Máu chàng trai 26 tuổi đục như sữa, suýt mất mạng vì sở thích ăn uống không hiếm gặp ở người trẻ tuổi
Rất nhiều người trẻ tuổi thường ăn uống vô tội vạ, ăn theo sở thích mà chưa đánh giá đúng những hệ lụy của nó. Bởi vì ngoài gây tăng cân, béo phì thì nó còn có thể gây nhiều bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Một chàng trai họ Lý sống tại Chu Châu (Hồ Nam, Trung Quốc) suýt mất mạng vì sở thích ăn uống của mình. Ở tuổi 26, anh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, lú lẫn, máu đục như trà sữa và nhớt như xăng.
Cụ thể, anh Lý đang làm việc tại văn phòng thì đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn. Lúc đầu anh cho rằng mình chưa ăn sáng nên vội vã ăn bánh ngọt đóng gói và nước ngọt đóng chai. Tuy nhiên, trong lúc ăn anh liên tục buồn nôn rồi bắt đầu nôn mửa dữ dội. Những người xung quanh lo lắng hỏi thăm thì nhận ra anh có dấu hiệu tinh thần bất ổn, ngay lập tức gọi xe cấp cứu đưa anh tới Bệnh viện Chu Châu Sansanyi (Hồ Nam, Trung Quốc).
Ảnh minh họa
Khi tới bệnh viện, tuy chưa rơi vào trạng thái hôn mê nhưng anh Lý gần như lú lẫn, không thể nhận thức hay phản hồi người xung quanh. Bác sĩ cấp cứu cũng giật mình khi phát hiện máu của anh có màu trắng đục và nhớt. Xét nghiệm máu chỉ ra chất béo trung tính (TG) trong máu của anh đạt 54 mmol/L. Tức là gấp 33 lần so với giá trị cao nhất ở người bình thường (giới hạn bình thường là 0,38 - 1,61 mmol/L). Tức là bị tăng lipid máu cấp tính gây nguy hiểm tính mạng.
Các bác sĩ còn phát hiện anh có biến chứng nhiễm toan ceton do tiểu đường. Đồng thời, các chỉ số đường huyết, axit uric máu, cholesterol trong máu của anh cũng rất cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị rối loạn nước và điện giải, lú lẫn, các dấu hiệu sinh tồn không ổn định khiến tình trạng của anh rất nguy kịch. Ngay lập tức, nhóm hội chẩn đa khoa bao gồm các bác sĩ Huyết học, Thận, Nội tiết, Thần kinh, Hô hấp, Tim mạch, Khoa Y học Chăm sóc Đặc biệt Khẩn cấp (EICU) được thành lập.
Máu của anh Lý đục như sữa do sở thích ăn uống không lành mạnh suốt một thời gian dài (Ảnh bệnh viện cung cấp)
Nhóm hội chẩn nhanh chóng quyết định đưa bệnh nhân rời phòng cấp cứu để tới Trung tâm chạy thận nhân tạo thuộc Khoa Thận của bệnh viện. Tại đây, anh được lọc máu - trao đổi huyết tương liên tục trong 3 giờ đồng hồ. Sau khi thay 2.000mlhuyết tương, nồng độ chất béo trung tính trong máu đã giảm nhanh chóng từ 54 mmol/L xuống khoảng 9 mmol/L. Bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn khác cũng bắt đầu ổn định lại.
Ăn uống sai cách là một trong những nguyên nhân chính gây tăng lipid máu
Một ngày sau khi trao đổi huyết tương thành công, anh Lý được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt. Tại đây, anh cho biết mình không dám tin những chuyện vừa xảy ra. Dù có cơ thể hơi thừa cân, anh vẫn luôn nghĩ rằng mình rất khỏe mạnh bởi rất ít khi đau ốm, ăn uống gì cũng ngon miệng, ngủ cũng rất ngon giấc.
Điều tra bệnh sử chỉ ra nguyên nhân gây bệnh của anh đến từ chính thói quen ăn uống. Đúng là anh ăn gì cũng ngon miệng, đặc biệt là anh rất thích các món nhiều đường và đồ chiên rán. Bánh ngọt, nước ngọt có ga, trà sữa, gà rán, xúc xích, thịt hộp… là thực đơn chính trong các bữa ăn của anh nhiều năm qua. Anh còn thường xuyên thức khuya và “nghiện” ăn đêm.
Bác sĩ chuyên khoa Thận - người trực tiếp điều trị cho anh Lý cho biết, tăng lipid máu là một thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng nồng độ chất béo (lipid) trong máu cao bất thường. Có 2 loại lipid chính được tìm thấy trong máu là triglycerid và cholesterol. Mặc dù tăng lipid máu có khả năng di truyền nhưng thực tế lâm sàng cho thấy đa phần nguyên nhân đến từ lối sống không lành mạnh, đặc biệt là ăn uống.
Ảnh minh họa
Với trường hợp của anh Lý, các biến chứng nguy hiểm xảy ra do bị tăng nồng độ Triglycerid quá cao khi liên tục nạp quá nhiều calo cho cơ thể, vượt qua mức năng lượng cần thiết. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc bệnh tiểu đường do ăn uống quá nhiều đồ ngọt.
Ông chia sẻ thêm rằng, mặc dù đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị tăng lipid máu nặng nhưng vẫn không tránh khỏi giật mình khi thấy anh Lý tại phòng cấp cứu. Do vẻ bề ngoài của anh không đến mức béo phì nhưng máu thì lại có màu trắng đục như trà sữa và nhớt như xăng, có thể nói là trong máu toàn là dầu - chất béo.
Nếu không thực hiện trao đổi huyết tương kịp thời chắc chắn bệnh nhân sẽ khó giữ được tính mạng. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng trao đổi huyết tương cũng là một loại công nghệ lọc máu nhưng nó không phải là một phương pháp điều trị căn nguyên mà là một phương pháp điều trị khẩn cấp. Thực hiện bằng cách sử dụng máy tách huyết tương để loại bỏ lipid máu tăng bất thường và các chất gây bệnh hoặc chất trung gian gây viêm khác. Đồng thời bổ sung cho cơ thể một lượng tương đương plasma hoặc chất thay thế.
Còn về lâu về dài, bệnh tăng lipid máu sẽ phải điều trị, theo dõi suốt đời kết hợp với rất nhiều lưu ý trong ăn uống, lối sống. Vì vậy, ông khuyên mỗi chúng ta nên nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ngoài ăn uống lành mạnh, hãy luôn kiểm soát cân nặng của mình, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và khám sức khỏe định kỳ.
Nguồn: QQ, Asia One, ETtoday