Mất văn hóa cũng là mất biên giới, đau hơn nhiều...

Gặp họa sĩ Lê Thiết Cương vào một ngày đầu thu trong không gian rất đẹp ở phố cổ Hà Nội, câu chuyện giữa chúng tôi không chỉ nói về mỹ thuật mà cả những ký ức về một thời đã qua và quan điểm của anh trong sáng tạo nghệ thuật...

Những năm tháng trải nghiệm đáng giá

PV: Có lẽ, rất ít người biết rằng, trước khi vào học Sân khấu - Điện ảnh, anh đã có thời gian đi bộ đội. Anh nhớ gì về quãng thời gian đó khi anh còn rất trẻ?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ngày đó tôi là một thanh niên Hà Nội vừa học xong phổ thông, trong veo, hồn nhiên và ngơ ngác vô cùng. Nhận được lệnh tổng động viên lên đường. Đơn vị tôi đóng quân ở Thái Nguyên. Ở đó, lần đầu tiên chàng trai Hà Nội không biết làm bất cứ công việc tay chân gì được học từ đầu những việc đồng áng, bổ củi, chặt cây như một người nông dân thực thụ. Ấn tượng tôi nhớ nhất là vất vả và... đói, lúc đó mỗi tháng được 23 kg gạo mà vẫn thấy đói, lạ thế. Nhưng, kết thúc 4 năm quân ngũ trở về tôi cảm ơn những năm tháng đó đã cho tôi một kỹ năng sống tuyệt vời, bản lĩnh và tính kỷ luật. Những thứ kỹ lưỡng, ngăn nắp, thậm chí nhiều người chê là khó tính, cầu kỳ, ấy là do tôi có được từ 4 năm quân ngũ.

PV: Hình như, những năm tháng bộ đội không để lại dấu vết trong tác phẩm của Lê Thiết Cương?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi nhập ngũ vào mùa đông năm 1980. 10 năm sau, tôi vẽ 20 bức tranh kỷ niệm giai đoạn đó nhưng đến bây giờ tôi vẫn để nguyên trong hộp. Năm nay, tôi có ý định trưng bày cuộc đó nhưng rồi lại bận rộn nhiều việc khác. Trước Noel 2024 này, tôi phải làm một việc quan trọng là thắp nến sinh nhật 100 tuổi thầy tôi, nhà thơ Đặng Đình Hưng và in tập di cảo của ông. Tập di cảo này chưa từng công bố với những tư liệu quý giá. Tôi tập trung vào việc đó nên lại lỡ hẹn với chính mình. Tôi lỡ hẹn với mình nhiều cuộc khác nữa do tôi bận quá. Nhiều dự định, mong muốn, ấp ủ không chỉ cho riêng tôi, mà cho người thân, bạn bè và những người tôi kính trọng ngưỡng mộ nhưng chưa đủ thời gian để thực hiện.

PV: Nhắc đến nhà thơ Đặng Đình Hưng, tôi nhớ anh chia sẻ nhiều về việc anh may mắn lớn lên trong "bầu khí quyển" của các bậc văn nhân cha chú, những người có con mắt xanh và cá tính nghệ thuật sâu đậm. Đặc biệt, tuổi trẻ của anh rất gần gũi với nhà thơ Đặng Đình Hưng. Ông đã ảnh hưởng sâu sắc như thế nào trên con đường nghệ thuật của anh sau này?

Những cuốn sách do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện.

Những cuốn sách do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ngày đó, nhà thơ Đặng Đình Hưng là hàng xóm của gia đình tôi. Tôi đi bộ đội về, phường Giảng Võ ưu tiên cho tôi đi xuất khẩu lao động ở Bulgaria làm trong nhà máy đóng giày nhưng tôi không đi. Ở nhà không có việc gì làm nên tôi sang nhà hàng xóm chơi. Lúc đó anh Đặng Thái Sơn đã có trợ cấp lương ở nước ngoài, thường xuyên gửi về cho bố Đặng Đình Hưng nên cụ hay tổ chức những bữa rượu ở nhà mời bạn bè văn nghệ đến chơi. Tôi đóng vai trò phục vụ, giao liên, điếu đóm cho các cụ. Chẳng hạn, nhân dịp anh Đặng Thái Sơn gửi chai vodka Nga về, cụ lại bảo tôi xuống mời bác Trần Dần, Lê Đạt... Ngày xưa không ai có điện thoại, tôi lóc cóc đạp xe đến nhà cụ Trần Dần và ra cửa ga Hàng Cỏ vẫy xích lô đỗ cửa, vợ và con gái đưa cụ ra đặt lên xích lô. Nhưng, hay nhất của cụ Hưng là khi tôi đi, cụ dặn tôi trả tiền xích lô khứ hồi. Ông đạp xích lô cứ đứng cửa chờ để chở khách về. Không chỉ cụ Trần Dần mà Dương Tường, Hoàng Cầm, Lê Đạt..., cụ Hưng đều tận tình, chu đáo như thế.

Tôi tự trào rằng, 5 năm đại học và "đúp" (tôi thi đậu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhưng không có bằng tốt nghiệp vì môn mà tôi thích nhất là Lịch sử mỹ thuật, ở trường dịp đó dạy không hay nên tôi không học) không bằng những năm "học" ở "trường học hàng xóm", dù học chỉ là "nghe lỏm" chứ không được dạy trực tiếp. Cụ Hưng không biết vẽ nhưng cụ xem tranh tôi rất kỹ, là thầy của tôi bởi cụ có con mắt xanh. Chính cụ nhìn ra chất tối giản trong tôi và "đẩy tôi ngã" vào tối giản. Đó là cách dạy quan trọng nhất, là mắt xanh vì không có mắt xanh không nhìn ra tố chất đang ngủ trong tôi để đánh thức nó.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Như Bình tại một sự kiện nghệ thuật.

Họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Như Bình tại một sự kiện nghệ thuật.

PV: Vậy, chính nhà thơ Đặng Đình Hưng là người đã "khai nhãn" cho anh trong nghệ thuật?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Điều đó quan trọng 100% rồi, nhưng điều quan trọng 100% thứ hai là từ gia đình. Bố mẹ tôi là cán bộ văn hóa, có cái sổ mua sách và đĩa nhạc từ Liên Xô, châu Âu về. Tôi được lớn lên trong sách và nhạc... Và, một người quan trọng hướng dẫn tôi nghe nhạc cổ điển là biên đạo múa nổi tiếng của Hà Nội. Cụ Hưng giảng cho tôi nhiều về âm nhạc. Khi cụ bị án "kỷ luật", những người bạn như nhạc sĩ Huy Du, Trọng Bằng, Vĩnh Cát, Đỗ Nhuận đã cưu mang bằng cách đưa tài liệu tiếng Anh, Pháp, Nga cho cụ dịch để có thu nhập tối thiểu. Cụ vừa dịch vừa chuyển tài liệu quý cho tôi, hướng dẫn tôi đọc sách này, nghe bản nhạc kia, không hiểu đến đâu thì hỏi. Cụ hướng dẫn tôi nghe 9 bản giao hưởng của Beethoven và giảng cho tôi hiểu thế nào là giao hưởng, sonata, concerto... Tôi đã được học 5 năm ở "trường học hàng xóm" như thế cho đến tháng 12/1990, cụ Hưng mất. Tháng 5/1991, tôi có triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời.

Nhà văn Như Bình trò chuyện cùng họa sĩ Lê Thiết Cương.

Nhà văn Như Bình trò chuyện cùng họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tối đa rồi mới tối giản được

PV: Nhà thơ Đặng Đình Hưng đã đẩy anh "ngã vào tối giản". Vậy, anh có nhớ khoảnh khắc nào/thầy nói điều gì giúp anh nhận ra điều đó?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Cụ không trực tiếp nói về hội họa mà kể cho tôi nghe một câu chuyện về nhà thơ Vương Bột (Trung Quốc) có hai câu thơ thế này: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc", ông đọc một lần mà tôi nhớ đến hôm nay. Nhà thơ Vương Bột rất tâm đắc với hai câu thơ đó nên viết trên giấy xuyến chỉ treo lên, rồi ông ốm và mất. Có một học trò thấy thầy về báo mộng rằng, con làm ơn xóa cho thầy hai chữ "cộng" và "dữ". Cụ Hưng nói, làm nghệ thuật phải biết chắt lọc, nhất là thơ ca vì thơ ca hàm súc, cô đọng, phải luôn treo thanh kiếm bên cạnh để "chém" những chữ thừa. Đó là cách cụ giảng về tối giản. Khi xem tranh tôi vẽ, cụ bảo, phải bớt dần, như chỗ này thừa cái cây, chỗ kia thừa chiếc lá...

PV: Đúng là nghệ thuật của Lê Thiết Cương trung thành với phong cách tối giản, nhưng rõ ràng ở ngoài đời anh sống không tối giản tí nào, thậm chí còn đa mang nhiều thứ?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Nghệ sĩ phải luôn có cái riêng của mình, dù cái riêng ngày càng khó và không nên đòi hỏi cao, anh chỉ đóng góp 1% sợi tóc mà khác với thế hệ đi trước đã là được rồi, đừng mong gì ghê gớm cả. Tại sao tối giản mà lại phải tối đa? Tôi, dù rất khiêm tốn cũng phải tự nhận rằng, trên mức độ họa sĩ, nên hiểu tôi là một nghệ sĩ. Tôi có làm gốm hay thiết kế bìa sách, viết, vẽ... làm bất cứ gì thì cũng chỉ làm nghệ thuật thôi. Vì thế, không tối đa thì không tối giản được. Vì một lẽ rất logic, phải có một triệu con vịt trong đàn vịt chúng ta mới chọn được 10 con xuất sắc, chứ nếu chỉ có 20 con làm sao chọn được. Tối đa hay tối giản là hai mặt của một tờ giấy. Nếu không có hiểu biết chung về các ngành nghệ thuật thì sáng tạo một tác phẩm không thể hay được. Phải có tri thức về những ngành xung quanh mình, đó là chưa kể tôi rất thích lịch sử văn hóa, lịch sử Phật giáo Việt Nam, lịch sử nghệ thuật... Một người có tri thức vẽ sẽ khác với người vẽ bằng cảm tính, bằng năng khiếu (sẽ không đi dài được). Muốn đi đường dài phải có tri thức.

Họa sĩ Lê Thiết Cương với NSND Đào Trọng Khánh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương với NSND Đào Trọng Khánh.

PV: Đa mang đầu tiên của Lê Thiết Cương phải kể đến đó là tình yêu vô điều kiện với văn hóa Việt. Anh luôn tự hào mình là một "gã trai" của phố cổ Hà Nội, hiểu, thấu cảm và thuộc lòng văn hóa phố cổ. Những gì anh đã/đang làm cho thấy Lê Thiết Cương quá đa mang khi là người muốn tận cùng lưu giữ những vẻ đẹp của phố Hà Nội?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi sinh ra ở phố cổ nên tôi hiểu cái lõi của văn hóa Hà Nội. Người ta thường nói, hiểu để mà yêu. Khi đã yêu sẽ đau khi chứng kiến văn hóa đang mất mát, mai một từng ngày. Và, thấy đau thì cần lên tiếng. Bởi, tri thức không tạo nên trí thức, đã là trí thức phải dám lên tiếng, phản biện về các vấn đề. Tôi là một nghệ sĩ, tôi phản biện bằng chính nghệ thuật và những bài viết về văn hóa, đó là cách phản biện xã hội của tôi để bảo vệ những giá trị văn hóa Hà Nội đang mai một.

PV: Không chỉ vẽ, anh còn thể nghiệm trên nhiều chất liệu khác như làm gốm, làm tượng, rồi viết sách. Nhưng, có lẽ, tất cả đều xoay quanh tình yêu và nỗi đau đáu của anh trước sự mất mát của văn hóa truyền thống?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi đã thực hành làm gốm Hương Canh, Bát Tràng và tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ tại Hà Nội, một triển lãm vừa có đồ gia dụng gốm Hương Canh và tác phẩm của các nghệ sĩ sáng tác trên chất liệu gốm truyền thống. Thực tế, làng Hương Canh bây giờ chỉ còn 5-7 gia đình làm gốm. Thổ Hà, một làng có lịch sử 400 năm, điển hình của đồng bằng Bắc Bộ không còn ai làm nghề. Rồi, làng mây tre đan Phú Vinh chỉ còn thưa thớt vài hộ gia đình. Muốn bảo vệ được gốm hay các làng nghề truyền thống, các sản phẩm phải sống được trong đời sống đương đại, nghệ nhân phải có thu nhập, đó là cách bảo tồn và phát triển tốt nhất.

Gốm Thổ Hà, gốm Hương Canh mất đi, không phải chúng ta chỉ mất cái vại muối dưa mà trong cái vại ấy chứa đựng cả tập tính, văn hóa ngàn đời của người Việt. Mấu chốt của chúng ta là vấn đề chính sách. Tôi đi thăm một làng nghề ở Hàn Quốc, mỗi năm họ sản xuất được 1.000 bình gốm và bán được bao nhiêu đó thì chính phủ sẽ tặng thêm cho họ chừng ấy tiền để cảm ơn các nghệ nhân đã giữ truyền thống cho đất nước. Bởi, rõ ràng, mất truyền thống là mất căn cốt của một dân tộc. Cao hơn nữa phải thấy rằng, điều để phân biệt quốc gia này với quốc gia khác chính là văn hóa. Văn hóa là biên giới, là ban thờ của một quốc gia. Đã đến lúc chúng ta nên xem biên giới là một khái niệm mới, mềm và mở hơn. Chúng ta vô cùng đau khi mất đi một một mét đất vì đó là xương máu của ông cha, nhưng mất văn hóa cũng là mất biên giới. Chúng ta mất một thứ gì đó vật chất rất tiếc, nhưng mất văn hóa đau hơn nhiều, vì ít người biết. Và, để lấy lại nó, thời gian là cấp số nhân. Đánh mất trong 5 năm nhưng muốn lấy lại chúng ta phải mất 50 năm. Tôi chưa thấy ai khóc khi Thổ Hà mất đi, cũng chưa thấy ai đau khi làng nghề Phú Vinh 400 năm còn quá ít hộ gia đình làm mây tre đan.

PV: Với một người kỹ lưỡng, cầu kỳ, tỉ mỉ, luôn khao khát lưu giữ những vẻ đẹp của ký ức trong dòng chảy xê dịch của văn hóa hôm nay, anh có thấy đôi khi tình yêu đa mang cũng trở nên bất lực?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Vẫn là quan điểm sợi tóc thôi. Nếu như quan niệm rằng, bài báo vài ngàn chữ về những giá trị văn hóa đã mất không ai đọc thì mình sẽ nản. Nhưng, tôi vẫn làm vì có niềm tin. Đặc tính rất hay của văn hóa là vừa mong manh, vừa bền vững (chữ của nhà văn Nguyên Ngọc). Nó bền vững ở chỗ toàn bộ văn minh vật chất, văn minh tinh thần của người Việt, 90% bị mất đi trong ngàn năm Bắc thuộc và 18 năm nhà Minh đô hộ bằng những chính sách Hán hóa thâm độc. Nhưng, sau khi Lê Lợi giành độc lập, văn hóa của chúng ta lại phát triển rực rỡ ngay. Thơ văn Lý, Trần, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là những đỉnh cao của văn hóa nghệ thuật Việt..., là những minh chứng cho sức mạnh văn hóa của người Việt. Có thể nói, sức mạnh của người Việt phải lấy sức mạnh văn hóa làm nòng cốt để mà giữ, mà đau, vì còn đau là chúng ta còn có lòng tự trọng, để biết gìn giữ và bảo tồn.

PV: Anh có một tình bạn lớn với nhà văn Nguyễn Việt Hà. Nếu tôi nói rằng, nhìn bề ngoài tính cách, hai anh không giống nhau, có khi còn ngược nhau, sao một người duy mỹ, cầu kỳ như anh lại thân với một Nguyễn Việt Hà thô tháp, giản dị. Điểm gì ở nhà văn "Cơ hội của Chúa" thu hút anh?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Tôi là người đông bạn, ham bạn. Bạn bè Bắc - Trung - Nam chứ không chỉ trong giới họa sĩ ở Hà Nội. Tôi quan niệm, phải chơi được với cái phần không hay, nhược điểm của bạn thì mới đông bạn. Duy mỹ đến cực đoan như tôi, cầu kỳ, khó tính, đúng hẹn, đã hứa thì sống chết cũng làm, ấy vậy mà tôi chơi được với rất nhiều cá tính trái ngược. Điều quan trọng nữa là tôi muốn tìm hiểu rộng các lĩnh vực. Nguyễn Việt Hà là người đọc nhiều, hiểu biết rộng những lĩnh vực mà tôi dù đọc rất nhiều cũng không bao quát hết được.

PV: Trò chuyện với anh, tôi hiểu một góc khác của Lê Thiết Cương. Nhưng, thực sự muốn hiểu tâm hồn Lê Thiết Cương thì hãy xem tác phẩm của anh?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đúng thế, dù tác phẩm lớn hay nhỏ nhưng với những nghệ sĩ chân chính thì qua tác phẩm sẽ thấy chân dung của người nghệ sĩ. Họ bộc bạch mình trong đó, không nói dối được.

Họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển triển lãm "Sống trong nghệ thuật" của họa sĩ Linh Chi, tháng 12/2023.

Họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển triển lãm "Sống trong nghệ thuật" của họa sĩ Linh Chi, tháng 12/2023.

Phải thực tài mới thừa nhận tài của người khác

PV: Điểm đa mang thứ hai ở Lê Thiết Cương là con người trọng tài. Yêu sự liên tài. Nói như người xưa: "Biệt nhỡn liên tài". Anh có thể chia sẻ một vài suy nghĩ của anh về ý này?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chỉ những người tài thực sự mới công nhận tài của người khác. Tôi chỉ có một khả năng là tối giản thôi, còn tối đa, nhiều màu thì làm sao tôi bằng các họa sĩ khác được. Tôi vừa mua bức tranh "Phố Hà Nội" của họa sĩ Trịnh Thái, treo cạnh bức vẽ phố của tôi. Tôi có khoảng 100 tác phẩm của 100 họa sĩ khác nhau vì tôi thích, công nhận tài của họ và tôi bỏ tiền ra mua. Từ việc thích, công nhận tài của người khác, tôi hay đi xem tranh của các họa sĩ trẻ, có khả năng viết cảm tưởng sau khi xem và hỗ trợ họ triển lãm, giới thiệu họ đến với công chúng.

PV: Yêu và trọng tài năng, Lê Thiết Cương sẵn sàng ủng hộ các tài năng trẻ. Bằng chứng anh có "Nhóm 39A Lý Quốc Sư" tập hợp các bạn trẻ luôn cần anh chỉ dạy, đỡ đầu. Gallery 39A Lý Quốc Sư từng là một gallery phi lợi nhuận và bằng uy tín của mình, anh là người đứng ra hỗ trợ các họa sĩ trẻ, tạo điều kiện, đỡ đầu cho tác phẩm của họ đến với công chúng. Anh có thể chia sẻ về điều này?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đầu tiên mình phải có điều kiện, muốn giúp ai mình phải gầy đi, phải mất công, mất sức và mất thời gian. Tôi có ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư có thể làm thành không gian triển lãm. Tôi cũng biết xem tranh vì nhiều người không biết xem tranh. Nhiều người biết xem nhưng không viết thành bài để giới thiệu nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi ấy đến với công chúng yêu nghệ thuật. Tôi làm những điều đó tự nhiên chứ không phải cố gắng gì đâu.

PV: Sự "Biệt nhỡn liên tài" của Lê Thiết Cương còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác ngoài hội họa như anh sẵn sàng giúp đỡ người trẻ làm sách, vẽ minh họa, giám tuyển... Anh đồng hành với nhà văn như Đỗ Bích Thúy, nhà khoa học kén chọn độc giả và nhiều tranh cãi như Tiến sĩ Từ Huy không vì bất cứ một điều gì khác?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Như đã nói, tôi có nhu cầu xem và đọc của đồng nghiệp, nhu cầu đó là tự nhiên, là tự thân. Nhưng, nghệ sĩ ngoài nhu cầu tự thân mà không yêu thương, tôn trọng tài năng, tác phẩm của nhau thì đừng trách phim này không ai xem, kịch kia không ai mua vé, tranh, sách này bán ra không ai mua... Nghệ sĩ không đọc, không xem của nhau thì còn nói chuyện gì. Tư tưởng này từ Phật giáo cũng rất hay. Đến mức độ nào đó thì ăn chay, niệm Phật, hành thiền phải là không. Đức Phật đúc kết rằng: "Tu cái vô tu, đắc cái vô đắc, hành cái vô hành". Tôi giúp người này vì tự thân tôi muốn làm chứ không phải vì Đức Phật dạy phải làm điều tốt để một ngày được lên Niết Bàn. Đó là tự thân, đâu phải nỗ lực. Nỗ lực đã tốt rồi nhưng cao hơn là vô sở cầu.

PV: Cách đối xử với người trẻ hôm nay của anh liệu có phải là sự tri ân đối với cuộc sống, khi mà chính ngày trẻ anh đã nhận được sự giúp đỡ quý giá từ các bậc cha chú?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Như tôi đã nói, đó là một nhu cầu tự thân của tôi. Tôi được thầy dạy về nền tảng để từ cái nền tảng ấy, tôi tìm ra ánh sáng và con đường của mình. Và, tôi cũng đang làm những điều đó với các bạn trẻ hôm nay.

Chấp không còn khó hơn chấp có

PV: Cái đa mang rõ nét thứ ba trong con người họa sĩ Lê Thiết Cương đó là sự hiểu biết sâu sắc của anh đối với Phật giáo, đặc biệt là lịch sử Phật giáo. Đến với Phật giáo hẳn anh phải có cơ duyên nào đó?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Ngày xưa, trong mỗi gia đình đều có một tủ sách nhỏ. Bố mẹ đi làm, ở nhà không có việc gì thì đọc sách. Rồi, sơ tán về quê ở với ông bà, trong tủ nhà tôi rất nhiều sách Phật giáo, kinh kệ. Tôi không biết làm gì nên đọc sách. Trở lại câu chuyện lúc nãy, là đọc cái vô đọc, không phải đọc để làm gì mà đọc vì ngày xưa không có tivi, internet. Nhà có gì đọc nấy rồi nó ngấm vào mình, mê đọc lúc nào không biết. Sau năm 1975, bố đi công tác miền Nam ra, mang theo rất nhiều sách, lúc đó tôi mới tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh châu Âu, triết học... Và, cách đọc khủng khiếp nhất là do hoàn cảnh xô đẩy, trong 3 tuần tôi mượn và đọc xong "Kinh dịch" bằng cách mua giấy 5 hào 2 và bút máy Trường Sơn về chép từ trang đầu đến trang cuối, bản dịch của Phan Bội Châu. Vì nếu không chép lại sách, khi trả sách rồi tôi làm sao nghiền ngẫm đọc đi đọc lại thứ mình thích được. Đến bây giờ, hóa ra, để quên khó hơn để nhớ.

PV: Nhiều người xem tranh của anh nói rằng nghệ thuật của anh tối giản, nhưng tôi thấy chất thiền đậm trong các tác phẩm của Lê Thiết Cương. Rõ ràng, hội họa tối giản của anh có sự gặp gỡ với chất thiền trong Phật giáo. Người chưa gần Phật thì thấy đó là sự tối giản. Nhưng, người hiểu Phật sẽ nhìn thấy mênh mông những thông điệp ẩn trong sự tối giản vô ngôn đó?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Chủ nghĩa tối giản nằm trong thiền vì mỹ cảm của thiền là mỹ cảm của không. Thiền vốn vô ngôn, thiền là yên tĩnh, thiền là ngồi úp mặt vô tường. Đừng hiểu chỉ có Phật giáo là tối giản. “Kinh Dịch” cũng là tối giản, toàn bộ vũ trụ này được quy về 64 quẻ, toàn bộ câu chuyện lớn nhỏ của thế giới được quy về Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Toàn bộ ngũ hành ấy cô lại trong hai chữ Âm - Dương, toàn bộ Âm - Dương cô lại ở Thái cực.

PV: Vậy, theo anh, tinh thần Phật giáo nguyên thủy của cha ông xưa liệu có còn không?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đến hôm nay câu chuyện đã thay đổi nhiều rồi, rất may chúng ta vẫn còn Trúc Lâm Yên Tử. Ngày hôm nay tinh thần của Trúc Lâm Yên Tử đang trở về nên chúng ta có nhiều Phật viện lớn như Yên Tử, Tam Đảo, Đà Lạt... Cách cổng thiền viện 2 km là một trường học, các em vẫn đến trường nhưng không mang tiền, xe hỏng thì dắt bộ về. Họ giữ cái tinh nhất ấy. Nên thôi, hy vọng Phật giáo vẫn còn. Ngược lại quá khứ, chúng ta thấy Phật giáo thời Trần rất khác biệt, khác thiền Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc... Thiền của nhà Trần một mình một quan điểm, đó là thiền tùy tục, vô cùng độc đáo. Khi đất nước binh đao, người tu hành vẫn đứng dậy cầm gươm đi đánh giặc để giữ yên bờ cõi, xong lại xuống tóc, gác kiếm, khoác áo, đọc kinh kệ. Tuệ Trung Thượng Sỹ là một ví dụ điển hình.

PV: Trò chuyện với anh, tôi hiểu gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến con đường của anh sau này, một gia đình có bố mẹ là cán bộ văn hóa, coi trọng tri thức, sự học, hẳn sẽ là chìa khóa để anh có một nền tảng tốt sau này?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đó là may mắn!

PV: Mẹ là một người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời anh và đến bây giờ mẹ vẫn ở cạnh anh, khi cuộc sống đi qua nhiều dâu bể. Anh có thể chia sẻ một chút về người phụ nữ đặc biệt này?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Mẹ tôi sinh ra tôi. Nuôi dưỡng tôi, dưỡng thân, dưỡng tâm. Nhìn tôi thì thấy mẹ tôi, cha tôi, gia đình tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Như Bình - Việt Hà (thực hiện)

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/mat-van-hoa-cung-la-mat-bien-gioi-dau-hon-nhieu--i743451/