Mất việc bởi dịch bệnh, bị chồng và nhà chồng gây chuyện
Việc lớn, việc bé trong nhà, từ cưới hỏi ma chay, cho đến làm gì, ăn gì, đi đâu... cũng do chồng quyết. Đến lúc bố mẹ chồng hỏi việc nọ, việc kia, cô cứ 'ậm ờ', khiến ông bà khó chịu, coi thường, bảo cô ở nhà mà không biết thu vén.
Cô gái gọi điện cho Thanh Tâm trong tâm trạng muốn dừng lại cuộc hôn nhân của mình vì cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi. Sau 5 năm chung sống, tình cảm của 2 vợ chồng cô ngày càng phai nhạt. Người chồng trở nên độc đoán, khó chịu và coi thường cô. Mọi vấn đề phát sinh trong gia đình, chồng cô đều tự quyết, hoặc có hỏi cô thì cũng chỉ theo kiểu thông báo. Không chỉ chồng cô, mà cô cảm thấy gia đình chồng, bạn bè chồng đều đang coi thường mình. Cô thấy mình không có quyền lên tiếng và quyết định điều gì trong gia đình.
Cô kể, lấy chồng được mấy năm, công việc của cô khá bấp bênh. Mấy năm đầu thu nhập còn tàm tạm. Hai năm gần đây gặp dịch bệnh, cô hầu như không làm ăn được gì. Vợ chồng cô cũng khó có con, cầu mãi cô mới mang bầu. Sức khỏe của cô kém nên dễ bị động thai. Bác sỹ chỉ định cô phải nằm ở nhà gác chân để "giữ con". Trong suốt 6 tháng mang thai, cô muốn cầm cái chổi quét nhà, giặt cái giẻ lau phòng cũng khó, bụng dưới thi thoảng lại nhói nhói, đau lâm râm khiến cô lo sợ. Cô cảm thấy bất lực.
Chồng cô trước đây cũng tình cảm nhưng càng ngày càng vô tâm. Vợ phải ở nhà cả ngày nhưng anh ta cũng không hỏi han gì. Thậm chí thi thoảng còn mỉa mai: "Sướng nhất cô, chỉ việc nằm đấy gác chân. Sắp chết đói rồi đây!". Cô thấy tủi thân lắm. Nhưng cô biết, thời gian này chồng cô cũng đang phải cố gắng, tìm mọi cách để có việc, kiếm thu nhập lo cho cả nhà. Tuy nhiên, thái độ của chồng cô vẫn khiến cô rất ấm ức nhưng nếu nói ra thì chồng lại quát: "Thế em còn muốn cái gì nữa?".
Việc lớn, việc bé trong nhà, từ cưới hỏi ma chay, cho đến làm gì, ăn gì, đi đâu... cũng do chồng quyết. Đến lúc bố mẹ chồng hỏi việc nọ, việc kia, cô cứ "ậm ờ", khiến ông bà khó chịu, coi thường, bảo cô ở nhà mà không biết thu vén. Dịch bệnh nên việc ăn uống, tụ tập của chồng cô cũng đỡ đi. Trước đây, một tuần chồng cô có thể nhậu nhẹt 3-4 bữa. Lúc trước cô khỏe thì nấu nướng, thu dọn nhưng từ khi mang thai, cô không làm được nữa. Chồng cô phải tự làm, cô chỉ loanh quanh trong nhà. Chắc vì thế mà cô thấy chồng càng không coi cô ra gì.
Không chỉ chồng cô nói những câu khó nghe, coi thường vợ. Bây giờ đến họ hàng, bạn bè, anh em chiến hữu cũng không coi cô ra gì, nghĩ cô là kẻ ăn bám. Hôm trước, em họ chồng gặp cô ở đầu ngõ còn không chào, trong khi trước đó, chú ấy là người rất biết điều. Cô không còn thấy được yêu thương như trước. Cô muốn về nhà với bố mẹ vì ở đây cô thấy mình như người thừa. Cô đã cố gắng suy nghĩ tích cực vì con nhưng hoàn cảnh ngày ngày lặp đi lặp lại như vậy, khiến cô buồn.
Cô kể, bố mẹ cô già rồi, điều kiện kinh tế cũng không có, mà lại nhiều bệnh. Bây giờ nếu cô bỏ chồng về nhà, vừa thêm gánh nặng tài chính cho bố mẹ, vừa phải đối mặt với lời bàn ra tán vào của hàng xóm. Cô chỉ mong bố mẹ được vui vẻ, được sống bình an. Cô tự dằn vặt mình, đến bản thân còn không lo được thì làm sao giúp bố me...
Cô gái đã để cho cảm xúc tiêu cực cùng lúc bủa vây mình nên không thể nào thoát ra khỏi nó. Cô không thể giải quyết vấn đề của mình trong lúc này nên phải ưu tiên từng việc.
Thanh Tâm khuyên cô, thời gian này, dưỡng thai là điều cô nên quan tâm nhất. Con cái là món quà vô giá, cô là người cảm nhận được nỗi buồn sâu sắc nhất khi bị mất con, vì thế hãy trân trọng lần này, cố gắng giữ sức khỏe, ăn uống nghỉ ngơi điều độ và thoải mái tư tưởng. Chồng thương vợ nên lo quán xuyến mọi việc, điều đó là tốt nhất cho cô trong lúc này. Hơn nữa, ăn uống bên ngoài không vệ sinh, về nhà ăn uống cũng là cách bảo vệ sức khỏe. Thế nên, thay vì suy nghĩ chồng đang coi thường mình, cô hãy nghĩ rằng, anh ấy đang làm mọi việc để cô có thời gian tập trung chăm sóc bản thân và dưỡng thai.
Trong thời gian này, cô có thể tìm hiểu thêm về cách chăm con, thai giáo, bổ sung kiến thức cho bản thân để sau này chăm con thật tốt. Hãy mạnh mẽ và vui vẻ lên, nghĩ về con thật nhiều để có sức mạnh vượt qua tất cả. Khi đã "mẹ tròn con vuông" mới tính đến tìm công việc mới phù hợp. Chỉ khi mẹ khỏe, con khỏe, có thu nhập ổn định, lúc đó mới có thể chăm lo cho bố mẹ lúc tuổi già.