Mắt xích sống còn của hệ sinh thái xuất bản số
Kỷ nguyên số mở ra cánh cửa phát triển chưa từng có cho ngành Xuất bản, nhưng cũng kéo theo thách thức mang tên 'bản quyền'. Trong bối cảnh sách lậu tràn lan, tri thức bị đánh cắp mỗi ngày, nhiều chuyên gia khẳng định: Chỉ khi xây dựng được một hệ sinh thái xuất bản số lành mạnh, đa dạng và được bảo vệ nghiêm ngặt, ngành Xuất bản mới có thể bứt phá, phát triển bền vững và vươn tầm trong thời đại số hóa.

Cần đa dạng hóa nội dung và đẩy mạnh phòng, chống vi phạm bản quyền để xuất bản phát triển. Ảnh: ITN
Để nỗi lo bản quyền không kìm hãm xuất bản số
“Tôi có một tác phẩm tái bản 9 lần, đạt 45.000 bản bán ra, bỗng dưng bán chậm lại 2 tháng nay. Trớ trêu thay, trên không gian mạng, cuốn sách này “được bán rầm rập, công khai với số lượng lên đến hàng chục nghìn bản lậu, thậm chí còn in đẹp hơn bản thật…”, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT chia sẻ đầy trăn trở.
Tình cảnh này không xa lạ với những người gắn bó với ngành Xuất bản. Ông Nguyễn Cảnh Bình, với 20 năm kinh nghiệm trong ngành sách, cũng không ít lần phẫn nộ và lên Facebook tố cáo những người ăn cắp bản quyền. Hành vi vi phạm giờ đây không chỉ dừng lại ở việc sao chép đơn thuần mà còn táo tợn hơn khi sử dụng hình ảnh, video chính thức của các NXB để tổ chức khuyến mãi, cuộc thi, thậm chí lừa đảo người đọc.
Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Công ty CP Fonos, khẳng định: Ăn cắp bản quyền sách giấy vẫn thường xuyên xảy ra nhưng khó hơn, vì vẫn tốn tiền để in. Còn ăn cắp bản quyền các sản phẩm nội dung số thì quá dễ và dễ lan tỏa. Sự tiện lợi trong việc tạo lập website, landing page bán sách lậu bằng trí tuệ nhân tạo (AI) khiến các đơn vị sở hữu bản quyền “diệt không xuể” và dù có “la toáng lên cũng không xuể”.
Chính nỗi lo thường trực về vi phạm bản quyền đã khiến nhiều NXB chần chừ trong việc phát hành ebook và chuyển đổi số. Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Aki, chỉ ra một nghịch lý đáng báo động: “Việt Nam có hàng trăm nghìn người đã mua máy đọc sách, tuy nhiên lại không có nền tảng để mua sách bản quyền”. Điều này vô hình trung tạo ra một thói quen tiêu dùng sai lệch trong cộng đồng người dùng ebook. Đối với thế hệ Gen Z, với tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt trên mạng xã hội, nếu không có một nền tảng bản quyền đủ mạnh mẽ và hấp dẫn, thói quen sử dụng sách lậu sẽ ngày càng phổ biến.
Để vượt qua rào cản này, các chuyên gia đều nhấn mạnh sự cần thiết của một nền tảng phân phối sách bản quyền tiện lợi, nội dung phong phú và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, để xây dựng được một nền tảng như vậy, đòi hỏi sự cởi mở từ cả tác giả lẫn NXB. Ông Nguyễn Thế Hùng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa định dạng nội dung. Người đọc hiện đại cần được tiếp cận tri thức trong mọi hoàn cảnh, nếu ebook được coi là một “bản thử nghiệm thị trường” thì sẽ là bước đệm để tối ưu hóa chi phí và lan tỏa tri thức nhanh chóng.
Ông Lê Quốc Vinh cũng đồng quan điểm: “Không phải vì sợ vi phạm bản quyền mà không làm, mà phải sáng tạo ra những nội dung khác. Ngoài sản phẩm phái sinh từ sách in, nội dung số hoàn toàn có thể trở thành “nội dung lõi” của xuất bản hiện đại. Những sản phẩm như Pod Course, Podcast hay các bản tóm tắt sách với định dạng học tập, phát triển bản thân… là hướng đi mới mà Fonos đang triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả”.
Hoàn thiện pháp lý và công nghệ bảo vệ bản quyền
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thẳng thắn thừa nhận vi phạm bản quyền là bài toán đau đầu nhất, diễn ra có hệ thống và cực kỳ manh động. “Ngành Xuất bản đang trong trạng thái thoi thóp vì vấn nạn này. Bảo vệ bản quyền là bảo vệ sự phát triển, không bảo vệ được thì mọi nỗ lực đều vô nghĩa. Vì thế, cần một chiến lược toàn diện, bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bản quyền, hoàn thiện thể chế pháp luật, áp dụng các giải pháp công nghệ để đấu tranh chống vi phạm…”.
Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 và Nghị định 17/2023/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã được ban hành, nhưng việc xử lý vi phạm bản quyền vẫn chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Theo ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số: Xuất bản trên môi trường số là mảnh ghép quan trọng, hình thành nên hệ sinh thái sáng tạo nội dung rộng lớn.
Do đó, việc bảo vệ bản quyền sẽ thực hiện theo các bước chung của việc bảo vệ bản quyền nội dung số, từ việc đăng ký bản quyền, sử dụng công cụ công nghệ của các nền tảng phân phối, đến việc truyền thông nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước khi có các hoạt động xâm phạm...
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam chia sẻ về cơ chế xử lý vi phạm bản quyền: Nếu phát hiện đơn vị nào bán sách giả, TikTok sẽ cơ chế xử lý trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, chống hàng giả cả online và offline phải đến từ người bị hại, cơ chế là dựa vào báo cáo của người sử dụng”.
Ông nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam “khá dễ dãi”, sẵn sàng mua hàng giả với giá thấp. TikTok đang triển khai hashtag “An tâm vui sắm”, nhằm khuyến cáo người tiêu dùng về trách nhiệm, nếu phát hiện hàng giả, hãy báo cáo cho các bên liên quan.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, khẳng định: Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ công cụ, nhưng dường như các chủ thể quyền vẫn chưa thực sự chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian phải tạm dừng ngay lập tức việc lưu hành sản phẩm vi phạm và cung cấp bằng chứng đầy đủ, nếu không phối hợp, họ sẽ trở thành “kẻ tiếp tay” và phải chịu trách nhiệm pháp lý. Điều này cho thấy các chủ thể quyền cần chủ động hơn trong sử dụng các công cụ pháp lý hiện có.
Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã đưa ra những điều khoản được thế giới đánh giá là rất tiên tiến về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội và các đơn vị trung gian trong việc phối hợp xử lý vi phạm bản quyền, tốc độ thay đổi công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, vẫn là một thách thức lớn.
Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, các cơ quan quản lý đang khẩn trương nghiên cứu để hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo theo kịp sự phát triển “quá nhanh” của công nghệ.
Có thể thấy, việc đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng hệ sinh thái nội dung số phong phú, chất lượng là chiến lược then chốt. Khi người tiêu dùng có thể tiếp cận những nội dung hợp pháp, tiện lợi và hấp dẫn, với giá thành không quá cao, thói quen sử dụng sách lậu, sách giả sẽ dần được đẩy lùi. Đồng thời, các giải pháp phòng, chống vi phạm bản quyền được đẩy mạnh sẽ là yếu tố quyết định để tạo nên một thị trường xuất bản số phát triển bền vững.