Matxcơva và chuyện tình đẹp như thơ của NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Phan Ngọc Lan
Matxcơva, nơi gắn bó và trở nên thương nhớ với các thế hệ người Việt Nam trưởng thành trong thời gian khó. Ở đó là cả thời thanh niên sôi nổi và những hoài bão tuổi trẻ với bao nhiệt huyết được học tập và trở về cống hiến cho Tổ quốc. Matxcơva cũng là nơi đã chứng kiến nhiều mối tình ấm áp, nhiều kỷ niệm khó quên của những đôi lứa. Và một trong số ấy không thể không nhắc tới mối tình của NSND, diễn viên điện ảnh Ngọc Lan và họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân.
Run rủi được gặp người trong mộng
Gặp nhau lần đầu tiên tại Liên hoan phim Matxcơva, NSND, diễn viên điện ảnh Ngọc Lan cùng chồng là đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân đã dệt nên một câu chuyện tình yêu đẹp và diệu kỳ như trên màn ảnh từ 6 thập kỷ trước. Chuyến sang Liên Xô năm ấy, nghệ sĩ Ngọc Lan mới 19 tuổi nhưng đã gây ấn tượng với vai Nhàn trong phim “Lửa trung tuyến”. Với thành công này, bà là đại diện của điện ảnh Việt Nam vinh dự kéo cờ khai mạc Liên hoan phim Matxcơva 1961. Còn họa sĩ Ngô Mạnh Lân khi ấy 27 tuổi, đang là sinh viên được Nhà nước cử đi học tại trường Đại học Điện ảnh (khoa Họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình). Ông là một trong những sinh viên đầu tiên theo học tại Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Xô Viết (VGIK).
Lần đầu tiên gặp cô diễn viên xinh đẹp của đoàn Việt Nam tại Liên Xô, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã bị chinh phục bởi vẻ duyên dáng, trong sáng của nàng, nhưng vốn tính ít nói nên ông chưa dám thổ lộ. Run rủi thế nào, Ngô Mạnh Lân khi ấy là đại biểu của trường VGIK lại được tổ chức phân công làm phiên dịch cho Ngọc Lan. Thế là có cơ hội được trò chuyện, tâm sự nhiều hơn. Do bị ốm nên Ngọc Lan phải nằm lại bệnh viện cách Matxcơva 10km và cách ly trong phòng kính.
Một buổi sáng, trong khi Ngọc Lan đang nằm trên giường bệnh buồn bã nghĩ chàng sinh viên trường VGIK đã về nước, thì bất chợt nhìn thấy mái tóc quen quen qua khung cửa kính. Hóa ra, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã quyết định hủy vé để ở lại chờ Ngọc Lan về. Những ngày sau đó cho tới khi bà khỏi bệnh, cứ sáng sáng, ông lại bắt tàu điện tới thăm, dù chỉ để nhìn nhau qua cửa kính. Và rồi, trên chuyến tàu trở về Việt Nam, họ đã hẹn ước cùng nhau đi hết cuộc đời.
Trở về Việt Nam xây dựng gia đình và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã có một sự nghiệp thành công trong vai trò đạo diễn của các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”, “Thạch Sanh”… đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đưa tên tuổi của ông nổi bật ở lĩnh vực hoạt hình. Bên cạnh đó, ông còn là họa sĩ của những bức tranh, tác phẩm đồ họa độc đáo và là một người thầy, một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ở cả lĩnh vực điện ảnh và hội họa.
Còn diễn viên điện ảnh Ngọc Lan, sau thành công của vai cô Nhàn trong phim “Lửa trung tuyến” của đạo diễn Phạm Văn Khoa, đã đảm nhận nhiều vai chính trong các bộ phim nổi tiếng như: “Một ngày đầu thu”, “Biển lửa”, “Lửa rừng”, “Biển gọi”, “Một chiến công”, “Quê nhà”, “Mảnh trăng cuối rừng”, “Thị trấn yên tĩnh”... Nhiều người còn nhớ tới bà với vai vợ cả của Nghị Hách trong bộ phim “Giông tố”. Đặc biệt, nghệ sĩ Ngọc Lan với gương mặt biểu cảm còn ghi dấu ấn với nhiều vai diễn phản diện như: Lý trong “Mùa lá rụng trong vườn”, mẹ chồng trong “Bí mật Eva” hay vai bà nội trong phim “Bánh đúc có xương”....
Những vần thơ cảm ơn cuộc đời
Với nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, diễn viên điện ảnh Ngọc Lan và họa sĩ, đạo diễn Mạnh Lân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân. Để có được những thành công như ngày hôm nay, ông bà đã trải qua nhiều khó khăn để vừa hoàn thành công việc, vừa xây đắp gia đình hạnh phúc. NSND Ngọc Lan chia sẻ, ngày con gái đầu lòng mới 10 tháng tuổi, bà đã để con lại ở nhà cho chồng chăm để đi diễn. Bộ phim ấy kéo dài tới 2 năm trời mới hoàn thành, dù xót con nhưng người mẹ trẻ cũng không biết làm sao. Tất cả cũng chỉ vì hy sinh cho nghệ thuật.
Còn họa sĩ Ngô Mạnh Lân trở về nước với tấm bằng “Đỏ” (tốt nghiệp loại xuất sắc) của trường VGIK đã được phân công về Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng Phim hoạt hình Việt Nam). Thời điểm này, phim hoạt hình Việt Nam mới ở tuổi lên 2 đầy non trẻ. NSND Ngô Mạnh Lân nhớ lại lúc làm phim hoạt hình “Mèo con” rất khó khăn bởi xưởng phim phải sơ tán về Mê Linh, Vĩnh Phúc.
Suốt 5 tháng miệt mài vừa vẽ, vừa quay từng cảnh bằng chiếc máy quay 16 ly, sau đó in tráng thủ công, đến khi chiếu duyệt phải vác máy ra trung tâm huyện mới có điện để chiếu. Nhưng chính cuộc sống gắn bó gần gũi với thiên nhiên, với bờ tre, gốc rạ, hàng cau đã tạo cảm hứng để đạo diễn thổi được cái chất trong trẻo, hồn nhiên vào từng khuôn hình.
Sau gần 60 năm chung sống, NSND Ngô Mạnh Lân - Phan Ngọc Lan đã có 4 người con thành đạt, giỏi giang, hiếu thảo. Trong đó, con gái cả là Tiến sỹ Ngô Phương Lan từng giữ chức Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Giờ đây, NSND Ngọc Lan ngoài đóng phim, bà còn làm thơ để trải lòng mình với các con, các cháu và cũng là một cách để bà cảm ơn cuộc đời đã cho bà một tổ ấm hạnh phúc, một sự nghiệp thành công.
Bà từng viết những câu thơ như: “Xứng cho cuộc sống cả đời/Tôi như sông nhỏ vào nơi biển hồ” (Nặng tình) hay “Quanh mình những bướm cùng ong/Hoa thơm rực rỡ, một lòng sắt son” (Ngày ấy) đầy khiêm nhường về may mắn được gắn bó cả cuộc đời với một người chồng tài năng cũng như lòng thủy chung sắt son bà dành cho ông.
Đặc biệt, NSND Ngọc Lan nhớ khôn nguôi về Matxcơva và hồi tưởng về những năm tháng ông bà mới quen rồi yêu lúc nào không hay, bà đã làm bài thơ cảm tác về hồi ức đẹp đẽ. Và không ngờ, những câu thơ được sáng tác bằng tấm lòng và tình cảm chân thành của bà đã nhận được sự đồng cảm của nhạc sĩ Lê Tâm. Anh đã viết nên ca khúc “Matxcơva và thời hoa niên” với giai điệu du dương, da diết, dựa trên ý thơ của NSND Ngọc Lan.
Là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này, NSƯT Thanh Tâm chia sẻ, chị từng học tiếng Nga, từng nhiều lần đến xứ sở bạch dương và rất yêu nước Nga. Vì thế, chị rất vui được biểu diễn ca khúc này. Những vần thơ trong bài hát đã thể hiện được tinh thần lãng mạn, một tâm hồn Nga hồn hậu và tình cảm của những người Việt Nam từng học tập, sinh sống tại đất nước của những công trình vĩ đại.
Ở ca khúc “Matxcơva và thời hoa niên” với tiếng đàn Balalaica và các nhạc cụ đặc trưng của âm nhạc Nga được vang lên, sẽ đưa khán giả trở về những kỷ niệm tươi đẹp nhất, những hồi ức ấm áp về Thủ đô Matxcơva, nơi đã có những mối tình lãng mạn và trong sáng. NSƯT Thanh Tâm tin chắc rằng, khi nghe ca khúc này, ai cũng mong thời gian trở lại để trở về thời sinh viên, bên những mối tình ấm áp.
NSND Ngọc Lan, tác giả phần thơ của ca khúc “Matxcơva và thời hoa hiên” chia sẻ, nếu như cuộc đời có những câu chuyện được gọi là định mệnh, thì chuyện tình của bà và NSND Ngô Mạnh Lân là duyên kiếp ba sinh. Đối với ông bà, điều quan trọng nhất khiến cho cuộc sống bình an, suôn sẻ, đó là tình yêu dành cho nhau và “cháy” hết mình cho nghệ thuật.