59 ngôi sao có đặc điểm tương tự Mặt Trời trong vài thập kỷ qua.
Cuối cùng, họ đã xác định được bản sao của Mặt Trời là ngôi sao HD 166620 cũng có hành vi tương tự.
Trước đây nó hoạt động với chu kỳ 17 năm, nhưng từ 2003 đến nay đã không còn xuất hiện vết đen nào, yên lặng y hệt Mặt Trời trong cực tiểu Maunder.
HD 166620 là một ngôi sao cách xa 36 năm ánh sáng, có kích thước và khối lượng khoảng 80% so với Mặt Trời và khoảng 6 tỉ năm tuổi.
Việc phát hiện ra một "bản sao" mang hành vi ngủ đông này cho thấy Mặt Trời của chúng ta không đơn độc.
HD 166620 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu điều gì đã dẫn đến giai đoạn cực tiểu bí ẩn này cũng như có thể đem lại nhiều dữ liệu khác để hiểu thêm về Mặt Trời của chúng ta, như một cách soi gương.
Lê Trang (theo Science Alert)