Mấu chốt là chất lượng nguồn nhân lực!

Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 23 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đây là một trong những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm trong chương trình phiên họp lần này.

Báo cáo đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ cho biết, trong bối cảnh chung của thế giới: tăng trưởng thấp, lạm phát cao, thì kinh tế Việt Nam có tốc độ hồi phục nhanh, trở thành một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước. Cùng với đó, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng so dự toán, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 thặng dư 12,4 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 3,3 tỷ USD của năm 2021...

Nhìn vào những số liệu này cho thấy, bức tranh kinh tế - xã hội của chúng ta trong năm 2022 khá lạc quan với nhiều “gam màu sáng”, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao. Kết quả này một lần nữa minh chứng cho việc những chính sách “đặc biệt, đặc thù, đặc cách” của Quốc hội đã được Chính phủ, bộ, ngành và địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả trên thực tế, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đáng mừng thì trong các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 vẫn có 2 chỉ tiêu “không đạt” mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Đó là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,8%, thấp hơn mục tiêu khoảng 5,5%; và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu 25,5 - 25,8%.

Điểm lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 thì số chỉ tiêu “không đạt” của năm 2022 đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2021 có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra thì năm 2022 chỉ còn 2 chỉ tiêu không đạt. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là một chỉ tiêu “không đạt” của năm 2021 vẫn tiếp tục được tái diễn trong năm 2022 đó là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Câu hỏi đặt ra là, vì sao chỉ tiêu này không đạt? Đâu là giải pháp để tình trạng này không tái diễn?

Năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Việc tăng năng suất lao động có một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển của toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động chính là nguồn nhân lực, trong khi chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27%.

Muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững, muốn tăng năng suất lao động cần thiết phải phát triển chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng cao, kỹ năng tốt. Cần sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Phải kéo giảm khoảng cách còn lớn giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động như hiện nay. Muốn vậy, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, đa dạng về loại hình và hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý cả về cơ cấu ngành, vùng miền, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhất là nhân lực công nghệ cao. Cùng với đó, phải đổi mới chất lượng đào tạo mà trọng tâm là chuyển đổi số. Đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong đó ưu tiên công nghệ thông tin, công nghệ cao. Ngoài ra, chú trọng hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi thực tế cho thấy, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không có nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu của xã hội thì không thể tăng được năng suất lao động, khó phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và bền vững.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/mau-chot-la-chat-luong-nguon-nhan-luc-i326819/