Mặt trời phát ra tia lửa lớn nhất trong hai thập kỷ, Trái đất có bị ảnh hưởng?
Vào thứ Ba (14/5), Mặt trời đã tạo ra tia lửa lớn nhất trong gần hai thập kỷ, chỉ vài ngày sau khi các cơn bão mặt trời tấn công Trái đất và tạo ra hiện tượng cực quang rực rỡ.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tia lửa này là lớn nhất trong chu kỳ 11 năm của Mặt trời, hiện đang tiến đến đỉnh điểm. May mắn thay, lần này Trái đất không nằm trong tầm ảnh hưởng, vì tia lửa phát ra từ khu vực Mặt trời đang quay ra xa Trái đất.
Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA đã chụp lại ánh sáng chói lóa của tia lửa tia X này. Tia lửa này được xếp hạng X8.7, là tia lửa mạnh nhất kể từ năm 2005.
Bryan Brasher, chuyên gia tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA ở Boulder, Colorado, cho biết tia lửa có thể còn mạnh hơn khi các nhà khoa học thu thập thêm dữ liệu.
Trước đó gần một tuần cũng có các tia lửa và khối lượng plasma phóng ra từ Mặt trời, đe dọa gây gián đoạn nguồn điện, thông tin liên lạc trên Trái đất và trong quỹ đạo. Vụ phóng plasma liên quan đến tia lửa này dường như cũng đã hướng ra khỏi Trái đất.
Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp, tia lửa đã khiến một vệ tinh môi trường của NASA xoay vòng ngoài ý muốn và các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế phải vào khu vực lá chắn bức xạ để bảo vệ an toàn.
Thu Giang (theo NASA, AP)